Chiều Chiều Ra Đứng Ngõ Sau

In

Hải Trình

Vừa thấy bóng chị vào nhà, thằng Út đã vội la lên: Chị Bồng, chị Bồng về mẹ ơi! Trời đã nhá nhem, mà căn nhà vẫn còn tối om. Đã hai mươi tám tháng Chạp rồi mà cái vùng quê này vẫn còn yên ắng; chẳng có tín hiệu gì của ngày Xuân, tháng Tết. Giờ này mà vẫn còn lác đác mấy người đang lom khom ngoài ruộng. Cha nó đi cắm câu cũng chưa về. Đang loay hoay chụm nồi cám heo, nghe thằng Út gọi, mẹ nó vội nhét nùi rơm vào bếp, rồi lật đật chạy vào;

con Bồng bổ nhào đến ôm mẹ mà rơm rớm nước mắt. Mẹ xoa đầu nó, nói mấy câu chào hỏi qua loa, để cho mấy chị em nó mừng vui, ríu rít bên nhau; bà trở lại chái bếp. Biết con đi đường xa đói bụng, bà dọn cơm cho mấy chị em nó ăn trước.

HChuyến xe chiều nêm cứng cả người và hàng hóa, thế mà gã lơ xe còn cố chèo kéo thêm mấy người khách hành lý lỉnh kỉnh. Một người lính mặc đồ rằn ri, râu tóc dị hợm, nói ra toàn hơi rượu, trông như anh ta vừa mới từ mặt trận trở về, thò đầu ra càu nhàu: “Xe đầy thế này rồi còn muốn gì nữa mà chưa chạy. Chiều tối rồi, không chạy tao đốt xe cho mà coi”. Gã tài xế quay đầu lui bả lả mấy câu tỏ ý xin lỗi, rồi thét gã lơ xe lại quay máy cho xe chạy. Chiếc xe già cỗi, gồng mình, chậm rãi bò ra khỏi bến. Con bé cố ép mình sau đống quang gánh chất lên tận đến mui xe. Nó nín thở, hồi hộp chờ gã lơ xe đi qua giữa đám hành khách đứng ngồi lố nhố để thu tiền “Lạy trời xui khiến cho ổng không nhìn thấy!”. Lúc lên xe, nó đã bị kẻ gian móc sạch túi, may mà cái giỏ xách còn nguyên vẹn. Tấn thối lưỡng nan; trở về thì không được, ở lại thì ăn ngủ ra sao đêm nay. Biết không còn tiền nhưng nó cũng đánh liều bước lên xe. Thấy gã đã trở lại phía sau xe, nó mừng thầm trong bụng. Xe vẫn chạy khá nhanh. Nhìn ra ngoài, chỉ còn một đỗi nữa là đến chợ Nọ, điểm tạm dừng cho khách xuống. Từ đây đến nhà nó chỉ còn khoảng chừng hai cây số, đi bộ cũng về trước lúc đỏ đèn. Đúng như dự đoán, đến nơi, có mấy người khách xuống xe, thì gã lơ xe phát hiện ra nó. Hắn đòi tiền, con bé năn nỉ mãi hắn vẫn không chịu; thế là hắn nắm tay con bé đẩy xuống, trong lúc xe vừa chuyển bánh; may thay nó gượng lại được nên chẳng hề hấn gì. Gió chiều phả mát cả người. Con Bồng đã tỉnh hẳn. Nó mừng quá, thế là đã toại nguyện.

Ăn cơm xong. Bồng tẩn mẩn mở cái túi xách trao cho ba đứa em gói kẹo, Bé Lớn, Bé Nhỏ mỗi đứa mỗi cây kẹp tóc màu sặc sỡ, riêng thằng Út thì được cái đồng hồ đeo tay bằng nhựa; chúng hí hửng mừng vui. Nhưng có lẽ người vui nhất là mẹ nó, đang đứng cười tủm tỉm nhìn các con sum vầy, cái giây phút hạnh phúc hiếm hoi đã từ lâu bà mới có được. Lão Đinh vừa về đến thì mấy đứa con đã ngủ hết. Hai vợ chồng ngồi vào mâm cơm đã dọn sẵn. Thấy chồng liếc nhìn cái túi xách để trên bộ ván với nét mặt kém vui, vợ lão đã nhanh nhẩu: “Con Bồng vừa mới về lúc đầu hôm. Tội nghiệp bà cụ phúc đức biết thương người. Mấy đứa cháu và con dâu bà vào trong Quảng ăn Tết hết nên bà mới cho nó về đó, chớ ba ngày

Tết lu bu công chuyện ai mà cho người giúp việc về quê đâu; nhưng bà dặn ngày mồng bốn phải lên”. Mặc cho vợ huyên thuyên, vừa ăn lão vừa ừ ừ cho qua chuyện chứ thật tình lão đã chán ngấy cái trò bày đặt này mấy lần rồi. Cuối cùng thì lão cũng phải đích thân đội đàng san dạ dẫn nó lên phố mà xin lỗi người ta. Tuy nghèo và thất học nhưng lão là người có tư cách; biết điều phải, lẽ trái.

Cái tên làng Phò An thật ra chỉ có trong văn tự và trên bản đồ địa chánh mà thôi. Thực tế, người dân địa phương chẳng ai thèm nhớ đến cái tên nghe ra đẹp đẽ ấy bao giờ. Người ta vẫn quen gọi nó là xóm Làng Đê: xóm tập trung khoảng ba bốn chục căn nhà nằm rải rác trên bờ đê phía tả ngạn con sông Lợi Nông, một nhánh của sông Hương đổ ra cửa biển Thuận An; cách kinh thành Huế chưa đầy bảy, tám cây số. Họ chuyên sống bằng nghề đánh cá trên sông và trên các bàu phá vùng lân cận. Ở bên cánh đồng bao la bát ngát nhưng chẳng mấy ai chọn nghề làm ruộng. Đến thời điểm đầu thập niên 70 mà cư dân ở đây vẫn còn nghèo. Hình như có “ngạch đất”; nơi đây chuyên cung cấp “Ô-sin” cho mọi miền. Con trai mới lớn thì đi ở chăn trâu, cắt cỏ cho những nhà khá giả trong vùng.

Con gái thì lên phố thị giúp việc cho các gia đình công chức hạng trung hoặc các tiệm buôn bán giàu có*.

Họ quan niệm đây cũng là một nghề, nên chẳng ai có mặc cảm khi cho con đi ở đợ. Đã mười ba tuổi mới biết đọc, biết viết thì đã xa nhà đi ở mướn. Con Bồng còn nhớ mãi cái cảnh ngày ôm áo ra đi; ngoảnh  mặt lại, thấy mẹ và đàn em nheo nhóc tựa cửa nhìn theo mà nước mắt lưng tròng. Mấy ngày đầu xa mái nhà thân yêu, buồn tủi biết bao, nhưng nó cũng cắn răng chịu đựng cũng vì thương mẹ, thương em. Một nghìn đồng tiền công một năm, cha mẹ nó đã nhận đủ để trang trải nợ nần và sắm thêm câu lưới làm kế sinh nhai. Ở cái xứ đồng không mông quạnh này biết đào đâu cho ra số tiền lớn lao như thế. Cũng may cho nó, gặp được nhà người chủ tốt bụng. Chồng là một công chức hạng khá, vợ có cửa hàng bán vải ở chợ Đông Ba. Làm công việc nhà và trông ba đứa nhỏ lại có bà cụ tiếp tay nên cũng không đến nỗi nhọc nhằn lắm so với việc sương nặng gánh đầy ở chốn ruộng đồng. Bà cụ rất cưng đàn cháu, lại là người biết ăn chay niệm Phật, biết thương người nên bà cũng không nỡ đối xử với nó như một kẻ tôi đòi. Những chiều rảnh rang, ngồi nhìn những chùm khế muộn màng lủng lẳng trên cành cây trụi lá, nhìn những tàu cau đong đưa trước gió trong khu vườn hoang ngôi nhà hàng xóm là những lúc nó không cầm được nước mắt nỗi nhớ nhà, “Chiều chiều ra đứng ngõ sau – Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều”.

Thấm thoắt mà đã qua chiều mồng ba Tết. Đêm nay, nằm thao thức mãi, con Bồng không sao chợp mắt được, chuyện gì sẽ xảy ra khi cha nó hay được sự thực nó đã trốn về quê ăn Tết. Riêng phần mình, nó sẵn sàng chịu đựng tất cả. Chỉ tội nghiệp cho mẹ nó sẽ không tránh khỏi những lời cha đay nghiến, “Con hư tại mẹ, bà tiếp tay với nó để làm khổ tôi, đã cực mà còn không được yên thân”. Rồi mẹ nó chỉ biết khóc! Mà cũng đúngthế. Cuối cùng, kẻ cưu mang cũng không ai ngoài lão. Ngày mai chính tay lão phải đưa con lên phố, phải đến nhà ông chủ mà năn nỉ người ta – Con dại cái mang, mũi dại thì lái phải chịu đòn. Lão Đinh cũng nhìn ra được lẽ đó. Suốt đời không ra khỏi lũy tre làng, đi đâu cũng sợ lạc, lại “ăn không nên đọi, nói không nên điều”; nên dù thương con đến mấy đi nữa thì mẹ nó cũng không thể gánh vác việc ấy thay chồng.

Đến khuya con Bồng nằm mơ thấy mẹ và thằng Út chết trôi trong lúc đi vớt củi rều tại ngã ba sông gần nhà nó, xác mẹ và em tấp ngay tại bến nhà. Tỉnh giấc, nhưng tâm trí nó cứ lởn vởn cơn ác mộng, nó nằm khóc rưng rức, rồi thiếp đi; trời sáng lúc nào cũng chẳng hay. Đang ngồi uống trà trên bộ ván, bỗng lão Đinh cất tiếng: “Dậy mà đi cái đồ báo cô. Đây là lần cuối tao cứu mày. Lần sau thì mẹ con mày tự liệu lấy, không thì bán nhà mà trả tiền lại cho người ta”. Thật tình thì lão đã biết rõ chuyện con Bồng bỏ trốn về nhà chứ chẳng ai cho phép. Nhưng vì muốn cho con cái được hưởng cái Tết trọn vẹn nên lão đã cố làm ngơ. Đôi khi nghĩ lại, lão cũng thấy thương con gái, vì gia đình mà một mình nó phải gánh chịu mọi điều gian khổ.

Chiếc xe đò lỡ trớn, ngừng cách nhà nó một khoảng khá xa; nhưng có lẽ chuyến xe đầu năm ế khách nên tài xế cũng ráng đợi. Cha con lão Đinh xách gói lúp xúp chạy theo. Đến nơi, bỗng dưng con Bồng cắm đầu chạy ngược trở về. Lão Đinh vừa la hét vừa đuổi theo, túm được nó, lão xáng liền mấy bạt tai vào mặt khiến nó chúi nhào, nó lồm cồm ngồi dậy khóc thét lên khiến hành khách trên xe nhốn nháo, họ chẳng hiểu cớ sự gì. Lão lớn tiếng như để phân bua với mọi người: “Ngày xưa tao đi ở đầy tớ cho người ta đói trưa, khát sớm mà cũng phải cắn răng chịu đựng. Bây giờ ở đầy tớ cơm trắng cá tươi, mầy còn đòi gì nữa mà trốn lên trốn xuống; báo hại tao phải nhiều lần đi quỳ lụy xin lỗi người ta, đồ con bất hiếu…”. Con Bồng vẫn đứng lì, nó nhất quyết không chịu lên xe. Lão xấn lại định đánh tiếp, nhưng một người thanh niên từ trên xe đã nhảy xuống ôm chầm lấy con bé, anh nhỏ nhẹ với lão: “Cháu xin bác tha cho em đi, nó nhỏ dại chẳng biết gì đâu, bác đừng đánh nó mà tội nghiệp”. Rồi quay qua con nhỏ, anh dỗ dành, “Nghe lời anh lên xe đi kẻo xe sắp chạy rồi”. Con Bồng tiu nghỉu bước theo anh thanh niên, lão Đinh cũng vội vã lên theo. Như một niềm ân hận, lão ta ôm chầm con bé trong tay; rồi lão thì thầm bên tai nó; “Cũng tại con mà ra, cứ lên xe thì có chuyện gì đâu mà phải chịu đòn. Con ráng đi, đến tháng Ba, cha đi cắt lúa mướn lấy tiền để chuộc con về, chứ bây giờ giêng hai làm gì có, vả lại khi ấy số tiền chẳng còn là bao. Đã lấy tiền đủ của người ta rồi, có giấy tờ hẳn hoi; mình không ở nữa thì phải trả lại, chớ có giựt được đâu con”. Nó vẫn còn thút thít khóc lẫn giữa những tiếng nấc đứt quãng. Nhìn kỹ mấy lằn tay còn in trên má con, lòng lão rối bời; hai giọt nước mắt nóng hổi lăn dài, lão vội đưa bàn tay lên quẹt ngang mấy cái. Xe chuyển bánh, Bồng nhìn lại; thấy mẹ, đàn em và ngôi nhà cứ nhỏ dần rồi mất hút đằng sau. Nỗi buồn cũng theo khoảng cách mà lớn dần trong tâm trí. Xe lăn được một quãng, gã lơ xe len giữa hai hàng ghế để thu tiền. Lão Đinh móc tiền ra đưa thì gã nhất định không nhận, dù lão nói thế nào cũng chẳng được. Gã lại vừa cười vừa nói: Năm mới tôi lì xì cho em đó, nó cũng bằng tuổi em gái tôi thôi bác đừng ngại gì cả. Tội nghiệp, đầu năm mà đã bị đòn chắc cả năm xui xẻo lắm. Lão Đinh chỉ biết cám ơn rồi chăm chú nhìn gã. Bỗng dưng con Bồng nhận ra người đã can ngăn cha nó hồi nãy là anh chàng lơ xe này và cũng chính anh ta là người đã đẩy nó xuống xe vào buổi chiều hôm trước Tết. Con người ta có lúc rày, lúc khác. Đừng có nhìn vào một vài hành động mà vội đánh giá tư cách một người; đôi lúc cũng oan cho kẻ khác. Xe lắc lư, con Bồng ngủ thiếp đi trong vòng tay cha nó. Trong giấc ngủ lơ mơ, nó thấy mình đang ngồi ru con ông chủ, miệng nó lại lắp bắp câu hát quen thuộc ngày nào: Chiều chiều ra đứng ngõ sau…

Xe đã chạy vào phố thị; những âm thanh náo nhiệt đã khiến nó tỉnh giấc. Nhìn ra xe, trên đường phố; thiên hạ vẫn còn nô nức đón xuân sang.


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: