Thơ Nguyễn Văn Nho

In

Bông Cỏ Nở
Từ Những Niềm Sâu Lắng

 

Thay lời tựa

Ngày chiếc lá trở về dưới cội cây xưa đắm

mình trong vòng tay của ngọn cỏ bồng đong đưa

theo gió cũng là ngày khơi hương một khu vườn lãng

quên trong đáy hồn sương khói, trong hòa điệu mơ

hồ của từng phiến buồn rơi vào sâu thẳm...Phải

chăng đó chính là lúc loài hoang điểu đã qua bên

kia bờ diêu loạn và đáp chân xuống vùng đảo hoang

lương đúng lúc chiều hôm rồi nghỉ đêm trong nỗi

buồn rưng của một chặng đường trôi nổi, hồi tưởng

về đường bay bỏ lại và nẻo đi về mênh mang trên

bước hư phù?

Sẽ lắm phân vân cho một lữ khách giữa

những con đường ngã ba trên nẻo xuôi dòng sông

hiện tượng, nhưng chắc chắn sẽ vô cùng rưng rức

cho những loài rong rêu trên từng bến bờ suy tưởng

trong cuộc về ngược dòng man thiên đó... Những

phương trời lồng lộng mở ra với bao bồi hồi hệ lụy,

và đâu sẽ là hạt minh châu treo lơ lửng dẫn về suối

nguồn an lạc, đâu sẽ là trú xứ muôn đời của những

tâm hồn sung mãn đã dại dột lắng nghe tiếng gọi

mời phương phiêu gió hú, đã tự đánh đắm thuyền

mình một lần qua dòng sông miên trường trong nỗi

khát khao được hòa tan vào đáy sâu bản thể?

Từ đó thi ca bắt đầu trở về như một trò chơi

táo bạo và kỳ diệu của ngôn ngữ, một trò chơi thế

mệnh dẫn dắt thi sĩ vượt qua, vượt qua và vượt qua

mãi từng sa mạc hoang lương ngút ngàn cỏ cháy...

Dừng lại có nghĩa là tự trói đời mình trong vòng tay

quy ước, tiến đến có nghĩa là đương đầu với niềm cô

đơn sâu thẳm của kẻ muốn tìm gặp một Quê hương

trong vùng tưởng nhớ, một Quê hương đã rời xa và

không bao giờ tìm được...


Trong viễn tượng đó, bông cỏ nở từ những

niềm sâu lắng là toàn bộ tiếng thở dài sâu thẳm một

lần nhìn lại mình trong cách thế chiêm nghiệm vẹn

toàn một hành trình giả ngã..., là tiếng kêu bi thiết

của một cánh chim trên những đỉnh vùng hoang

lương trước khi tiếp tục cất cánh bay vào sâu thêm

ngàn đảo hoang cô giá... Giật mình thảng thốt khi

bắt đầu nắm bắt được tiết điệu cô đơn mình phải

cưu mang, bông cỏ nở từ những niềm sâu lắng còn là

lời hiệu xướng của lữ khách bắt đầu dừng lại bên ni

bờ vực thẳm đang ngắm nhìn từng phiến trời sương

khói trôi qua... Ôi phù du, ôi hư mất!

5 - 6

Ôi hiu hắt lòng tôi khi những nhánh phần

vong thân chỉ còn là xác lá, còn lại đây những dặm

về huyễn mộng, và tiếng gọi sơ đầu kia vĩnh viễn

ngân vang như thuở tiên đầu giục cánh thiên di...

Đêm có mặt trong ngày và ngày có mặt trong đêm,

khép lại niềm sợ hãi đa đoan, vươn lên theo ý nghĩa

trọn vẹn của danh từ, ngửa mặt và ngửa mặt, hỡi

những chiều hôm nắng quái, hỡi nỗi sông dài, hỡi lẽ

thâm sơn, hỡi những triều sương luân hoàn thao

diễn, có hồn tôi sẵn sàng phơi mở dành sẵn các em

một lối đi về...


We die struggling to get born, we never were,

never are, we are always in process of becoming,

always separate and detached. Forever outside...

We have only to open our eyes and hearts, to

become one with that which is.

(Henry Miller,
the smile at the foot of the ladder)


Opening our eyes and hearts, những phương

trời viễn mộng tiếp tục mở ra, hồn cỏ dại trở về ngự

trị trên ngày tháng, những suối nguồn yêu thương vỡ

òa thành dòng sông xuôi về biển cả...Và bông cỏ nở

từ những niềm sâu lắng là tiếng ran của loài ve trước

ngày lột xác, là bước đường dừng lại trực nhận trong

mong manh thân phận cuộc người giữa trò chơi kỳ

diệu của Vĩnh Cửu...


Xin cảm tạ những con đường, dòng sông, bầu

trời và mặt đất đã đi qua, xin cảm tạ những thâm

tình bằng hữu và biết bao người con gái đã cùng tôi

tạo cho nhau từng vết nám lòng làm hành trang đạo

hạnh... Thi phẩm được ra đời chỉ khiêm tốn như

một món quà nhỏ bé, những dấu tích mờ xa ghi lại

từng lần chụp bắt thiên thu trong từng sát na tịch

hạp, và nếu như còn chăng một ý nghĩa nào nữa

khác, đơn giản đó chỉ là từng kỷ niệm êm đềm còn

lại, vả chăng, đó chính là chút thâm tình một lần

nữa tôi đã được dành cho từ các bạn.


5 - 2002

Nguyễn Văn Nho

Bên bờ cỏ dại


Bằng giọng thơ hiền như cỏ hoa

Tâm trí dần phai những phiên toà

Con nước vơi đi từng ố dục

Quá khứ cũng về thay xiêm y


Cùng suối nguồn trăng lộng vô vi

Quên cả mười năm cuộc miên trì

Trút giữa hoàng hôn ngàn khắc khoải

Chăn gối cùng Đêm giấc trẻ thơ...


Thôi nhé, chào xa dốc bụi mờ

Và cơn đuối mộng đục trang thơ

Về nghe nhã nhạc trong mầm sống

Gõ giữa trầm luân nhịp yêu thương


Chào khúc triều tâm động miên trường

Chào trùng thiên diễn

ngợp muôn phương

Hồn ta ở lại bên bờ cỏ

Với nắng chiều vương trên lá khô...


Vẫy tay người
cơn mộng giữa chiêm bao



Ai ngồi lại giữa trùng sương hoá đá

Ai còn đi để buồm nặng trăng hoang

Người không về ngắm hồn ta cỏ mọc

Dấu chân xưa mưa xoá tự bao giờ


Chiều hoang vu giữa hàng cây héo mộng

Mạch đề hồ chợt mát gốc đau thương

Nên những hàng cây

xanh rợp lại muôn đường

Ta dạo gót bình yên trên lá mục...


Người gởi lại chiếc lá vàng thuở ấy

Gọi nhau về trên mấy nhịp cầu qua

Nhưng dòng sông đã xuôi về an lạc

Gió đầu non trăng cổ độ xa rồi...



Bến chờ chi cho sương nặng bồi hồi

Ngành ngọn ấy suốt một mùa bão nổi

Ta vẫn tang bồng,

nhưng tóc chừng đã đổi

Theo dòng trôi bỏ lại bụi vô minh


Vẫn mực đèn khuya

nhưng chuyển rộng điệu tình

Ta nghe tiếng côn trùng, hơi thở đất

Một tiếng chim giữa trời đêm phiêu dật

Vẫy tay người

cơn mộng giữa chiêm bao...


1981


Tắm bồn hài nhi

Ép hoa đầy vở trắng dày

Bút sương người vẽ lên đầy chiêm bao

Ra đồng hái những trăng sao

Lên non bứt cỏ cho vào túi thơ

Về Thành nhặt nụ vật vờ

Để cùng bằng hữu trọn giờ mê ngôn

Mai kia tóc trắng bạc hồn

Có còn ước nguyện tắm bồn hài nhi?


1981


Cỏ dại


Buổi sáng còn vương lại hơi sương

Anh mải miết nhìn hai bên đường

Cỏ dại

Những bức tường cao cỏ lấp đầy vết nứt

Vài vũng bùn dơ

cỏ mọc phủ che...


Những con đường năm tháng xe qua

Bàn chân ai dẫm lên mỗi ngày

nhiều hơn hai dạo

Sáng nay cỏ vẫn vờn lay theo gió

Tắm vội vàng bằng lớp sương dần phai


Đêm anh nằm trên đệm cỏ say trăng

Có một mùi hương

mùi gây gây... thấm trong từng huyết mạch

Có phải mùi gây gây

Những ngày thơ thả diều

nằm lăn trên bờ ruộng


Em cứ hỏi hoài

Sao anh ngắt hoa dại luôn

Nói làm sao hở em

Anh chỉ biết mỉm cười ngơ ngẩn

Vì những lúc chợt thấy mình là cỏ khô, em ạ

Bỗng hồi sinh ngày mộng cũ dâng đời...


Cũng có lần anh thích bẻ hoa thơm

xớn xơ tìm cỏ lạ

màu sắc tưng bừng lay động thần kinh

Ôi những nâng niu

làm tả tơi thêm ngày hoa thơm rã cánh

và cơn mưa chiều làm tắt nghẹn kiêu sa...

 


Anh kể cho em nghe về những chuyến đi xa

Chiều lau cỏ trên những con đèo

hát khúc hiền hoà theo gió

Có những chùm lau gốc rễ bật bên đường

vẫn hát khúc hời ru bên triền phương mộng...


Cỏ lãng quên mình

nên chẳng hề quên lãng

Thương đau hoài

cỏ không biết đau thương

Nên sáng hôm nay trên đường nặng hơi sương

cỏ vẫn dậy quên những vết bạo hành đêm cũ



Trên những lối mòn thời đại quên tên

cỏ liệm dùm ngàn xác thu trong lá

Ôi ngày xưa

anh chỉ nhìn lá vàng mà không nhìn
cỏ dại

nên chưa nửa đời hồn trĩu nặng ưu tư...


Những ngày lao động làm thành phố

khang trang

đừng nhé em, đừng dẫy hết loài
cỏ dại

Anh tưởng tượng những con đường

sẽ buồn hơn niềm câm nín

khi bức tường kia hằn vết nứt trơ vơ

và đống bùn dơ

không có loài cỏ hiền phủ mặt...



Mẹ cho anh cuốn vở chép nhọc nhằn

chép tật đố

chép tham lam

anh đem ép đầy hoa lá

Anh chẳng biết trả lời sao

khi hồn mình bỗng là

cỏ dại

dưới chân đời đi trọn kiếp ngu ngơ...


1981


Khi em về, hoàng hôn…


Khi em về nắng chiều theo không kịp

nên hoàng hôn buồn bã đọng sau lưng

Nước dòng mương

cũng một thoáng ngập ngừng

Lời không tỏ xạc xào trên bãi mía


Anh có cả những chiều vàng trong mắt

Nên hoàng hôn là quê chốn đi vể

Đi dọc đời mình qua những làng quê

Anh hiểu được

nỗi niềm rầy nâu trên cánh lúa…


Em có cả tấm lòng sâu vạn đại

nên chẳng buồn chi chuyện kì hẹn sai giờ

Em cũng xót xa nỗi niềm Cỏ dại

nên yêu đời trong tiếng vọng nguyên sơ


Khi anh về, ngàn gió hỏi vu vơ

Rằng có phải hương đồng và hương hoa Cỏ dại

Hòa với những nỗi niềm anh băng hoại

Thành lời ca dội lại trong tim…?


1986


Không kịp


Không kịp mang cho em

chút hương trời cố xứ

có lối vào

cát bỏng trời trưa

có tiếng mẹ

khuya về xô liếp cửa

mười lăm năm

giọt lệ âm thầm


Không kịp mang cho em

chút hương quỳnh e ấp

có mùa trăng

ngồi đợi bóng ai về

có đứa em thơ

trán đong đầy viễn ước

dù xuân trôi

như những tình cờ…


Không kịp mang cho em

tiếng vang buồn

phố nhỏ

thuở đầu đời

xanh ngát chuyện yêu nhau

những con đường, dòng sông

hơn một lần mộng vỡ

cho sâu thêm

lời đá vọng hồn côi…


Thôi anh về, đợi đến trăng sau

anh mang hết cả khung trời cố xứ

và có cả chút hương đời lữ thứ

cũng vàng hoe

từng lối vắng chiêm bao…


Quế Mỹ, 1985


Tiễn bạn


Xin mời người hãy lên đường

Rồi đông xám sẽ cúi nhường xuân xanh

Bàn chân dẫm nát ngọn ngành

Và nguồn cội ấy đâm cành lộc non...


1986

Trăng khuya

Trăng im lìm giữa thiền đường

Người im lìm lắng nghe sương gọi thầm

Hỡi mù sa cõi trăm năm

Làm sao che được trăng rằm nguyên sơ?

1985


Có còn khẽ hát đó không em

Tháng chạp em về bông cỏ ủ hơi sương

Trong mắt em dáng chiều như đọng lại

Có bài ca tôi bùi ngùi hoang dại


Em có còn khẽ hát đó không em?

Tháng chạp tôi về bông cỏ nở trên tay

Xin tặng em, dáng kiều thanh

và nụ cười hồn hậu

Là tặng em đoá sầu man vạn cổ

khi mùa xuân đi biệt ở trong hồn...


Có còn khẽ hát đó không em

khi đi qua dòng sông đêm

bóng chiều vừa tắt

Bắc một nhịp cầu qua làn gió bấc

em vào lòng tôi thắp sáng những cơn mơ...



Tôi đợi em từ cuối ngọn bơ vơ

Và ly biệt đã về trong gặp gỡ

Vẫn điệu u hoài trên những trang thơ

Còn chi hơn nữa em

Khi loài rong buồn trôi

trên tháng ngày đã mất


Có còn khẽ hát đó không em

khi mốt mai em về lại ngày nhân gian

xe đường tất bật

Tôi còn trở lại hiên đêm

những lần trăng khuya rơi trên tóc em

ngạt ngào hương quýt...


Dù không thể nào cầm được tay nhau

để dắt nhau đi xuống dốc triền thân phận

Dù không còn được ngồi mãi bên nhau

đếm những mùa vàng phai trong sắc lá

Xin một lần được ngắt tặng em

Bông cỏ nở

từ những niềm sâu lắng...


Có còn khẽ hát đó không em?



1984


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: