Mùa Đã Qua

In

Nguyên Nguyên

Những câu thơ trong truyện Kiều của cụ Nguyễn Du gợi tả cảnh xuân, hạ, thu, đông luôn có mặt trong tâm trí tôi mỗi khi tôi nghĩ về cái đẹp mà đất trời thiên nhiên ban tặng cho mỗi mùa, nhưng có lẽ đọng lại trong thẳm sâu tâm hồn tôi vẫn là những câu nói về mùa thu: Người lên ngựa kẻ chia bào / Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san, hay Long lanh đáy nước in trời / Thành xây khói biếc non phơi bóng vàng….

Bây giờ là mùa… đã thu, những đám mây trắng bềnh bồng trên nền trời xanh, ngọn gió heo may thoáng nhẹ trong sớm mai, ngần ấy thôi cũng đủ vương vấn hồn ai những nỗi niềm xúc cảm, sao cứ lặng vào trong mà khó hóa giải thành lời. Tôi cứ lẩn thẩn với chính mình, rằng mình mắc nợ mùa thu, món nợ không dễ gì trả nổi…

Dường như ai cũng có một cảm xúc rất riêng với thiên nhiên vào những thời khắc khác nhau, nhưng từ cổ chí kim, hình như mùa thu là “tác nhân” gây nhiều cảm xúc nhất. Hơn cả với sớm xuân rực rỡ lá hoa, đêm đông lạnh giá cô đơn rét mướt, trưa hè cháy bỏng khát khao thì cả ngày thu lại làm lòng người vướng bận những suy tư trăn trở, len lỏi vào tâm thế đa mang của con người. Với tôi, bài hát ru “Gió mùa thu mẹ ru con ngủ / Đêm năm canh chày mẹ thức đủ vừa năm” được nghe từ thuở lọt lòng mẹ, hay những bài thơ, áng văn, bài nhạc, bức tranh… về mùa thu mà tôi “thu lượm” được từ ngày học vỡ lòng đến bây giờ, tôi đều yêu thích và xem đó là “gia tài chữ nghĩa” về mùa thu trong tâm hồn mình. Gió nhẹ, lá vàng, trời xanh, mây trắng, mấy nét chấm phá dung dị ấy thôi đủ “vẽ” nên bức tranh thu lay động hồn người.

Tôi nhận ra mùa… đã thu khởi hành từ khu vườn rợp bóng cây xanh của mẹ năm nào. Mùa thu là mùa lá rụng trong vườn, trải trên mặt đất lớp lá thu vàng rực. Lại nghe gió lao xao trở mình, nghe tiếng chim hót và đang thi nhau chuyền cành. Chiều về những làn khói mong manh… Và trên cánh đồng trước nhà, lúa đã gặt và đồng trơ gốc rạ, tiếng cu gáy “Cúc… cù… cu…” cuối bãi vọng về. Và đẹp nhất là hình ảnh thấp thoáng“Con cò trên ruộng cánh phân vân” (Xuân Diệu), khi ấy cánh đồng mùa thu là bức họa đồng quê tuyệt vời. Rồi chợt nhận ra sự vận hành thời gian trong năm có cả bốn mùa. Nhớ nhất là hồi còn nhỏ, cứ thấy có cái gì là lạ chuyển mùa là xòe tay bấm đốt để nhẩm tính còn bao nhiêu tháng, bao nhiêu ngày nữa thì đến Tết. Không như tôi, mẹ cũng xòe bàn tay chai sần ra, mẹ nói tính ngày tính tháng đến ngày giỗ ông bà, đến ngày vào vụ mới, đến Tết nhất là biết bao nhiêu lo toan… Còn tôi, tôi vô tư vì đã yêu thích mùa thu, không mưa dầm trắng trời như mùa đông hay nắng rát da như mùa hạ, tôi theo ba mẹ ra cánh đồng trong nắng vàng hanh hao dịu mát, để được tung tăng chạy nhảy rong chơi trên bờ bãi đường đê. Mãi mãi không quên niềm hạnh phúc ấy có được từ mùa thu khi cỏ may dính đầy quần áo, được ngắm từng con cá quẫy tung lên trong những chiếc đơm đặt ở mương nước trên đồng, được nhai đầy miệng những trái ổi thơm lừng… Và nhớ lắm những buổi đầu tiên lên sáu tuổi đi học lớp một ở trường làng với những nét chữ i tờ ngộ nghĩnh. Những nét chữ, con số cứ lớn dần trong đầu óc thơ trẻ của tôi và mùa thu ấy đã mở ra trong tôi vô vàn lối đi cho những cảm nhận non nớt về thiên nhiên, bạn bè, thầy cô, trường lớp…

Bây giờ, khi đã trở thành “người lớn”, đi qua những nhọc nhằn gập ghềnh trên hành trình cuộc đời, những cảm xúc ấy vẫn còn tươi nguyên ẩn nấp trong tâm hồn. Và tôi cũng nhận ra, với tôi, với nhiều người, rằng mùa xuân là sự khởi đầu của hành trang, của ước vọng để hướng về, đi tới, còn mùa thu, chính mùa thu mới là miền kỷ niệm hay giấc mơ để suy tưởng và hoài vọng. Có lẽ sắc trời bàng bạc vào thu thường gợi nhắc con người về một dĩ vãng, tình yêu, kỷ niệm… đẹp đã xa. Vâng, sự hoài niệm thì bao giờ cũng đi liền với những khắc khoải, nuối tiếc, cho dù là những nỗi buồn vô cớ, một kiểu “Hôm nay trời nhẹ lên cao / Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn,” (Xuân Diệu). Và có lẽ, ai rồi cũng có những nỗi buồn như thế chất chứa bên trong sâu thẳm tâm hồn. Mùa… đã thu sẽ làm xao động, khơi đậy những cảm xúc thầm kín ấy; mang đến những vui buồn trong cuộc đời với nhiều cung bậc, sắc thái sẽ làm ta nhìn lại chính mình, để rồi cảm thấy yêu thương cuộc sống hơn… Đó là thông điệp suy tưởng của mùa thu nói với mỗi người, đó cũng chính là sự nhiệm mầu của trời đất vào thu. Cũng chừng đó ngày tháng phân định cho mỗi mùa nhưng dường như mùa thu như đi dài hơn trong tiết trời se se lạnh, trong những buồn vui mà ai cũng cố suy tư, lắng trầm lại với chính mình.

Tôi đã mang theo những vần thơ, ca khúc, áng văn… về mùa thu, xem đó là hành trang tất yếu trong đời sống tinh thần và tâm hồn của mình trên chuyến tàu hành trình cuộc đời. Đó có thể là một “tấm vé” quay trở về với khu vườn tuổi thơ trong vắt, với đồng nội, với tổ ấm gia đình, với bạn bè… Tôi cảm nhận những sáng tác ấy là hay, đẹp và độc đáo, và càng thấy hay, đẹp và độc đáo hơn cùng với những gì tôi nhận ra từ thực tại của mùa thu mỗi nơi mình đã từng sống và đi qua. Như không thể nào quên giàn mướp đầy hoa sắc vàng trong trước sân nhà mẹ nơi quê nhà, hay tiếng trống thu giòn giã bồi hồi ngày khai trường trong năm học đầu tiên tôi làm cô giáo. Âm thanh tiếng trống vang vọng trải dài ra trong nắng vàng sân trường. Hay một mùa thu chưa xa, tôi ru con gái đầu lòng no tròn giấc ngủ bằng chính bài hát mẹ ru tôi ngày xưa “Gió mùa thu mẹ ru con ngủ / Đêm năm canh chày mẹ thức đủ vừa năm”… Mỗi độ thu sang, với bao tình ý vời với tinh khôi ấy, cứ lại là dịp để chính những cảm xúc thật như nhắc nhớ lòng mình trở về với kỷ niệm…

Có ai đó phải cám ơn mùa thu, cám ơn sự dịu dàng, thanh thoát nhẹ nhàng của thiên nhiên, vạn vật? Phải chăng, hãy nuôi dưỡng cho mình một“tâm khí”của mùa thu để vượt qua những lối đi khúc khuỷu của cuộc đời mà có lẽ ai cũng phải bận lòng, vươn tới sự bình yên, hạnh phúc? Mùa… đã thu và đã là bản tâm ca muôn thuở, hãy tự nhận ra cho mình khúc thu đẹp nhất để tâm hồn mãi mãi sống để yêu thương, để có một tấm lòng chỉ “để gió cuốn đi” (Trịnh Công Sơn)… ■


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: