Ý Nghĩa Xá Lợi Và Đất Thiêng - Thích Nguyên Hiền

In

Ngưỡng bạch Chư tôn Hòa thượng, Chư Thượng tọa, Đại đức, Tăng Ni, kính thưa toàn bộ Phật tử !

Sáng hôm nay, núi rừng Vĩnh Minh Tự viện chứng kiến một sự kiện trọng đại. Mây trắng mười phương tụ về, gió ngàn dưới nội giăng lên, đón mừng lễ cung nghinh Xá Lợi Phật và Đất thiêng tôn trí tại bảo tháp Minh-Tích-Ấn mới được hoàn thành. Dưới sự chứng tri của Chư tôn Thiền Đức trong giờ phút long trọng này, chúng tôi xin được trình bày sơ lược ý nghĩa của Xá Lợi và Đất thiêng.

Xá Lợi là dịch âm từ tiếng Phạn Sarira, nghĩa là tử thi, di cốt, thông thường chỉ di cốt của Đức Phật, về sau từ ngữ này còn chỉ xương đầu của các vị cao tăng sau khi hỏa thiêu. Phẩm “Xả Thân” trong kinh Kim Quang Minh quyển 4 (Đại Chánh Tạng 16, trang 354 thượng) ghi: “Xá Lợi là thành quả của sự huân tu giới định tuệ, không dễ gì có được, đó là phước điền tối thượng”. Từ ngữ Sarira là do động từ Sri chuyển thành danh từ, nghĩa là chỗ nương tựa của thân thể. Hoặc do động từ Sri chuyển biến mà thành, nghĩa là không dễ gì hư hoại. Trong tiếng Phạn còn có từ Dhàtu là một tên gọi khác của Xá Lợi. Theo “Trường bộ kinh” chú bằng văn Pàli (Sumangala - vilàsini) thì những tinh ba của thân thể sau khi thiêu, kết tụ thành những hạt ngọc kiên cố (Dhàtuyo) gọi là Xá Lợi. Theo đó thì có thể biết từ ngữ Sarira là chỉ tử thi, từ ngữ Dhàtuyo là chỉ di cốt sau khi thiêu. Chúng ta có thể hiểu chúng theo 2 nghĩa là toàn thân Xá Lợi và toái thân Xá Lợi. Kinh Dục Phật Công Đức chia Xá Lợi thành hai loại là Sanh Thân Xá Lợi và Pháp Thân Xá Lợi. Pháp Thân Xá Lợi tức chỉ giáo pháp, giới luật mà Đức Phật để lại, còn theo “Pháp Uyển Châu Lâm” quyển 40 thì Xá Lợi được chia làm 3 loại: Xá Lợi xương màu trắng, Xá Lợi tóc màu đen, Xá Lợi thịt màu đỏ.

Theo sử truyện thì Xá Lợi của Phật sau khi Trà Tỳ được chia làm 3 phần cho Chư Thiên, Long Vương và Nhân gian. Như vua trời Đế Thích được nhận Xá Lợi răng của Phật thì cũng giống như lễ bái cội Bồ đề nơi Đức Phật thành đạo hay tòa Kim Cang.

Sau khi Đức Thế Tôn nhập Niết bàn, có 8 vị quốc vương phân chia Xá Lợi Phật về xây tháp cúng dường. Theo kinh Du Hành trong Trường A Hàm, quyển 8, lúc ấy dân chúng thành Malla, nơi Đức Phật nhập diệt, muốn được lưu giữ Xá Lợi nên xây tháp cúng dường ngay bản quốc liền bị 4 đội quân khác đến Câu-thi-na xin được chia Xá Lợi, nhưng bị sự kháng cự bởi quốc vương nước này. Ngoài ra còn có dân chúng Bạt Ly, Câu Lợi, Bà La Môn, Ly Xa Vi, Vua A-xà-thế và dòng họ Thích Ca ... đến xin được chia Xá Lợi. Cuối cùng hương tánh Bà La Môn cáo dụ chia Xá Lợi thành 8 phần cho 8 nước để tránh nạn binh đao xảy ra.

Năm 1890, nhà khảo cổ người Pháp tên W.C.Peppé khai quật di tích ở phía Nam nước Népal tìm thấy một hộp lớn trong đó chứa bốn chiếc hộp nhỏ bằng đá, 2 hộp chứa những mảnh xương, 2 hộp còn lại chứa những hạt như hạt ngọc. Trên nắp hộp có khắc 2 chữ Brahmi, thứ chữ được sử dụng vào thời vua A Dục. Nội dung hai dòng chữ này là: “Đây chính là hộp đựng Xá Lợi Phật do chính tộc họ Thích Ca phụng thờ. Do đó chứng minh rằng thuyết Xá Lợi được chia làm 8 trong “Kinh A Hàm” là chính xác. Sau đó chính phủ Anh quốc đã tặng Xá Lợi này cho quốc vương nước Cù La. Vị quốc vương này lại phụng cúng cho các nước Tích Lan, Miến Điện, Nhật Bản. Xá Lợi được cung nghinh tại Vĩnh Minh Tự viện sáng hôm nay là một phần của số Xá Lợi ấy được nước Tích Lan cúng dường lại cho một vị chức sắc của Việt Nam. Nhờ nhân duyên lớn mà hôm nay hiện diện tại Chánh điện này”.

Xá Lợi Phật là sự kết tinh của công phu tu hành Giới-Định-Tuệ, nên việc cúng dường Xá Lợi có công đức rất lớn. Ngày xưa, Vua A Dục đã xây dựng 8 vạn 4 ngàn ngôi tháp để cúng dường Xá Lợi. Ở nhiều nước trên thế giới hiện nay, người ta đã xây dựng nhiều ngôi tháp nguy nga, thậm chí các tháp được làm bằng vàng để cúng dường Xá Lợi. Sự linh diệu của Xá Lợi là không thể nghĩ bàn, các kinh truyện đều nói đến rất nhiều. Luận “Đại Trí Độ” quyển 59 ghi rằng nếu cúng dường chỉ một viên Xá Lợi nhỏ bằng một hạt cải thì công đức cũng vô lượng vô biên.

Ngưỡng bạch Chư tôn Đức,

Kính thưa toàn thể quý vị !

Sanh được thân người là khó, được gặp Phật, nghe pháp còn khó hơn nhiều. Việc tôn trí Xá Lợi Phật để chúng sanh chiêm ngưỡng, đảnh lễ, tạo phước điền cho tất cả mọi người là việc làm lợi lạc. Ngoài ra để phát khởi niềm tin và tạo nhân duyên cho Phật tử, những người không thể đến được những Phật tích ở Ấn Độ để đảnh lễ, chúng tôi đã cung thỉnh Đất thiêng nơi Tứ Động Tâm về tại Vĩnh Minh Tự Viện. Đó là đất của bốn nơi quan trọng: Nơi Đức Phật đản sanh, thành đạo, chuyển pháp luân và nhập niết bàn. Bốn thánh địa này đã được nhà khảo cổ Cuningham và nhiều nhà khảo cổ khác trên thế giới xác minh, từ mấy ngàn năm qua bao người đã đến lễ bái, tu tập. Những hạt đất này lưu dấu của Đức Bổn sư, nhờ những nơi này mà chúng sanh cõi Ta bà nhuần ân pháp vũ, do đó sự linh hiển và công đức của Đất thiêng cũng giống như pháp thân Xá Lợi của Đức Phật. Ngoài Đất thiêng nơi Tứ Động Tâm, chúng tôi còn lấy đất của các thánh địa quan trọng như núi Linh Thứu, vườn Trúc Lâm, vườn cây của Thái tử Kỳ Đà và ông Cấp Cô Độc, những nơi mà Đức Thế Tôn từng trụ nhiều năm tháng để thuyết pháp hóa độ.

Từ trước đến nay, mỗi khi làm được một Phật sự gì, chúng tôi đều hồi hướng công đức cho Hòa thượng Tôn sư, gọi là một chút nhớ ơn Thầy tổ. Ngày hôm nay, nhân ngày húy kỵ Hòa thượng, Bảo tháp Minh Tích Ấn cũng vừa hoàn thành để tôn trí Xá Lợi và Đất thiêng, chúng tôi cũng xin hồi hướng công đức về Hòa thượng Tôn sư, cùng Pháp giới chúng sanh kết thiện duyên trong ngôi nhà Phật pháp.

Giờ phút linh thiêng này, dưới sự minh chứng của Chư tôn Đức, Xá Lợi Phật và Đất thiêng được tôn trí tạo Bảo tháp Minh Tích Ấn, chúng tôi kiền khẳng thỉnh Chư tôn Đức nhất tâm hộ trì cho Phật sự trọng đại này được vô lượng công đức.

Nam Mô Hoan Hỷ Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát.

T.N.H




Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: