DIỄN TỪ CỦA BAN TỔ CHỨC ĐẠI LỄ PHẬT ĐẢN PL.2560 TẠI VĨNH MINH TỰ VIỆN – HUYỆN ĐỨC TRỌNG – TỈNH LÂM ĐỒNG

In

VĨNH MINH TỰ VIỆN

Ảnh: Minh Quang

Nam mô Ta-bà Giáo chủ Điều Ngự Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật.

Đại địa mười phương bảy lần rúng động, khi Đấng Bất diệt ngang dòng sanh diệt.
Thế giới ba ngàn một phen bùng vỡ, lúc bậc vô sanh thị hiện đản sanh
Giờ phút linh thiêng
Đất trời tỏa sáng
Kapilavastu
Rạng ngời đêm Thánh đản
Mưa Mạn-đà-la
Mưa hoa Mạn-đà-la
Nhạc Càn-thác-bà
Xưng tán.
Sen nở dưới chân đi
Lumbini bày điềm lạ
Thiên thượng thiên hạ
Duy ngã độc tôn.
Từ ấy đến nay vô lượng linh hồn
Giải thoát.
Chỉ có một đêm trong ngàn đêm tẻ nhạt
Người đi về mở mắt vạn sinh linh
Tụng cho thế giới hòa bình
Đất trời về dựng nguyên hình pháp vương.

Ngưỡng bạch Chư tôn thiền đức Tăng Ni. Kính thưa quý vị Đại biểu, cùng toàn thể đồng bào Phật tử huyện Đức Trọng đang hiện diện tại Đạo tràng Vĩnh Minh Tự Viện sáng hôm nay.

Sông núi bừng hương sắc
Vô ưu trỗ nụ kèn
Đất trời ươm tay ngọc
Hoa cười nâng gót sen

Ngàn lời tụng ca, muôn lòng hướng vọng, tất cả chỉ để khắc sâu hình ảnh hy hữu hiếm hoi nhất trong lịch sử nhân loại: Ngày Đản sanh của Đức Từ phụ Bổn-sư Thích-ca Mâu-ni, tự 2640 năm trước, tức năm 624 trước công nguyên, tại vườn Lâm-tỳ-ni, thành Ca-tỳ-la-vệ, xứ Nepal, dưới triền Hy Mã. Sự ra đời của bậc Giác ngộ thắp sáng niềm tin vào chính con người, giải phóng con người thoát khỏi sự nô lệ của thần linh, trả trọn vẹn quyền con người về lại cho con người. Những thông điệp và tuyên ngôn của Ngài vẫn mãi mãi là ánh triêu dương chói lọi rọi vào thế gian đầy u tối bởi tham sân si mạn, thách thức với thần quyền và những định kiến thâm căn cố đế. Ngài dạy: “Con người là chủ nhân những nghiệp mệnh của mình, và cũng là kẻ thừa tự tất cả những nghiệp dĩ mà mình gây tạo”; “Không ai có quyền ban phước và giáng họa cho ai”; “Con người sinh ra không liền thành Bà-la-môn hay Chiên-đà-la, mà chính do sở hành của họ”. “Không có giai cấp trong nước mắt cùng mặn, không có hận thù trong dòng máu cùng đỏ”. “ Không thể lấy oán đối trả thù cho oán đối. Chỉ có tình thương mới rửa sạch hận thù”. Vâng! Vô lượng di ngôn, mỗi chữ mỗi lời đều là linh dược chữa lành vết thương nhân loại, thắp sáng niềm tin nơi con người và muôn vật. Từ đó, Phật giáo trở thành tôn giáo Nhân bản nhất, và đáp ứng được nhu cầu thế giới hiện đại. Nói như Albert Einstein, nhà khoa học vĩ đại nhất của nhân loại: “Nếu có một tôn giáo nào đương đầu với các nhu cầu của khoa học hiện đại thì đó là Phật giáo. Phật giáo không cần xét lại quan điểm của mình để cập nhật hóa với những khám phá mới của khoa học. Phật giáo không cần phải từ bỏ quan điểm của mình để xu hướng theo khoa học, vì Phật giáo bao hàm cả khoa học cũng như vượt qua khoa học”.

Vâng! Giá trị của Đạo Phật thì không có gì phải bàn cãi. Vấn đề của chúng ta hôm nay chính là vấn đề môi trường. Trái đất đang nóng dần lên, môi trường nhiễm độc, thực phẩm nhiễm độc, niềm tin giữa con người và con người đỗ vỡ, thuần phong mỹ tục và đạo đức tâm linh bị thách thức. Người ta đang loay hoay đi tìm giải pháp cho vấn đề môi trường, cũng như đi tìm tác nhân gây ra mọi hậu quả bi đát hiện nay. Kính thưa liệt quý vị! Không có giải pháp nào khác, không có tác nhân nào khác. Kẻ thù của chúng ta ở ngay trong chính chúng ta, đó là Tam độc tham sân si. Đức Phật dạy: “Đừng mất thời giờ để đi sửa lại cho thẳng cái bóng của một cây cong”. Cái cây đã cong rồi thì không thể sửa thế nào cho cái bóng nó thẳng được. Kẻ thù của chúng ta chính là lòng tham, sự sân hận và si mê. Hãy nổ lực chuyển hóa nó. Trong một thông điệp Phật đản của tổng thư ký Liên hiệp quốc, ông Ban Ki Moon đã từng viết. “Kho tàng giáo lý rộng sâu của Đức Phật có thể định hướng cho những nổ lực giải quyết các vấn đề nghiêm trọng mà chúng ta đang phải đối mặt trong thế giới ngày nay”. Cho nên đừng kích động để đi tìm kẻ thù ở bên ngoài. Người con Phật hãy nổ lực quay về với chính mình để chuyển hóa thân tâm. Kinh Duy-ma nói: “Tùy kỳ tâm tịnh tức quốc độ tịnh”. Đại sư Ấn Thuận dạy: “Tịnh độ là tịnh hóa nhân tâm và tịnh hóa quốc độ”. Khi tâm người thanh tịnh thì cõi nước sẽ thanh tịnh. Đạo lý rất đơn giản ấy nhưng lại là chân lý. Tất cả Phật tử năm châu hãy hướng về ngày Đản sanh của Đấng từ phụ, xông ướp giáo lý của Ngài, đem những đức mục Từ bi hỷ xả, vô ngã vị tha đi vào cuộc đời, tưới xuống lòng đời trái đắng mật đen này. Hoa tuệ giác sẻ nở hương, và Hòa bình, an lạc sẽ ngự trị trên hành tinh bất ổn của tất cả chúng ta. Đó chính là thông điệp mà Ban Trị Sự GHPG huyện Đức Trọng muốn thể hiện trong buổi lễ hôm nay.

Trong Đại lễ Phật đản được Liên hiệp quốc tôn vinh và bảo trợ này, lần đầu tiên người đứng đầu chính phủ Hoa Kỳ đã gửi những lời chúc tốt lành bằng một thông điệp chính thức. Từ tòa Bạch Ốc tại thủ đô Washington, ngày 29 tháng 04 năm 2016, tổng thống Barack Obama đã viết:

“I send greetings to all those observing Vesak.

Vesak is a special day for millions of Buddhists to honor the birth, enlightenment, and passing of Buddha. At temples around the world, Buddhists use this time to engage in prayer and reflect on the virtues of wisdom, courage, and compassion. By taking part in these acts of humility, the men, women, and children who uphold the proud traditions of Buddhism contribute to the diversity of cultures and religions that define our common humanity.

As you come together to mark this occasion, I wish you all the best.

President  Barack Obama”

Tôi xin gửi những lời chúc mừng đến tất cả những người đang quan sát lễ Vesak.

Vesak là một ngày đặc biệt đối với hàng triệu tín đồ Phật giáo nhằm tôn vinh sự kiện Đản sanh, thành đạo và nhập Niết-bàn của Đức Phật. Ở các ngôi chùa trên khắp thế giới, hàng Phật tử nên sử dụng thời gian này để cầu nguyện và suy niệm về các giá trị trí tuệ, dũng lực và tâm từ bi. Bằng các việc cụ thể và đầy tinh thần khiêm nhường, những người con Phật thuộc nhiều truyền thống khác nhau đã góp phần vào sự đa dạng về văn hóa và tôn giáo được xác định bởi nhân loại toàn cầu.

Như quý vị đến với nhau để đánh dấu sự kiện đặc biệt này, tôi chúc tất cả quý vị mọi việc tốt đẹp nhất.

Ký tên. Tổng Thống Barack Obama

Không phải ngẫu nhiên mà chúng tôi trích dẫn thông điệp của tổng thống Barack Obama. Bởi ngay tối mai, sau ngày bầu cử, tổng thống Hoa Kỳ sẽ đến Việt Nam. Đánh dấu một sự kiện trọng đại mà trước đây, phó tổng thống Joe Biden đã từng trích dẫn một câu Kiều của Nguyễn Du để nhận định: “Trời còn để có hôm nay, tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời”. Thật là một sự kiện đặc biệt, nhất là trong thời điểm Bầu cử quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp. Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức kỷ niệm 35 năm thành lập, cũng như BTS huyện Đức Trọng chuẩn bị tổ chức Đại hội Phật giáo huyện nhà!

Kính bạch Chư tôn đức! Kính thưa toàn thể quý vị.

Chúng tôi đã đi đến rất nhiều nơi, để có thể chủ quan mà tuyên bố rằng, chưa có ở đâu trên mảnh đất Việt Nam này có đời sống Phật giáo đặc biệt như ở địa bàn huyện Đức Trọng. Với số lượng gần 3000 Tăng ni và đông đảo Phật tử, có thể quý vị chỉ nhìn thấy những ngôi chùa nhỏ bé, những am thất thô sơ nằm nép mình giữa những thôn làng quạnh quẻ. Có thể quý vị chỉ nhìn thấy hình ảnh Chư tăng cuốc đất bên đường, hình ảnh Ni cô đẩy xe chở củi, hay dăm ba chú tiểu đạp xe đến trường đi học, mọi thứ có vẻ bình thường, thậm chí tầm thường, chẳng có gì ra vẻ áo mão cân đai, chẳng có gì có vẻ cao sang quý phái. Vâng! Chỉ có nhịp mỏ chiều, hồi chuông sớm như những dấu ấn đặc trưng của làng chùa và tĩnh viện, chỉ có nâu sòng sạm vạt, lần chuỗi nam mô. Chỉ có mỗi tháng 2 kỳ tập trung bố tát. Chỉ có mỗi năm ba tháng an cư, dường như chẳng có lễ hội gì, chẳng có tổ chức gì. Vâng! Nhưng đó là nét đẹp đặc trưng nhất. Chúng ta còn mong muốn nào hơn khi Tăng ni tịnh xứ lặn vào bên trong, ẩn mật và hàm tàng để thực hành lời Phật dạy. Những đại lễ như Phật đản hôm nay chỉ là sự vân tập cho có vẻ đoàn kết hòa hợp, chứ có am thất nào không hướng về Phật đản, có đêm nào trong 365 ngày không hướng về với đức Phật. Đó là điều mà không phải ở đâu cũng có. Sự lặng lẽ, đơn sơ chính là quê hương mà mọi người con Phật tìm về. Chúng tôi lăng xăng tổ chức lễ này lễ nọ, điều chúng tôi biết rõ nhất, là đôi khi chỉ chuốc lấy tiếng cười thương xót của các bậc tôn túc mà thôi!

Vì vậy, nếu không làm được như các bậc cổ đức để hớp được ngụm suối đầu nguồn, chúng tôi chỉ biết trong từng phút giây hiện hữu, làm bất cứ việc gì cũng dốc hết bình sinh để tạ ơn Tam bảo, trân trọng từng nhân duyên trong từng ngày thơ đêm thảo, trong từng hơi thở ra vào bằng lòng chí thành chí kính để báo đáp tứ ân, và gieo tạo nhân duyên cùng người hướng về Phật pháp, bỏ ác làm lành, cải tà quy chánh, niệm Phật, ăn chay, làm phước, bố thí cúng dường, bòn chút phước duyên dâng lên Tam bảo. Đó cũng là ý nghĩa của buổi lễ hôm nay.

Ngưỡng bạch Chư tôn đức. Kính thưa toàn thể quý vị!

Bằng tất cả tâm thành tha thiết, con xin đảnh lễ cảm tạ chư tôn, gửi đến quý vị Đại biểu lời chào trân trọng nhất. Thượng chúc Phật nhật tăng huy, pháp luân thường chuyển, Thiền môn hưng thạnh, hải chúng an hòa, thế giới hòa bình, nhân dân an lạc. Kính chúc toàn thể liệt quý vị an lành trong ánh Từ quang của đức Phật.

Nam mô Công đức lâm Bồ tát Ma ha tát.

Để đánh dấu sự kiện trọng đại này. Bổn tự đã ghi lại một số hình ảnh trong Đại lễ. Kính mời quý vị xem qua.






Cung thỉnh Chư tôn đức quang lâm lễ đài.


Chư tôn đức Tăng

Chư tôn đức Ni




Đông đảo Phật tử đến tham dự đại lễ.




Đội múa GĐPT huyện Đức Trọng



HT. Thích Toại Châu tuyên đọc thông điệp của đức Pháp Chủ GHPGVN

MC. Thích Trung Pháp

ĐĐ. Thích Nguyên Tâm tuyên đọc diên văn Phật đản của HĐTS GHPGVN


ĐĐ. Thích Nguyên Hiền tuyên đọc diễn từ của Ban tổ chức

Đại lễ Phật đản PL.2560 - huyện Đức Trọng - tỉnh Lâm Đồng




Chư tôn đức Tăng cùng quý Phật tử thả Bồ câu cầu nguyện quốc thái dân an.


Chư tôn đức làm lễ nghinh thần Đản sanh và tắm Phật.







Trang nghiêm thanh tinh.













Nhân Đại lễ Phật đản. BTS GHPGVN huyện Đức Trọng

chia sẻ 100 phần quà từ thiện cho đồng bào nghèo.




Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: