Các Đạo Tràng Bố Tát Ở Tịnh Xứ Hương Nghiêm

In

Thích Nguyên Hiền

Ảnh: Minh Quang

Bố tát là một trong những biểu hiện rõ nét nhất tinh thần hòa hợp Tăng-già, tinh thần nghiêm trì giới luật và là nét văn hóa đặc trưng của Thiền môn quy luật. Giới luật còn là Phật pháp còn. Khi nào và nơi nào Chư tăng còn tập trung bố tát mỗi nữa tháng, khi ấy và nơi ấy Phật pháp còn hưng thịnh.

Bố tát (Phạn: Posadha, Pali: Posatha) là nghi thức mà các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo ni tập trung tại một giới tràng (Phạn: Pratimoksa. Pali: Pàtimokkha) để xét lại hành vi của mình trong nửa tháng qua. Nếu xét thấy mình có phạm giới thì phải ra sám hối trước chúng tăng. Pháp này giúp các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo ni an trụ lâu dài trong Tịnh giới, nuôi lớn pháp lành và thêm nhiều công đức.

Ở Việt Nam, việc bố-tát vẫn còn duy trì rất đều đặn tại tất cả các trụ xứ, tùy theo đơn vị hành chánh (quận, huyện) hay tổ chức Tăng già (đạo tràng an cư) mà số lượng có khác nhau. Trên nguyên tắc, nơi nào có đủ bốn vị Tỳ-kheo trở lên thì có thể tác pháp an cư, thiết lập giới tràng bố-tát. Ở một số địa phương, do tình hình sinh hoạt bên ngoài, đạo tràng bố-tát chỉ còn duy trì trong 3 tháng hạ, từ rằm tháng Tư đến rằm tháng Bảy mỗi năm.

Ở đây, chúng tôi xin giới thiệu các Đạo tràng bố-tát tại Tịnh xứ Hương Nghiêm.

Tịnh xứ Hương Nghiêm là một trú xứ chuyên tu về Tịnh Độ, do cố Hòa thượng Thiền Tâm khai sơn vào thập niên 60 của thế kỷ trước, nằm bên bờ sông Đại Ninh thuộc thôn Phú An, xã Phú Hội, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng. Năm 1972, Hòa thượng Thiền Tâm xây dựng Tu viện Hương Nghiêm, từ đó, Tăng ni khắp nơi vân tập về đây tu học đông đảo, xây dựng những am thất, chùa viện ven sông hay trên những đỉnh đồi tu học. Và cứ mỗi tháng, Tăng ni trong trú xứ vân tập về Tu viện Hương Nghiêm để cử hành lễ bố-tát.

Sau khi Hòa thượng Thiền Tâm nhập thất, việc bố tát của Tăng ni giao lại cho các vị tôn túc trong trú xứ chấp chưởng. Đầu tiên là Hòa thượng Tâm Thanh, đến Hòa thượng Minh Bá, Hòa thượng Giác Minh, Hòa thượng Toại Châu. Khi các vị lớn nhập thất hay viên tịch thì các vị khác theo thứ tự hạ lạp lên thay. Tăng và Ni bố tát chung. Khi Ni trưởng Hải Triều Âm nuôi chúng đông đảo, số lượng quá tải so với không gian chánh điện của Tu viện Hương Nghiêm, Ni trưởng đã lập một đạo tràng bố-tát riêng. Nhờ đất lành chim đậu, số lượng Tăng ni vân tập về Tịnh xứ Hương Nghiêm ngày một đông. Đứng về mật độ tu sĩ Phật giáo trong một thôn làng nhỏ bé, có thể nói Hương Nghiêm là Tịnh xứ có Tăng ni đông nhất ở Việt Nam. Để đáp ứng nhu cầu tu học của Ni giới, năm 2003, Ni trưởng Huệ Đức cùng các vị Ni trưởng lớn trong trú xứ đã đứng ra vận động xây dựng Đạo tràng Long Châu làm cơ sở bố tát riêng cho chư Ni. Theo Bát kỉnh pháp (Atthagaru - dhamma), Tỳ-kheo ni không được an cư ở một trú xứ không có Chư tăng, Tỳ-kheo ni nên cầu xin ngày nào là ngày Bố-tát và cầu giáo giới từ Chư tăng trong mỗi nửa tháng. Sau mùa an cư, Chư Tỳ-kheo ni phải đến cầu xin tự tứ (thấy, nghe, nghi) với nhị bộ Tăng Ni. Vì thế, dù thiết lập đạo tràng bố-tát riêng nhưng các đạo tràng Dược Sư và Long Châu vẫn nằm trong trụ xứ của Tăng, phạm vi ngoại giới tràng vẫn chung và Chư ni ở đây vẫn giữ đúng tinh thần giới luật, sang thỉnh giáo giới và cầu tự tứ tại Tu viện Hương Nghiêm. Khi Ni trưởng Huệ Đức và quý vị trưởng thượng tuổi già sức yếu, duyên bệnh, việc chấp chưởng Đạo tràng Long Châu giao lại cho Ni trưởng Thông Hoàn. Với tinh thần cầu thị, đức nhiếp chúng và khả năng quán xuyến, Ni trưởng đã tổ chức Đạo tràng Long Châu ngày một hưng thịnh và vô cùng nghiêm túc. Đó là nét đẹp tuyệt vời tại Tịnh xứ này mà có thể nhiều người chưa biết.

Tại Tu viện Hương Nghiêm, dưới sự chủ trì của Hòa thượng Toại Châu, Chư tăng huyện Đức Trọng cũng vân tập về Tổ đình kiết giới bố tát, đặc biệt trong mùa an cư, mọi sinh hoạt bố-tát, quá đường cũng rất nghiêm túc. Có những vị quanh năm chẳng tham dự gì trong các hoạt động xã hội, hoằng pháp, đối với quan điểm tu tập cũng có vài điểm bất đồng, nhưng việc bố-tát đúng tinh thần giới luật thì vẫn tham dự đông đủ. Ngoài ra, khi sanh tiền, Hòa thượng Tâm Thanh cũng thiết lập Đạo tràng an cư riêng cho Tăng chúng Vĩnh Minh Tự Viện, hầu giúp Chư tăng bổn tự an cư tại chỗ, chấp trì các sinh hoạt của một hạ trường đúng với Thiền môn quy củ mỗi ngày, chứ không phải chỉ nửa tháng mới đi bố tát một lần. Sau khi Hòa thượng viên tịch, Đại đức Thích Nguyên Hiền vẫn duy trì Tịnh Nghiệp đạo tràng an cư kiết hạ Vĩnh Minh Tự Viện, có sự tham dự của một số học Tăng ở xa, mở các lớp học mỗi chiều, chấp trì công phu bái sám, quá đường kinh hành thù ân chúc tán và bố tát mỗi nửa tháng rất nghiêm túc.

Mỗi kỳ bố tát, Đạo tràng Long Châu có đến khoảng 250 vị tham dự, Tu viện Hương Nghiêm có khoảng 180 vị tham dự. Nếu tính cả Đạo tràng Vĩnh Minh Tự Viện, Dược Sư, Bát Nhã, Hương Sen, cả Tịnh xứ Hương Nghiêm mỗi kỳ bố tát, số lượng đông đến hàng nghìn.

Ở các trú xứ khác, việc bố-tát có thể vẫn duy trì đều, nhưng thường là có đông đảo Phật tử về nghe giới của Phật tử tại gia như Ngũ giới, Bát quan trai, Thập thiện. Riêng Tịnh xứ Hương Nghiêm thì dường như việc bố-tát chỉ dành riêng cho Tăng ni, bởi số lượng đông đảo. Nếu ai có duyên được một lần chiêm ngưỡng hình ảnh Chư tăng ni ở đây bố tát, hẳn sẽ hết sức cảm kích bởi nét đẹp thuần túy chỉ có ở trú xứ này. Nhờ khí hậu mát mẻ, đạo tràng được tổ chức nghiêm túc, hình ảnh bố-tát của Tăng Ni Tịnh xứ có thể làm phát khởi tín tâm đối với nhiều người mới bước vào cửa Phật, thật là một truyền thống đáng trân trọng và bảo tồn.

Trong thời đại mà mọi giá trị có thể đảo lộn, hai chữ phương tiện có thể bị lạm dụng thái qúa. Một vài Tự viện ở đây chưa thực hiện đúng tinh thần giới luật Phật chế, dù họ nghiêm túc trong phương diện tu học, thiết nghĩ cần được chấn chỉnh bằng cách mở các lớp dạy luật học căn bản, từ các pháp yết-ma đến các kiền độ bố-tát, an cư, tự tứ.

Xin đảnh lễ năng lượng tu học của Tăng Ni nhị bộ tại Tịnh xứ Hương Nghiêm, và xin chiêm ngưỡng những hình ảnh sau đây như chiêm ngưỡng Giáo đoàn đức Phật tự hơn 2500 năm trước. Giới luật còn là Phật pháp còn. Hạnh phúc lắm thay!

HT.Thích Minh Cảnh Thiền Chủ - Đạo Tràng An Cư Kiết Hạ Vĩnh Minh Tự Viện.

Đạo Tràng Bát Quan Trai Vĩnh Minh Tự Viện Cử Hành Nghi Thức Qúa Đường Cùng Chư Tăng.

Chư Tăng Vĩnh Minh Tự Viện Kinh Hành Sau Giờ Thọ Thực.

Phật Tử Kinh Hành Niệm Phật.

Hình Ảnh Bố Tát Của Chư Ni Đạo Tràng Long Châu.

Hình Ảnh Bố Tát Của Chư Tăng Tại Tu Viện Hương Nghiêm.


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: