Gọi Tình Bên Sông

In

Kỷ Niệm Tuần Chung Thất Cố Nhạc Sĩ Phạm Tình.

“Có một lần nhớ quá, ra sông đứng gọi tình.” Đó là lời một nhạc khúc của Phạm Tình, phổ thơ Trần Dạ Lữ mà tôi rất thích. Khi người ta không tìm được sự hòa nhập với cuộc đời, người ta phạm tôi. Còn anh không phạm tội, anh Phạm Tình – tôi hay đùa với anh như thế. Người nghệ sĩ xứ sông Hàn ấy đã ra đi, nhẹ nhàng như cánh hạc bay qua giữa cuộc đời này, đôi cánh vỗ lên vài nốt nhạc, man mác, bâng khuâng,  nhưng rớt lại thật lâu, thật sâu, giữa vô vàn âm thanh huyên náo của cuộc đời.

“Tình xa người hóa lạ, chiều mồ côi cánh chim, niệm sầu chia hai nhánh, địa ngục và thiên đàng! Qua sông hề sông rộng, soi bóng dài chiêm bao. Biết tìm nhau nơi đâu, biết tìm nhau nơi đâu? ”  Lời thơ không có gì mới lạ, nhưng qua giai điệu của Phạm Tình, nó rót vào khoảng trống của mỗi tâm hồn một chút thảng thốt, một chút vu vơ, không tên không tuổi, thứ chất liệu mà từ lâu ai cũng ngỡ mình đủ đầy, mình không thiếu. Và khi đã cảm nhận được, ai cũng phải cúi đầu cảm tạ giai điệu lừng lửng của người nhạc sĩ tài hoa kia. Cũng như hầu hết những nhac sĩ xuất thân và thành danh vào giai đoạn khốc liệt nhất của quê hương thời 65 – 75, họ chỉ nói về tình yêu, về thân phận, nhưng dấu ấn của quê hương trong âm nhạc của họ bao giờ cũng da diết, cũng cháy bỏng. Và có lẽ đã cháy hết bình sinh trong từng phút giây nhập nhoàng tân toan dâu bể, họ đã không còn sức lực để thắp lên một lần cái huy hoàng tráng lệ cho những ngày tháng còn lại của cuộc đời. Trào lưu hiện sinh của Jean Paul Sartre, đã ghi dấu trên thân phận của thế hệ thanh niên Việt Nam ấy sự hết mình, sự đầm đìa và cả sự thăng hoa, rồi thoáng chốc lụi tàn khi hoàng hôn lặng tắt. Họ bước đi liêu xiêu, nói giọng nói thều thào, tóc râu làm đồ nhấm, chén rượu nhạt làm khuây… Không nổi tiếng như Ngô Thụy Miên, Lê Uyên Phương, Trịnh Nam Sơn, nhưng hình ảnh và những nhạc phẩm của Phạm Tình cũng đủ chất men say cho những người đồng điệu ôm đàn thâu đêm, hòa trong nhạc khúc một tứ thơ mà thời ấy ai cũng thuộc:

“Đôi mắt ướt tuổi vàng khung trời hội cũ

Aó màu xanh không xanh mãi trên đồi hoang

Phút vội vã bỗng thấy mình du thủ

Thắp đèn khuya ngồi kể chuyện trăng tàn”.

(Tuệ Sỹ)

“Đợi mùa nao, đợi mùa nào? ” Tâm sự gần như tuyệt vọng. Nhưng không! Chàng trai họ Phạm vẫn lý luận: “Lẽ nào ta không còn gặp nhau.” Phạm Tình tha thiết: “Hãy về nghe em”, “ Hẹn gặp em mùa sau”, “Còn tôi nơi đây”, “Em vẫn còn trong tôi”, “Nơi tôi chờ em”, “Em ơi có nghe”. Tha thiết quá! Cảm động quá! Chẳng biết anh đã gặp lại chưa, nhưng bây giờ anh “Lại một lần ra đi”.(*)

Trong số anh em văn nghệ, tôi gặp anh Phạm Tình khá trễ. Những quán cà phê Sài Gòn, những đêm mưa Đà Lạt, và những buổi chiều lộng gió bên bờ sông Hàn Đà Nẵng, thoáng chốc đã mười năm. Những nhạc phẩm rất hay của anh, đôi lúc bị bỏ sót giữa cuộc đời bởi anh không thuê nổi một giọng ca có tầm thể hiện. Bạn bè dù đã chia sẻ với anh rất nhiều, nhưng cũng chỉ tổ chức được vài đêm nhạc Phạm Tình nơi góc quán nhỏ Sài Gòn, Đà Lạt, bằng những giọng ca bạn bè, song ít nhất cũng làm lòng anh ấm lại sau những cơm áo đời thường. Có một đêm nơi góc phố Hoàng Diệu Đà Lạt, khán giả chỉ là vài nhà sư, vài bạn bè văn nghệ, anh đã ôm đàn hát say sưa, quên cả ngoài kia đèn đường đã tắt, trăng đã xuống nằm lắng nghe trên đọt thông, và sương cũng nhoà đẫm cùng từng dòng dư lệ. Lúc ấy tôi thấy anh mới thật là anh, một Phạm Tình với chất ngất đam mê.

Anh đã ra đi như nằm ngủ bên chân vợ con trong đem khai mạc Euro 2012. Đó có thể là sự khép lại của một thế hệ mà không biết đến bao giờ quê hương Việt Nam gặp lại, thế hệ mà thi sĩ Vũ Hoàng Chương đã từng thốt lên trong tiếc nuối: “Lũ chúng ta đầu thai lầm thế kỷ…”.

Nhất Thanh

(*) Những câu trong ngoặc kép trên đây là tựa đề những ca khúc của Phạm Tình.


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: