Khai Mạc Hội Thảo Kỷ Niệm 30 Năm Thành Lập GHPGVN

In

Sáng ngày 23 tháng 12 năm 2011 tại Văn phòng II Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam (Thiền Viện Quảng Đức, số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3, Tp.HCM). Trung Ương GHPGVN trọng thể khai mạc Hội Thảo kỷ niệm 30 thành lập GHPGVN.

Chứng minh hội thảo có HT. Thích Đức Nghiệp – Phó Thư ký Hội đồng Chứng minh GHPGVN; HT. Thích Từ Nhơn – Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng trị sự(HĐTS) GHPGVN; HT. Thích Trí Quảng – Phó Chủ tịch HĐTS GHPGVN; HT. Thích Thiện Nhơn – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký HĐTS GHPGVN, cùng Chư tôn hoà thượng Hội Chứng minh, Hội đồng trị sự, Chư tôn giáo phẩm Ban trị sự các tỉnh thành trong cả nước tham dự.

Khách mời có ông Hà Văn Núi – Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQVN; ông Bùi Thanh Hà – Phó Ban Tôn Giáo Chính phủ; ông Bùi Hữu Dược – Vụ Trưởng vụ Phật giáo Ban Tôn Giáo Chính phủ; ông Nguyễn Quốc Tuấn – Phó Viện trưởng Viện Nghiên Cứu Tôn giáo. Cùng đại diện các Bộ, ban, ngành trung ương và thành phố Hồ Chí Minh, cùng các nhà nghiên cứu tham dự.

Trong 30 năm qua, kể từ ngày thành lập (1981), Giáo hội đã thực hiện đúng chương trình hoạt động 6 điểm của Giáo hội cụ thể hóa qua các Ban ngành Viện của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Qua quá trình tồn tại và phát triển, Giáo hội đã tạo được sự đoàn kết, hòa hợp của các tổ chức Hệ phái thành viên sáng lập Giáo hội, đồng thuận của Tăng Ni, Phật tử Việt Nam trong và ngoài nước. Tiêu chí cơ bản của mệnh đề hành động của Giáo hội là Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa Xã hội, góp phần làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh.

Điều lý thú nhất là Giáo hội kiên định lập trường tin sâu, hiểu rõ lý nhân quả, nên Giáo hội luôn kiên trì, nhẫn nại trong việc làm sáng tỏ đường lối, chủ trương của mình và tìm mọi cách để phá tan những mưu toan, những vu khống của các thế lực và phần tử xấu, nỗ lực kêu gọi sự đoàn kết, hợp lực của tất cả những cá nhân, đoàn thể, tổ chức vì Giáo hội Phật giáo Việt Nam, vì đất nước và nhân dân.

Hiện nay, trong toàn Giáo hội có hơn 46.000 Tăng Ni, trên 15.000 Tự viện, Tịnh xá, Tịnh thất, Niệm Phật đường trên cả nước cùng với quần chúng Phật tử đang chung sức xây dựng và phát triển Giáo hội, tham gia các mặt hoạt động của đất nước.

Giáo hội đang hợp tác hữu nghị với nhiều tổ chức Phật giáo bạn trên trường quốc tế, đóng góp việc truyền bá Chánh pháp, xây dựng và bảo vệ hòa bình thế giới. Giáo hội đã đẩy mạnh hoạt động của ngành Giáo dục Tăng Ni với 04 Học viện Phật giáo Việt Nam, 31 trường Trung cấp Phật học, nhiều trường tạm thời quản lý các Lớp Cao đẳng trong khi chờ đợi việc mở trường Cao đẳng Phật học; đó là chưa kể các lớp Sơ cấp Phật học được mở càng lúc càng nhiều ở các thành phố, quận huyện trên cả nước.

Đặc biệt là Chính phủ đã cho phép Giáo hội mở thí điểm chương trình đào tạo Thạc sĩ tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại Tp. Hồ Chí Minh; cho phép thành lập Trường Cao đảng Phật học Duyên Hải Bắc bộ tại Hải Phòng  và đã cấp nhiều hecta đất để mở rộng cơ sở Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội, Huế, Tp. Hồ Chí Minh và Cần Thơ.

Ngành Hoằng pháp được mở rộng, các khóa đào tạo, bồi dưỡng Giảng sư vẫn được tổ chức đều đặn, để từ đó Phật sự hoằng pháp được thể hiện khá đều đặn tại các tự viện, thậm chí ở các Tự viện, Niệm Phật đường ở vùng sâu, vùng xa.

Viện và Phân viện nghiên cứu Phật học Việt Nam không ngừng tăng cường và mở rộng Phật sự nghiên cứu giáo lý, lịch sử, văn học nghệ thuật Phật giáo và tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm mang tính khoa học được sự tham gia của giới trí thức, các chuyên gia, các nhà Phật học, khoa học, xã hội…

Ban Từ thiện xã hội hàng năm vẫn quyên góp hàng trăm tỉ đồng để thực hiện công tác cứu trợ nạn nhân bị thiên tai, xóa đói giảm nghèo, xây dựng và phát triển mạng lưới y tế, nhà tình thương, nhà dưỡng lão… trị giá hơn 2000 tỷ đồng.

Bộ Đại tạng kinh Việt Nam đầu tiên đã được dịch thuật và in ấn phát hành. Đồng thời, gần một trăm đầu kinh sách Phật giáo được in ấn phát hành hàng năm, cộng với các tạp chí, nội san, đặc san Phật giáo thường xuyên đến tay độc giả trong và ngoài nước.

Trên đây chỉ nêu những thành quả cơ bản để minh họa phần nào những nỗ lực của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, các Ban Ngành Viện, tùy theo hoàn cảnh đều đạt những thành tựu đáng ghi nhận trong 30 năm qua. Đứng về mặt Giáo hội mà nói, nền tảng của Giáo hội chính là nhân dân, đặc biệt là toàn bộ quần chúng Tăng Ni, Phật tử. Các cơ sở Giáo hội khởi từ các đơn vị Tự viện, Tịnh xá, Tịnh thất, Niệm Phật đường đến các Ban Đại diện Quận, Huyện, Thị, Thành hội Phật giáo thuộc tỉnh, các Ban Trị sự Tỉnh Thành hội Phật giáo đã góp phần tạo sự ổn định và phát triển của Trung ương Giáo hội, từ đó mọi Phật sự được tiến hành tốt đẹp trong suốt 06 nhiệm kỳ qua của Giáo hội.

Các Phật sự và những thành tựu của Giáo hội trong 30 năm đã khẳng định Giáo hội Phật giáo Việt Nam luôn đồng hành cùng dân tộc; tất cả vì một Giáo hội Phật giáo Việt Nam thực sự vững mạnh và phát triển, nâng cao vị thế của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trên trường quốc tế.

HT. Thích Từ Nhơn phát biểu khai mạc Hội thảo kỷ niệm 30 năm thành lập GHPGVN,  hoà thượng nói: “Tôi nhận định rõ rằng cuộc Hội thảo này là sự tập hợp của những trí tuệ, đưa đến trí tuệ tập thể cao nhất, đưa đến cái nhìn đúng đắn nhất về những Phật sự đã qua và sắp tới. Giáo hội xin lắng nghe, ghi nhận tất cả các ý kiến đóng góp. Những ý kiến quý báu của chư liệt vị sẽ góp phần quan trọng giúp Giáo hội có được chánh kiến, để nhìn lại chính mình, nhìn lại vai trò lịch sử và sự phát triển của Giáo hội một cách chính xác và chân thật. Đồng thời, rút ra những kinh nghiệm, những đúc kết để hình thành kế sách, chương trình hành động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong nhiệm kỳ VII (2012 - 2017) và những nhiệm kỳ tiếp theo của thế kỷ 21 trong sự hội nhập thế giới và toàn cầu hóa của nhân loại. Giáo hội xin ghi nhận những ý kiến đóng góp chân thành, những tình cảm thắm thiết, mối lưu tâm sâu đậm của chư liệt vị khi tham dự cuộc Hội thảo. Kính chúc Hội thảo kỷ niệm 30 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành công tốt đẹp.

HT. Thích Thiện Nhơn Đọc đề dẫn Hội Thảo:

“Qua 30 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, bằng những thuận lợi khách quan và chủ quan, qua các Nghị định của Chính phủ, Pháp lệnh Tín ngưỡng Tôn giáo đã làm cơ sở cho hoạt động tôn giáo nói chung thêm thuận lợi và đạt kết quả hữu hiệu. Qua đó, từng thành viên của Ban thường trực, Hội đồng Trị sự, các Ban, Viện Trung ương Giáo hội, các Tỉnh, Thành hội Phật giáo, Tăng Ni, Phật tử trong và ngoài nước tích cực hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ của mình, đạt được những thành quả khả quan từ phạm vi xây dựng và củng cố cơ sở Trung ương, địa phương cho đến hoạt động chuyên ngành như Tăng sự, Giáo dục Tăng Ni, Hướng dẫn Phật tử, Hoằng pháp, Nghi lễ, Văn hóa, Kinh tế Tài chánh, Phật giáo quốc tế, Từ thiện xã hội, Nghiên cứu Phật học, các phong trào bảo vệ tổ quốc, ích nước lợi dân v.v… được trình bày chi tiết, đầy đủ, rõ ràng trong bản báo cáo thành quả 30 năm hoạt động của GHPGVN.

Để minh họa làm sáng tỏ thêm những thành quả, những ưu khuyết điểm trong quá trình 30 năm hoạt động, đồng thời hiến kế, hoạch định cho công tác Phật sự của GHPGVN trong nhiệm kỳ tới và những thể kỷ tiếp theo của xã hội và thế giới.

Với chủ đề chung “GHPGVN 30 năm thành lập, phát triển, đồng hành cùng dân tộc”, Ban Tổ chức nhận được 97 bài tham luận của chư Tôn giáo phẩm lãnh đạo các cấp Giáo hội, những cơ quan hữu quan, các học giả, trí thức, những nhà nghiên cứu… có để tâm đến Phật giáo Việt Nam và sự phát triển của GHPGVN. Các bài tham luận được chia thành 5 cụm chủ đề nhỏ:

1. Phương châm hoạt động, tính ưu việt, nhất quán của GHPGVN, gồm có 19 bài.

2. GHPGVN 30 năm thành tựu kết quả, những thách thực và giải pháp phát triển GHPGVN, có 31 bài.

3. Các hoạt động chuyên môn của GHPGVN, có 30 bài.

4. Tính đặc thù của các Hệ phái trong ngôi nhà chung GHPGVN, có 09 bài.

5. Những chủ đề tổng hợp, có 08 bài.

Vì thời gian có hạn, nên không thể trình bày hết các bài tham luận trong 02 ngày Hội thảo nầy. Ban Tổ chức sẽ đưa vào Kỷ yếu Hội thảo Kỷ niệm 30 năm thành lập GHPGVN.”

 

Chư tôn đức Thư ký đoàn

 

(Theo GHPGVN)




Tin mới hơn: