Khoa Học, Triết Học Và Phật Giáo

In

Sự Tĩnh lặng không thể áp đặt từ bên ngoài: nó được đào sâu bên trong mỗi con người. Nó là một cái gì đó có thể được nuôi dưỡng, nó là một phần được gọi là tính cách. Nó xuất hiện từ trong sâu thẳm của bản thể con người. Nó lan toả ra bên ngoài, nhưng nó nảy sinh từ bên trong và không có điều ngược lại.

Khoa học thuộc về ngày hôm nay. Khoa học quan tâm tới cái bên ngoài của con người, nghiên cứu con người xã hội và vũ trụ bằng những quy luật khách quan. Khoa học là logic. Khoa học gắn liền với Trí tuệ. Thông qua Trí tuệ và Khoa học, Con Người thực hiện chức năng sống. Khoa học phát triển, chức năng sống của con người ngày một rộng mở hơn.

Triết học là bạn của Khoa học. Triết học quan tâm tới Chân lý; nhưng con đường đi tới Chân lý là con đường dựa trên các quy luật Khách quan.  Triết học trong nhiều trường hợp định hướng cho sự phát triển của Khoa học. Triết học gắn liền với Trí tuệ và Tâm trí. Nhưng dường như việc Triết học gắn với Tâm trí, là một thuộc tính rất đặc biệt của Triết học?

Tôn giáo quan tâm tới ngày mai. Tôn giáo hướng tới cái bên trong, khơi mở và thúc đẩy cái bên trong phát triển, nở hoa và toả hương. Tôn giáo là phi logic, là sáng tạo, là bước nhảy; nó đi kèm với sự Tin cậy. Tôn giáo gắn liền với Trái tim đằm thắm, tha thiết yêu thưong. Tôn giáo phát triển Tâm thức. Phát triển tâm thức để con người sống một cách hoàn toàn tỉnh táo, có ý thức trong mọi suy nghĩ, hành động, tư tưởng, tình cảm của mình và tham gia vào các hoạt động sáng tạo trong thế giới vật chất. Phát triển Tâm thức tiến tới Phúc lạc.

Không thể so sánh Khoa học, Triết học với Tôn giáo vì nó là các mặt khác nhau, tuy cùng phục vụ con người. Cũng như vậy không thể đem so sánh các nhà học giả với các bậc chứng ngộ. Có thể so sánh Aristote, Descartes, Kant, Hegel,... hay Galileo Galilei, Charles Darwin, Albert Einstein... với nhau; nhưng không thể so sánh từng người họ hoặc tất cả họ với Đức Phật. Không thể so sánh được, bởi vì Đức Phật và các nhà học giả, họ ở hai cấp độ khác nhau. Những nhà học giả hiểu, nhưng Đức Phật biết. Rất khác nhau ở chỗ này, những điều chưa biết thì có thể bằng tư duy logic để hiểu; khi đã biết thì không cần hiểu! Đấy chính là sự khác nhau giữa nhà học giả với bậc chứng ngộ, đấy là lời nói của bậc chứng ngộ Osho.

Trong vòng vài chục năm gần đây, theo sáng kiến của đức Đạt Lai Lạt Ma và nhiều nhân vật Phật giáo khác, đã tổ chức nhiều cuộc đối thoại giữa Phật giáo và Khoa học. Nhiều nhà Khoa học nổi tiếng trên thế giới đã đưa chuyên môn sâu của mình để tiếp cận Phật giáo, trong các tác phẩm chuyên đề này đã có nhiều những ý kiến đồng thuận. Từ năm 1987 theo đề xướng của một nhà doanh nghiệp Adam Enfle và bác sĩ chuyên khoa thần kinh sinh vật Francisco Varela nhiều cuộc hội thoại đã được thường xuyên tổ chức giữa đức Đạt Lai Lạt Ma và nhiều nhà bác học nổi tiếng (bác sĩ chuyên khoa thần kinh, sinh vật học, tâm lý học, vật lý và triết học). Một người trong nhóm đã nói: “Một trong những đặc tính lạ lùng của những cuộc hội thoại này là thái độ cởi mở nhưng hết sức nghiêm túc giữa những nhà khoa học và các Phật tử, tất cả đều mong ước mở rộng tâm linh bằng cách học hỏi các phương pháp và quan điểm của nhau. Từ những cuộc gặp gỡ được đặt tên là “Tâm và cuộc sống”, nhiều quyển sách đã được viết. Vài quyển được dịch ra tiếng Pháp như: “Những cây cầu nhỏ” (Passerelles), “Khi tâm đối thoại thân”, “Ngủ, Mơ và Chết” cũng như những bài viết của Allan Wallace “Khoa học và Phật giáo”.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã viết: "Tinh thần vô tư của nhà khoa học và tâm trạng thao thức đi tìm chân lý một cách khách quan của nhà triết học (chứ không phải là nhà thần học) cần phải được chiếu rọi vào tôn giáo để giúp cho nhận thức về tôn giáo được sáng tỏ và tiến bộ. Một khi con người có được nhận thức tỉnh táo về tôn giáo (đức tin nơi tôn giáo không cần và không nên là một đức tin say mê vô điều kiện) thì con người sẽ có những khám phá mới lạ về tôn giáo và tránh được cho nhau những va chạm không cần thiết..."

Nhưng dường như cái mà Đức Phật biết cách đây hai ngàn năm trăm năm và cái mà Khoa học và Triết học đã hiểu còn có những khoảng cách.

Hơn hai ngàn năm trước, Đức Phật sau khi chứng ngộ, trước khi nhập Niết bàn, là khoảng bốn mươi năm, ngài đã đi rất nhiều nơi, để giảng giải về Đạo pháp. Hơn năm trăm năm sau, các Phật tử mới tập trung và ghi chép lại những điều ngài đã giảng giải, thành những bộ Kinh sách. Hai ngàn năm trăm năm nhân loại phát triển, Đạo Phật mở rộng, mở rộng về địa lý, mở rộng về tông phái. Hai ngàn năm trăm năm phát triển, hai ngàn năm trăm năm rẽ nhánh, hai ngàn năm trăm năm có nhiều dị biệt. Nhưng những nguyên tắc cơ bản dường như bất biến.

Trong kinh Tương Ưng III, Ðức Phật hỏi các thầy Tỳ kheo:

"Này các thầy, cái gì được thấy, được nghe, được nghĩ đến, được biết, được tìm cầu, được ý tư duy, cái ấy là thường hay vô thường? " "Là vô thường, bạch Thế Tôn". "Cái gì vô thường là khổ hay vui? "  "Là khổ, bạch Thế Tôn". "Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, nếu không chấp thủ cái ấy, thì có thể khởi lên suy nghĩ: cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi?" "Thưa không, bạch Thế Tôn" (vô ngã).

Đó chính là Ba pháp ấn, là ba nguyên lý cơ bản trong hệ thống giáo lý của Phật giáo. Xin đừng nói là ba chân lý. Trong Tôn giáo, Chân lý là Sự thật tối thượng, là Toàn bộ thực tại, là Niết bàn, là Thượng đế. Xin hãy nói là nguyên lý. Giống như trong Toán học sơ cấp, nó là tiên đề. Nó là: qua hai điểm chỉ vẽ được một đường thẳng, và chỉ một mà thôi. Nó là: qua ba điểm chỉ dựng được một mặt phẳng, và chỉ một mà thôi,... Nó là cái đúng hiển nhiên, nó không chứng minh được, dùng nó để chứng minh cái khác. Nhưng nó chưa là Chân lý. Ba nguyên lý này là Khổ, Vô thường và Vô ngã.

Triết lý của Phật giáo coi cuộc sống của con người là điều tuyệt diệu nhất. Có khổ và khổ rất nhiều, hãy hiểu nó và tiến tới biết nó, bước qua nó. Để cuộc sống của con người được sung sướng, hạnh phúc, hoan hỷ và tiến tới phúc lạc; con người phải biết cái khổ, biết nguồn gốc sinh ra khổ đau, biết cách khắc phục khổ và bước qua khổ. Chỉ có bước qua khổ, chứ không tránh được khổ; phải bước qua nó, thì mới từ bỏ được nó. Từ bỏ nó phải hiểu là đã có nó rồi. Bước qua khổ thì tới được phúc lạc. Mục đích của Phật giáo là chấm dứt khổ đau. Đức Phật tóm tắt lời dạy của mình về Khổ trong Giáo lý Bốn thánh đế: khổ là hiện hữu của cuộc sống; nguyên nhân của khổ là tham, sân và si; sự chấm dứt khổ đau; và con đường chấm dứt khổ đau.

Con người lo lắng về nhiều thứ khổ là vì quyên đi sự vô thường. Tất cả các sự vật thay đổi liên tục theo luật nhân quả. Con người bị các hiện tượng đánh lừa và bị ảnh hưởng bởi sự coi trọng cái được, cái mất nhất thời; mà quyên đi sự vô thường.

Vô thường, hay sự biến đổi là quy luật của cuộc sống. Không có vô thường, không có sự sống và không thể có sự phát triển. Hạt  thóc giống thường tại, sẽ không bao giờ trở thành cây lúa, không bao giờ trổ bông, không cho ra những hạt gạo trắng ngần. Sự vật không vô thường thì lịch sử tiến hóa của nhân loại sẽ không phát triển; nền văn minh nhân loại mãi mãi ở thời kỳ đồ đá. Không có vô thường con người sẽ chìm đắm trong tham ái phiền não, vốn hiện hữu rất nhiều cả từ thực tại lẫn tiềm ẩn trong nội tâm. Giáo lý vô thường là niềm tin cho sự nỗ lực sáng tạo và phát triển của con người. Vô thường là đặc tính thực của sự sống.

Chư hành vô thường là tất cả các sự vật không có gì hiện hữu trong một hình thái cố định, tất cả các sự vật đều luôn luôn biến đổi. Các sự vật không tự nhiên sinh ra, không tự nhiên mất đi (Vô thuỷ, Vô chung); mà luôn vận động, biến đổi từ hình thái này sang hình thái khác. Tất cả sự vật đều hình thành, phát triển, suy thoái và triệt tiêu; triệt tiêu để chuyển hoá sang một giai đoạn mới, một trạng thái mới.

Cái đang tồn tại, có nguồn gốc từ trước, từ những quan hệ trong quá khứ, từ những tác nhân hữu quan. Cái đang tồn tại là không bất biến, nó sẽ thay đổi; nó sẽ dẫn đến những đổi thay mới. Nó đã bắt đầu từ một nguồn gốc trong quá khứ; nó sẽ nảy sinh và phát triển ra một hình thái mới trong tương lai, theo cái cách mà nó đã và đang tồn tại (Giáo lý Duyên Nghiệp) Hạt gạo trắng ngần đã bắt đầu từ hạt thóc giống, nó sẽ tiếp tục tạo nên nồi cơm thơm dẻo, tạo nên một lễ tiệc tưng bừng. Nhưng hạt gạo cũng có thể làm chiến tranh bùng nổ. Nguyên nhân nào ra kết quả đấy.

Cuộc sống của con người thuộc về nhiều mối quan hệ hữu cơ trong thực tại vũ trụ, không có gì tách biệt. Con người không thể tách biệt với tự nhiên. Con người không thể tách biệt với dòng sông, cây cỏ và ánh mặt trời. Con người không thể tách biệt với những người xung quanh. Tình yêu là cái gắn kết con người lại với nhau. Tình yêu là mối liên hệ hữu cơ và đầy tính thi ca giữa con người với con người, và giữa con người với tự nhiên. Tình yêu chỉ là một dạng của mối quan hệ. Có cả những mối quan hệ ngược chiều với Tình yêu. Có mối quan hệ xây dựng, có mối quan hệ phá huỷ. Cuộc sống hiện tại của con người quyết định tính chất của mối quan hệ, dẫn đến cái hậu quả sẽ nhận được trong tưong lai. (Giáo lý Mười hai nhân duyên).

Chư pháp vô ngã là tất cả các sự vật trong vũ trụ, không ngoại trừ gì cả, đều liên hệ với nhau, không có sự cô lập và tách biệt với các sự vật khác, không có gì là của riêng nó cả. Tất cả đều quan hệ với nhau.

Con người vô ngã là con người đã vượt lên trên cái bản thể của mình, là con người đã bước qua khổ, là con người đã hài hoà vào cái tự nhiên, là con người đã hoà nhập vào với vũ trụ, là con người đã bước vào Niết bàn. Vô ngã xin hãy đừng hiểu là triệt tiêu cái bản thể của mình. Phải thừa nhận là bản thể đang hiện hữu, nhưng phải hiểu nó, phải biết nó, nhưng phải tu tập để vượt lên nó. Bát chánh đạo là pháp để tu tập. Tối hậu của Vô ngã là Niết bàn Tịch tịnh.

Vô ngã là điều tuyệt vời nhất của riêng Đạo Phật.

Không phải là khoa học, không phải là triết học. Phật Giáo là một Tôn giáo thấm đẫm tình yêu và lòng từ bi, hướng dẫn con người giảm thiểu khổ, đưa con người tới chân lý của thực tại (niết bàn). Ba Pháp ấn, Bốn Khổ đế, Bát chánh đạo, Mười hai nhân duyên,... là ba nguyên lý và  các giáo lý chính của Phật giáo. Rất nhân bản và là một Tôn giáo của sự hiểu biết.

Hãy bắt đầu từ ngành khoa học về Năng lượng.

Thế kỷ thứ mười tám có một bước nhảy lớn, bước nhảy của Định luật Bảo toàn Năng lượng. Mọi năng lượng không tự nhiên sinh ra, không tự nhiên mất đi, nó chỉ biến đổi từ dạng này sang dạng khác. Nhiệt năng không tự nhiên sinh ra, nó sẽ không mất đi, nó có thể chuyển thành điện năng. Điện năng không mất đi, nó có thể chuyển thành cơ năng. Cơ năng không mất đi, nó có thể chuyển thành... và thành nhiệt năng,...

James Prescott Joule đã làm thí nghiệm và tìm ra định luật này năm 1843. Thí nghiệm của ông đã chứng minh được sự chuyển hoá từ cơ năng sang nhiệt năng, một sự chuyển hoá đơn giản nhất, nhưng mở ra một con đường mới cho nhiều ngành khoa học. Sau đó, Người thực sự tìm ra định luật này lại là Maye (1814 - 1878). Ông là một bác sỹ, Phương trình định luật bảo toàn và chuyển hóa năng lượng mang tên ông - Phương trình Maye. Nhưng người được coi là đầu tiên có được ý tưởng này lại là nhà bác học người Nga, Mikhail Vasilyevich Lomonosov. Trong bức thư gửi cho Leonhard Euler ngày 5 tháng 7 năm 1748, ông đã nêu ra ý tưởng ban đầu về sự bảo toàn năng lượng trong tự nhiên.

Sau định luật này, ngành năng lượng hầu như chưa có một bước nhảy nào khác. Hiện nay, nó chính là nguyên lý tổng quát cho tất cả các lý thuyết vật lý: cơ học, điện từ học, vật lý hạt nhân... Chưa từng thấy ngoại lệ của định luật này, tuy rằng đôi khi người ta cũng nghi ngờ nó, nhất là trong các phân rã phóng xạ.

Đây cũng chính là bước nhảy lên dãy núi Vô thường. Mọi năng lượng không tự nhiên sinh ra, không tự nhiên mất đi, nó chỉ biến đổi từ dạng này sang dạng khác

Điều đẹp đẽ ở chỗ, nó đã được phát biểu giống như lời mà Đức Phật đã thuyết giảng về Vô thường. Thứ hai, nó đã được phát biểu về sự Vô thuỷ và Vô chung, không tự nhiên sinh ra, không tự nhiên mất đi. Không có Thượng đế nào sinh ra thế giới. Điều Đức Phật đã biết và nói từ hai ngàn năm trăm năm trước!

Trong ngành sinh vật, bước nhảy của nhà bác học Darwin về học thuyết Sinh vật tiến hóa, đã mở ra một kỷ nguyên mới.

Học thuyết của ông chỉ ra rằng, con người có nguồn gốc từ nhưng động vật bậc cao; các động vật bậc cao, có nguồn gốc từ những động vật bậc thấp; các động vật bậc thấp, có nguồn gốc từ ngững động vật thấp hơn,... nguồn gốc đầu tiên là từ các đơn bào. Sự sống của tự nhiên là một quá trình tiến hoá sinh học. Quá trình tiến hoá sinh học đã xảy ra hàng triệu năm, và bây giờ vẫn tiếp tục phát triển.

Học thuyết này làm lay chuyển nhiều triết thuyết căn bản của nhiều tôn giáo và nhiều trào lưu tư tưởng ở phương Tây. Con người đã không phải do Thượng đế sinh ra. Người đàn bà đã không phải được Thượng đế tạo ra, từ rẻ xương sườn của người đàn ông. Các giáo sĩ Thiên Chúa giáo ở Anh, điển hình là Giám mục Wilberforce nổi sung lên. Họ cuồng tín chống đối học thuyết này. Như những nhà khoa học khác ở thời kỳ Trung cổ, Darwin vẫn kiên định và dũng cảm bảo vệ học thuyết của minh.

Sau đó nhiều ngành khoa học khác nhau như Địa chất học, Cổ sinh vật học, Nhân loại học, Động vật học, Phôi học, Sinh vật học,... đã đưa ra bằng chứng xác thực và củng cố học thuyết của Darwin. Học thuyết này giải thích nguồn gốc sự sống trên thế giới thỏa đáng hơn bất kỳ học thuyết nào mà con người đã biết đến. Các khám phá khoa học có giá trị đã xác minh và khẳng định thêm giá trị cho học thuyết.

Sự sống của tự nhiên là một quá trình tiến hoá sinh học. Đây cũng chính là bước nhảy lên dãy núi Vô thường. Chư hành vô thường, là sự vô thường của mọi vật vô tình cũng như mọi vật hữu tình.

Năm 1974, Nhà nghiên cứu Phật học nổi tiếng, Amarasiri Weeraratne, có một bài báo rất hay viết về Thuyết tiến hoá của Darwin. Trong đó ông còn đề cập tới sự trùng hợp hoàn toàn của Phẩm Thế giới Thành tựu, trong Kinh Hoa nghiêm, với học thuyết Darwin:

"Bài Kinh không minh họa các sinh vật tự thích nghi với môi trường sống để tồn tại như thế nào, các sinh vật đã phát triển các khả năng để sinh tồn, cũng như những sinh vật khác lại bị hủy diệt  ra sao như  khám phá của Darwin. Tuy nhiên, có những điểm tương đồng nổi bật. Những dạng thức của sự sống đầu tiên được trình bày trong kinh là vô tính. Chúng sống như dạng rong rêu trên lớp váng ở đại dương. Sau một thời gian dài, chúng phát triển thành hình thù và có màu sắc khác nhau. Khi lớp váng có mùi thơm biến mất, một loại nấm phát sinh và sinh vật phát triển những giới tính khác biệt. Tất cả chi tiết này tương hợp với học thuyết Darwin, nghĩa là vạn vật tiến hóa và phát triển trong một thời gian dài, sinh vật mới liên tục phát sinh và phát triển, sinh vật vô tính có mặt trước khi các loại sinh vật có giới tính xuất hiện. Lại nữa, sự phát triển của thực vật trong các lớp váng nối tiếp, đó là nấm, dây leo, và lúa; đó là quá trình tiến hóa của thực vật."

Có một vài điểm bất đồng. Phẩm Thế giới Thành tựu, Kinh Hoa nghiêm, Đức Phật thuyết giảng sự Tiến hoá để phát triển Tâm thức con người. Còn học thuyết Tiến hoá mới chỉ dừng lại trong lĩnh vực Sinh học. Nên sự tiến hoá theo Nhân Quả, Duyên Nghiệp đương nhiên không nằm trong lĩnh vực được khảo sát và nghiên cứu.

Bước nhảy cũng đã lên được dãy núi Vô thường. Cái đẹp đẽ ở chỗ không có Thượng đế nào sinh ra loài người, sinh ra muôn loài; và muôn loài luôn luôn phát triển và tiến hoá. Đó là điều Đức Phật đã biết và nói.

Lịch sử phát triển ngành Vật lý của nhân loại, chứng kiến nhiều bước nhảy lớn. Giống như tất cả các ngành Khoa học về vạn vật khác, các bước nhảy này chỉ vào được dãy núi Vô thường mà thôi. Ba bước nhảy đầu tiên là: bước nhảy của Newton, bước nhảy của Albert Einstein và bước nhảy Big Bang.

Trước Newton, ngành Cơ học, ngành Vật lý tin rằng Trái đất là vũ trụ duy nhất, mọi vật đều đứng yên. Thượng đế nhân từ tạo ra như vậy. Cũng như Thượng đế tạo ra người đàn bà từ dẻ xương sườn của người đàn ông. Trái đất đứng yên, Mặt trời quay quanh Trái đất. Niềm tin này bắt đầu từ thời Aristotle. Tồn tại trong hệ quy chiếu của Aristotle, mọi vật đều cố định và trái đất thì đứng yên; Trí tuệ sáng tạo của Galileo, không chấp nhận điều đó. Trên tháp nghiêng Pisa nổi tiếng, Galileo đã chứng minh được các vật có khối lượng khác nhau đều rơi với cùng một vận tốc. Và sau đó Newton có một bước nhảy về những định luật chuyển động và định luật về lực hấp dẫn, mở ra một kỷ nguyên mới về phát triển vật lý; mở đường cho rất nhiều ngành khoa học khác phát triển.

Thực sự người mở đầu là  Galileo Galilei, ông đã thực hiện thí nghiêm trên tháp nghiêng nổi tiếng Pisa, để đo vận tốc rơi của các vật to, nhỏ khác nhau. Những phép đo của Galileo đã được Newton sử dụng làm cơ sở cho những định luật về chuyển động của ông. Trong những thực nghiệm của Galileo, khi một vật lăn trên mặt phẳng nghiêng, nó luôn luôn chịu tác dụng của cùng một lực (là trọng lực của nó) và kết quả là làm cho vận tốc của nó tăng một cách đều đặn. Ý tưởng này đã được phát biểu một cách tường minh lần đầu tiên trong cuốn Principia Mathematica (Các nguyên lý toán học), được công bố năm 1867, của Newton và sau này được biết như định luật thứ nhất của Newton. Định luật thứ hai của Newton cho biết điều gì sẽ xảy ra đối với một vật khi có một lực tác dụng lên nó. Định luật này phát biểu rằng vật sẽ có gia tốc, hay nói cách khác là sẽ thay đổi vận tốc tỷ lệ với lực tác dụng lên nó.

Ngoài những định luật về chuyển động, Newton còn phát minh ra định luật về lực hấp dẫn. Định luật này phát biểu rằng mọi vật đều hút một vật khác với một lực tỉ lệ với khối lượng của mỗi vật. Đó là điều giải thích tại sao các vật lại rơi với một gia tốc như nhau.

Định luật hấp dẫn của Newton cũng cho chúng ta biết rằng các vật càng ở xa nhau thì lực hấp dẫn càng nhỏ. Ví dụ, lực hút hấp dẫn của một ngôi sao đúng bằng một phần tư lực hút của một ngôi sao tương tự, nhưng ở khoảng cách giảm đi một nửa.

Đó là bước nhảy thứ nhất. Cơ học Newton ra đời, đặt dấu chấm hết cho ý niệm về vị trí tuyệt đối trong không gian. Để tới được bước nhảy này, nhân loại đã phải bước qua nhiều dàn hoả thiêu đỏ rực lửa, nhiều cuộc thánh chiến đẫm máu, nhiều giá treo cổ tàn bạo của thời kỳ Trung cổ đen tối. Nhân loại sẽ mãi nhớ tới những nhà Khoa học dũng cảm đương đầu với các dụng cụ tra tấn, giá cheo cổ và dàn hoả thiêu; đương đầu với Thánh chiến và tòa án xử dị giáo của một ý thức hệ tôn giáo độc tôn, thời Trung cổ; để bảo vệ những kết quả nghiên cứu của mình. Đó là Nicolaus Copernicus (1473-1543), Giordano Bruno (1548-1600), Galileo Galilei (1564-1642), Johannes Kepler (1571-1630)...

Nhiều thế kỷ sau, lại một bước nhảy nữa, đứng trong hệ quy chiếu của Newton, hệ quy chiếu 3 chiều, Trí tuệ sáng tạo của Albert Einstein không chịu dừng lại. Ông xây dựng nên lý thuyết tương đối, ngày nay gọi nó là thuyết tương đối tổng quát. Ông đã đưa ra một giả thiết có tính chất cách mạng cho rằng hấp dẫn không phải là một lực giống như những lực khác. Nó là kết quả của sự kiện là: không - thời gian không phải phẳng như trước kia người ta vẫn tưởng, mà nó cong hay “vênh” đi do sự phân bố của khối lượng và năng lượng trong nó. Vũ trụ theo thời gian có thể được mô phỏng bằng việc chia ra nhiều mảng, mỗi mảng được gắn cho nó một toạ độ 3 chiều. Vũ trụ không có thời gian tuyệt đối, thay vào đó mỗi một cá thể có một độ đo thời gian khác nhau, tuỳ thuộc vào vị trí và tốc độ chuyển động của nó. Và lý thuyết tương đối đã vứt bỏ khái niệm thời gian tuyệt đối. Một kỷ nguyên mới về vật lý vũ trụ lại được mở ra.

Sau đó ông phát triển tiếp Thuyết tương đối suy rộng. Albert Einstein đã vô cùng thành công trong việc áp dụng thuyết này vào việc tìm hiểu vũ trụ. Trong những thập niên 1960 và 1970, các khoa học gia đã làm nhiều thí nghiệm để kiểm chứng những sự tiên đoán dựa vào thuyết này, và trong mọi trường hợp, thuyết tương đối suy rộng đã được công nhận là đúng.

Thuyết tương đối của Einstein đã cho chúng ta một hình ảnh chính xác: Vũ trụ có thể có 3 cấu hình, hoặc mở, hoặc đóng, hoặc phẳng dẹt. Nhưng dù theo cấu hình nào thì vũ trụ cũng phát khởi từ một sự bùng nổ lớn (big bang).

Thuyết Big Bang bắt nguồn từ sự khám phá ra hiện tượng vũ trụ nở rộng của Edwin Hubble vào năm 1929. Hubble quan sát được rằng, các thiên hà (galaxy) cứ di chuyển mỗi ngày một xa trái đất hơn, và thiên hà nào càng ở xa trái đất thì di chuyển càng nhanh, và khoảng cách giữa các thiên hà cũng càng ngày càng xa dần. Điều này chứng tỏ vũ trụ không cố định mà càng ngày càng nở rộng. Tính ngược thời gian thì tại một thời điểm nào đó, cách đây khoảng 15 tỉ năm, vũ trụ chỉ là một dị điểm (singularity) vô cùng nóng và vô cùng đặc theo nghĩa dị điểm này có 1 chất lượng vô tận (infinite mass). Dị điểm này bùng nổ và biến  đổi dần dần thành vũ trụ hiện nay. Sự bùng nổ lớn này (big bang) được coi như là nguồn gốc của vũ trụ, và vũ trụ có cấu hình nào, đóng, hay mở, hay phẳng dẹt, là do số lượng vật chất có trong vũ trụ. Vũ trụ đóng là một vũ trụ hữu hạn trong đó không gian tự khép lại trên chính nó nhưng không có biên giới. Khuôn mẫu này khá trừu tượng nhưng có thể mô tả được bằng toán học và người ta có thể tìm hiểu tính chất của nó một cách khá chi tiết. Lượng vật chất trong vũ trụ đóng này sẽ làm cho vũ trụ ngưng nở rộng trong tương lai và vũ trụ lại co lại dần dần thành 1 dị điểm như lúc đầu, danh từ khoa học gọi là sự Tới hạn lớn (big crunch). Vũ trụ mở thì vô hạn (infinite), luôn luôn nở rộng vì lượng vật chất trong đó không đủ để làm ngưng sự nở rộng này.  Trọng trường có thể làm cho sự nở rộng càng ngày càng chậm nhưng không bao giờ ngưng. Vũ trụ phẳng dẹt là vũ trụ trong đó lượng vật chất đã tới hạn, nghĩa là vừa đủ để làm cho sự nở rộng hầu như ngưng lại mà không phải là ngưng.

Cả ba bước nhảy này, đã lên được dãy núi vô thường, nhưng chưa tới đỉnh. Ba bước nhảy, bản thân nó đã là sự Vô thường. Bước nhảy này phủ định bước nhảy trước. Cả ba đã chứng minh được vũ trụ không phải do Thượng đế sinh ra. Nhưng bước nhảy thứ ba, giống như một cách mô tả sự hình thành của vũ trụ. Khoa học đã loại bỏ vấn đề Sáng thế, còn Phật giáo đi xa hơn đã phủ nhận cả một sự khởi đầu.

Giáo Sư Trần Chung Ngọc, nhà nghiên cứu vật lý vũ trụ, đã có nhiều bài viết bàn về Phật giáo và Vũ trụ luận. Ông đã viết đại ý như sau:

Quan niệm của Phật giáo về vũ trụ: thế giới chúng ta đang sống không phải là duy nhất và cũng không phải là trung tâm vũ trụ. Trong vũ trụ có rất nhiều thế giới khác nhau. Phật giáo phân loại các thế giới thành 3 loại: Tiểu thiên Thế giới, Trung thiên Thế giới và Đại thiên Thế giới. Danh từ thế giới trong Phật giáo chỉ một thiên thể (thí dụ như trái đất) hoặc một tập hợp các thiên thể được coi như thuộc một nhóm (thí dụ như Thái dương hệ mà trái đất là một hành tinh trong đó). Vậy, một ngàn thế giới họp thành một Tiểu thiên Thế giới; một ngàn Tiểu thiên Thế giới họp thành một Trung thiên Thế giới; và một ngàn Trung thiên Thế giới họp thành một Đại thiên Thế giới. Vậy, lấy đơn vị là một hệ thống tương tự như hệ thống Thái dương hệ và gọi là thế giới thì Tiểu thiên Thế giới gồm có khoảng một ngàn thế giới, Trung thiên Thế giới gồm khoảng một triệu thế giới , Đại thiên Thế giới gồm khoảng một tỷ thế giới... Đó là quan niệm về vũ trụ của Phật giáo từ hai ngàn năm trăm năm về trước.

Quan niệm này hầu như tương hợp hoàn toàn với những kiến thức ngày nay của những nhà thiên văn hay những nhà vật lý về thiên thể. Một Tiểu thiên Thế giới có thể so sánh với quan niệm hiện đại về một Thiên hà (galaxy) gồm có cả triệu ngôi sao và những hành tinh có thể có sinh vật trên đó. Thí dụ như Giải ngân hà (Milky Way) hay M31, hay chòm sao (constellation) Andromeda. Một Trung thiên Thế giới có thể so sánh với một chùm Thiên hà (galactic cluster) thí dụ như chùm Coma Berenices. Một Đại thiên Thế giới có thể so sánh với cái mà Hannes Alfven gọi là Siêu thiên hà (metagalaxy) ở trong Đại Vũng (Big Dipper) của Tiểu Ursa (Minor Ursa) trong đó có ít ra là cả triệu thiên hà. Cho tới nay, vì những giới hạn tự tại của những dụng cụ quan sát cho nên các khoa học gia chưa thể đi xa hơn trong việc khảo sát vũ trụ. Nhưng không phải vì những giới hạn kỹ thuật này mà vũ trụ cũng bị giới hạn theo.

Trong phẩm Thế giới Thành tựu, Kinh Hoa nghiêm, Bồ tát Phổ Hiền bảo đại chúng rằng:

"Chư Phật tử! Thế giới hải có nhiều hình tướng sai khác, hoặc tròn, hoặc hình như nước xoáy, hoặc hình như hoa,... có vi trần số hình sai khác như vậy."

Rồi trong phẩm tiếp theo, phẩm Hoa tạng Thế giới, Bồ tát Phổ Hiền lại tuyên thuyết:

"Chư Phật tử! Tất cả thế giới chủng đó hình trạng đều khác nhau: hoặc hình núi Tu Di, hoặc hình sông, hoặc hình xoay chuyển, hoặc hình nước xoáy, hoặc hình trục xe, hoặc hình hoa sen,... có vi trần số hình trạng như vậy."

So sánh với những hình trạng của các chòm sao, giải thiên hà, ngân hà khám phá bởi khoa học ngày nay, trong bất cứ cuốn sách nào về Vũ trụ học, chúng ta cũng thấy Phật giáo đã mô tả hình trạng của chúng một cách vô cùng chính xác. Thí dụ như các hình như bánh xe, nước xoáy chúng ta có thể quan sát được trong các chòm sao như Cetus, Pegasus và Hercules; hình của Thiên hà NGC 2997 đúng như là hình nước xoáy; hình của khối Tinh Vân Trifid trông giống như một bông hoa, lý do các khoa học gia đã gọi hình này là Những cánh hoa của khối Tinh Vân Trifid ("Petals" of the the Trifid Nebula); hình của Thiên hà Andromeda trông giống như một cái đĩa; hình của chùm siêu sao mới (Supernova) SN 1987A trông giống như một bánh xe có trục; hình sông là giải Ngân Hà (Milky Way) quen thuộc mà Thái dương hệ của chúng ta nằm trong đó...

Đức Phật và các Đại Bồ tạt đã biết chính xác về vũ trụ như thế!

Quay lại với thuyết Big Bang. Vũ trụ có chăng một sự khởi đầu? Big Bang là một sự bùng nổ nguyên thủy, hay chỉ là một sự khởi đầu của một tiến trình vô thủy vô chung của vô số vũ trụ?

Tiến sỹ, Thiền sư Matthieu Ricard và Giáo sư Trịnh Xuân Thuận (Đại học Virginia, Hoa kỳ) đã có một trao đổi thú vị về đề tài này.

Thuyết Big Bang cho rằng vũ trụ được hình thành cách đây 15 tỷ năm trong một cuộc nổ dữ dội từ một trạng thái vô cùng nhỏ bé, nóng và đặc, đồng thời cũng làm nảy sinh không gian và thời gian. Từ đó vũ trụ mở rộng ra, trở nên loãng và nguội dần. Người ta đã đi đến thuyết này khi nhà vật lý thiên văn người Mỹ Edwin Hubble đã quan sát từ năm 1929 và nhận thấy đa số những thiên hà đều xa lánh dãy ngân hà của chúng ta. Điều đáng ngạc nhiên hơn là càng ở xa, các thiên hà ấy lại càng di chuyển xa chúng ta nhanh hơn. Người ta đã kết luận rằng tất cả các thiên hà đã dùng cùng một thời gian để đi từ chỗ thời điểm của chúng ta đến chỗ hình thành hiện nay. Bây giờ hãy tưởng tượng một quỹ đạo đảo ngược, các thiên hà sẽ lại gặp nhau ở cùng một nơi, vào cùng một thời điểm trong không gian. Vì thế, có ý niệm một sự khởi đầu theo khoa học: thuyết Big Bang thay thế cho thuyết sáng tạo của các tôn giáo.

Theo thuyết này vũ trụ đến từ chân không. Cái không lượng tử (vide quantique) này sôi sục năng lượng dù rằng nó không có vật chất. Khoảng không trống rỗng luôn luôn bị xuyên suốt bởi những trường năng lượng có thể diễn tả được bằng danh từ “sóng”. Năng lượng của cái không tiên khởi đã đẩy vũ trụ vào một cuộc bùng nổ hỗn loạn mà các nhà thiên văn vật lý gọi là Lạm phát. Sự lạm phát này đưa đến một sự trương nở chóng mặt của mỗi thành phần vũ trụ trong một thời gian cực ngắn. Giữa 10-35 (có giá trị là một số thập phân, mà số một đứng sau dãy ba mươi lăm số không, cực nhỏ, vi lượng) và 10-32 giây sau Big Bang, từ chỗ chỉ bé tí bằng một phần 10 triệu tỷ, tỷ lần kích thước của một nguyên tử hydro; vũ trụ lớn lên cỡ bằng một trái cam. Cùng trong thời gian ấy vũ trụ loãng ra và nguội dần nhanh chóng để đi đến một cấu trúc phức tạp. Đầu tiên nó còn nóng hơn cả các địa ngục mà Dante đã mô tả và không có một cấu trúc nào hình thành được. Nhờ vào sự nguội dần mà các cấu trúc dần dần xuất hiện. Và năng lượng của các chân không bắt đầu can thiệp vào bằng cách tạo ra vật chất. Einstein đã đem đến cho chúng ta chìa khóa của các cơ chế đó với các công thức có lẽ nổi danh nhất trong lịch sử khoa học: E=mc2. Một số năng lượng có thể biến thành một mảnh vật chất.

Những hạt nguyên khai (quak và điện tử chẳng hạn) xuất hiện từ khoảng không tiên khởi kết hợp lại thành nguyên tử, phân tử và sau cùng là các vì sao. Các vì sao này hội tụ lại thành hàng trăm tỷ thiên hà và các thiên hà này dệt nên tấm thảm khổng lồ của vũ trụ. Một trong các thiên hà, là dãy ngân hà của chúng ta, gần một ngôi sao là mặt trời, trên cái hành tinh gọi là trái đất những phân tử kết hợp lại thành những chuỗi AND là thành phần cơ bản của sự sống, của tri thức và của con người để có thể tự hỏi về thế giới bao quanh họ và về vũ trụ sản sinh ra họ.

Theo Phật giáo, thời gian và không gian chỉ là khái niệm của chúng ta do sự tiếp xúc với các hiện tượng, chúng hoàn toàn không có dự tính, nói cách khác chúng không thật. Vì thế nên ý tưởng có một khởi đầu tuyệt đối của không gian và thời gian là không thể chấp nhận được. Vậy thì không có gì dù là sự khởi đầu có vẻ như là hiển hiện của thời gian và không gian, không thể hiện hữu không duyên cớ, không điều kiện, nói cách khác, không một cái gì có thể bắt đầu sinh hoặc chấm dứt tồn tại. Big Bang chỉ là một giai đoạn trong tiến trình không có khởi đầu và không có kết thúc.

Các nhà Khoa học hiểu đó là vấn đề phải làm rõ: điều gì đã xảy ra trước khi có Big Bang. Nhưng hiên nay Khoa học có cho phép ngược dòng thời gian đến phút giây sáng thế đó? Hiện nay đang tồn tại một bức tường kiến thức mà người ta gọi là bức tường Planck, tên của một nhà vật lý người Đức, người đầu tiên đã quan tâm đến vấn đề này. Bức tường kiến thức xuất hiện vào khoảng thời gian 10-43 giây đồng hồ (con số một chỉ đến sau 43 con số 0). Và ở thời điểm đó, vũ trụ bằng 10 triệu tỷ nhỏ hơn một nguyên tử hydro và đường kính của nó là chiều dài Planck bằng 10-33cm.

Thời gian và chiều dài Planck không phải là giới hạn nội tại, mà chỉ là giới hạn về sự kỹ thuật và sự hiểu biết của Khoa học ngày nay mà thôi.

Đó cũng chính là sự hạn chế và không đồng nhất của hai lý thuyết lớn nhất trong thế kỷ hai mươi. Đó là cơ học lượng tử và thuyết tương đối. Cơ học lượng tử Planck diễn tả vật thể nhỏ nhất và chỉ ra cách di chuyển của các nguyên tử và ánh sáng khi mà luật hấp dẫn không có tác động. Lý thuyết Einstein diễn tả vật thể cực lớn, giúp cho chúng ta hiểu được vũ trụ và cấu trúc của nó khi mà hai cực nguyên tử và điện tử (electromagnétique) không tác động. Và đây chính là nhược điểm, vì chúng ta chưa biết được vận hành của vật chất và ánh sáng một khi bốn lực tự nhiên (lực nguyên tử mạnh và yếu, lực điện từ và lực hấp dẫn) cùng bình đẳng vào thời điểm 10-43 giây đồng hồ sau vụ nổ tiên khởi.

Nhà toán học người Đức, Godel đã đưa ra định lý bất toàn. Định lý này quy định rằng: không thể chứng minh được một hệ thống có mạch lạc hay không khi ta còn ở trong định lý đó. Định lý đã hàm súc một giới hạn cho việc hiểu biết một hệ thống nào đó, vũ trụ của chúng ta chẳng hạn, khi chúng ta vẫn còn ở trong hệ thống đó. Muốn hiểu phải đi ra khỏi hệ thống. Phải xác lập được cho nó một Hệ quy chiếu.

Khoa học sẽ còn phải có những bước nhảy lớn nữa. Khoa học đã loại bỏ vấn đề Sáng thế, còn Phật giáo đi xa hơn đã phủ nhận cả một sự khởi đầu.

Phải chăng, bước nhảy tiếp sẽ là Không gian nhiều chiều.

Trường phái vật lý lý thuyết Đại học Harvard, hiện đang được giới khoa học khắp thế giới quan tâm. Đây là nơi đề xuất giả thuyết Không gian nhiều chiều, khác với lý thuyết Không gian 4 chiều trong Thuyết Tương đối suy rộng của Albert Einstein.

Tác giả của giả thuyết có tính cách mạng nói trên là nữ Giáo sư Lisa Randall.

Lisa Randall một người Mỹ, sinh năm 1962, được trời ban cho cả hai đặc ân: vừa cực kỳ xinh đẹp lại vừa cực kỳ thông minh. Bà từng được tạp chí thời trang danh tiếng nhất thế giới Vogue bình chọn là Người đẹp Giáo sư.

Khi còn là học sinh trung học, cô bé Randall từng đoạt giải nhất nhiều cuộc thi, như Tìm kiếm nhân tài khoa học của National Westinghouse, giải Nhà nghiên cứu trẻ của Quỹ Khoa học Nhà nước... Năm 25 tuổi, cô đã giành được học vị tiến sĩ tại Đại học Harvard, sau đó làm trợ giáo, Phó Giáo sư, rồi Giáo sư Trường MIT. Thời gian 1998-2001 bà là Giáo sư của cả hai trường Đại học MIT và Princeton; từ 2001 là Giáo sư Đại học Harvard. Lisa Randall là phụ nữ đầu tiên được giảng dạy môn vật lý tại Đại học Princeton; nhà nữ vật lý lý thuyết đầu tiên của cả MIT và Harvard, đều là những cơ sở giảng dạy nghiên cứu nổi tiếng toàn cầu.

Tháng 8-2007, Lisa Randall đã có các buổi thuyết trình tại Trường Đại học Tokyo, với nội dung chủ yếu là giới thiệu về giả thuyết do bà mới đề xuất: Trên Trái đất có thể tồn tại Không gian chiều thứ năm!

Trong một lần làm thí nghiệm về hạt cơ bản, Lisa Randall bất ngờ phát hiện thấy có những hạt bỗng dưng biến mất. Điều này mâu thuẫn lớn với Thuyết Tương đối suy rộng của Einstein. Bà mạnh dạn giả thiết: Các hạt này có thể do bay vào Không gian chiều thứ 5 cho nên mới bỗng dưng biến mất. Randall nói: “Tôi cho rằng trên Trái đất có tồn tại không gian chiều thứ 5. Nếu giả thiết này là đúng thì thực ra các không gian khác không ở xa chúng ta, thậm chí có thể nói chúng ở cách ta trong gang tấc. Chỉ có điều chúng ẩn giấu rất khéo cho nên ta không nhìn thấy mà thôi.”

Giả thuyết có tính cách mạng của Randall sẽ có dịp được chứng minh bằng thực nghiệm, khi Trung tâm Nghiên cứu hạt nhân châu Âu (CERN) hoàn tất việc xây dựng Máy gia tốc và chạm hạt mạnh cỡ lớn (Large Hadron Collider). Đây là một công trình ngầm quy mô vĩ đại đang được xây dựng khẩn trương dưới độ sâu 100m tại vùng biên giới Thụy Sĩ-Pháp, một nỗ lực tập thể của 6 quốc gia, với chi phí 8 tỉ USD, bắt đầu xây dựng từ 20 năm trước đây.

Thực nghiệm chứng minh giả thuyết của Randall sẽ có thể tiến hành theo cách sau: tăng dần vận tốc của 2 chùm proton chuyển động trong đường hầm dài 27 km hình vòng tròn tới vận tốc ánh sáng, rồi cho chúng va chạm ngược chiều nhau với tần suất mỗi giây 800 triệu lần, qua đó giải thoát ra vô số các hạt nhỏ hơn proton. Cách này có thể tái dựng lại vụ nổ lớn Big Bang, vụ nổ hình thành vũ trụ. Nếu khi ấy mà xảy ra hiện tượng một số hạt nào đó biến mất thì có thể chứng minh chúng đã bay vào Không gian chiều thứ 5 con người không nhìn thấy.

Nếu giả thuyết của Lisa Randall được chứng minh là đúng thì điều đó còn có nghĩa là trong một tương lai không xa, nhân loại có thể mở được cánh cửa của một thế giới nhiều chiều và vô số điều bí ẩn.

Phải chăng đây sẽ là một bước nhảy nữa, lên cao hơn trên dãy núi Vô thường?

Đối với Triết học, bạn của Khoa học, hình như có những bước nhảy xa hơn và cao hơn so với Khoa học, dường như đã tiềm cận với cả những dãy núi khác trong Ba pháp ấn.

Con đường Triết học của nhân loại có hai bước nhảy lớn. Bước nhảy thứ nhất là phép Biện chứng, bước nhảy về phương pháp luận. Bước nhảy thứ hai là chủ nghĩa Hiện sinh, bước nhảy về tính Chủ thể, bước nhảy về đối tượng nghiên cứu.

Bước nhảy thứ nhất, bắt đầu bởi Georg Willhelm Friedrich Hegel (1770-1831). Hegel là người đầu tiên đã cố gắng chứng minh rằng lịch sử có đường lối phát triển, có quan hệ liên kết bên trong. Phép Biện chứng duy tâm của Hegel là kết quả của quá trình xây dựng phương pháp biện chứng trong triết học Đức từ Kant. Đặc điểm của tư tưởng duy tâm Đức là đã xây dựng được một khái niệm về chủ quan, phản ánh quá trình thực tế của lịch sử, quá trình lao động xây dựng thế giới.

Sau Kant, Fichte đã tuyệt đối hóa quan niệm duy tâm của Kant. Fichte nói: nếu thế giới là do ý thức chủ quan, do lao động tinh thần xây dựng lên, thì đấy cũng là thế giới duy nhất, ngoài nó ra không có vật tự tại nào khác! Fichte đã đi thêm được một bước trên con đường xây dựng phương pháp biện chứng. Fichte đã từng thấy mâu thuẫn giữa hoạt động sáng tạo và thế giới được sáng tạo, giữa cái «tôi» và cái «không phải là tôi».

Với Schelling, phương pháp biện chứng lại tiến một bước nữa. Nó đã đi quá nội dung chủ quan và bao gồm cả tự nhiên. Theo Schelling, mâu thuẫn giữa tinh thần và tự nhiên xuất phát là từ cùng một nguồn gốc: đó là «Tuyệt đối». Tự nhiên không phụ thuộc vào tinh thần nữa, khách quan không nằm trong chủ quan nữa, hai cái đó xuất phát từ cùng một Tuyệt đối.

Triết học của Hegel vận dụng một cách có hệ thống phép biện chứng. Nó mô tả các mâu thuẫn và biểu diễn quá trình biến chuyển của mâu thuẫn. Phương pháp của Hegel phản ánh đầy đủ hơn quá trình lịch sử thực tế. Trong mỗi giai đoạn có phát sinh ra mâu thuẫn nội bộ, và có phản ánh quá trình đó một cách có thứ tự, hệ thống. Nhưng Hegel lại nói rằng quá trình phát triển vật chất là do mâu thuẫn của hoạt động tinh thần. Hegel chỉ trông thấy hiện tượng ở bên trên. Cho tinh thần quy định sự tiến hóa. Hoạt động tinh thần sáng tạo ra thế giới. Mệnh đề chung của Hegel phản ánh một ý tưởng đó là con người sáng tạo thế giới lịch sử. Nhưng con người đó chỉ được quan niệm trong phạm vi tinh thần. Tuy nhiên con người tinh thần cũng là hình ảnh của con người lao động thực sự. Hạt nhân duy lý trong phương pháp biện chứng của Hegel là ở chỗ đó.

Karl Marx lấy lại của Hegel phép biện chứng, cải biến nó thành phép biện chứng của chủ nghĩa duy vật. Ông đã nói: «Phương pháp biện chứng của tôi về căn bản không những là khác, mà là đối lập hẳn với phương pháp biện chứng của Hegel. Theo Hegel, quá trình diễn biến tư tưởng, mà dưới tên ý niệm, ông ta đã biến thành một chủ thể độc lập, là vị Thần sáng tạo ra thực tại, thực tại này chỉ là ngoại diện của vị thần kia. Trái lại, theo ý tôi, thì cái biến chuyển của tư tưởng chỉ là phản ánh cái biến chuyển thực tại. Nó là cái biến chuyển thực tại chuyển vào và lặp lại trong đầu óc của người ta».

Maxr nhìn Hegel thấy lộn ngược. Hegel cũng nhìn Maxr thấy lộn ngược. Nhưng giữa hai người có một cái chung đó là phép biện chứng. Cả hai đều hướng tới cái phương pháp tiếp cận toàn diện thực tại. Đó là bước nhảy. Bước nhảy lên núi Vô thường. Phép biện chứng, quy luật phát triển, quy luật phủ định của phủ định,... đó chính là nguyên lý Vô thường.

Nhưng  lịch sử chưa chấm dứt, toàn diện thực tại chưa xuất hiện, cho nên không có một cá nhân (Hegel) hay là một nhóm cá nhân (giai cấp) hạn hẹp có đủ danh nghĩa để nói trong quan điểm toàn diện. Thành ra cái ý thức tuyệt đối của toàn diện thực tại cần phải được coi là cái gì chưa hoàn tất. Vì thực tại toàn diện là cái chưa có. Hãy coi nó một ý niệm xuất hiện để đánh dấu một hướng đi. Không phải là cái gì ta đã nắm chắc được. Phải chăng những bước nhảy sau, sẽ nhảy tới dãy núi của của Vô ngã. Có Vô thường, có Khổ và có Vô ngã, có thể cái thực tại toàn diện sẽ xuất hiện? Hai triết gia lộn ngược nhau có thể sẽ quay về cùng một chiều nhìn?

Triết học cổ truyền Tây phương được hiểu như một môn Khoa học về vạn vật. Cá thể Con người không có chỗ đứng riêng. Con người bị coi là trong hàng vạn vật. Trong cả bộ triết học Aristote, không dành phần nào cho con người hiện sinh hết. Không bàn đến tự do, không bàn đến nhân vị, không bàn đến định mệnh và những gì đợi chúng ta sau khi chết. Vũ trụ quá to lớn, lấn át tất cả. Con người bị bỏ quên. Vũ trụ quan của Aristote: con người bị chìm trong vũ trụ. Triết học Aristote và triết học Kinh viện trung cổ có tên là triết học tự nhiên.

Descartes với sự khám phá ra chủ thể tính con người và tự do mang tính chất hiện sinh, đã hé mở đường đi của triết học. Đối với Descartes, không thể có triết học về vũ trụ mà chỉ có khoa học về vũ trụ và triết học về tinh thần. Nhưng rồi ông cũng chỉ dừng lại ở tinh thần con người, và không tìm hiểu con người như một thực thể sinh tồn, có thần, có xác.

Kant còn đẩy xa tinh thần hơn nữa thành thử triết học vẫn luẩn quẩn trong thái độ ý niệm, coi con người chưa phải là chủ thể chính.

Thế kỷ hai mươi, Hiện Sinh là triết học chủ yếu, đã đưa con người trở lại với con người. Đây là một đường ranh lớn nhất trong lịch sử Triết học. Người đầu tiên đưa triết lý hiện sinh là Kierkegaard. Phương pháp để phân tích thực tại là do Husserl sáng tạo, gọi là phương pháp Hiện tượng luận. Triết học Hiện sinh coi con người là chủ thể, đứng trên vũ trụ, và cấp cho vũ trụ một giá trị tuỳ theo cái nhìn của mỗi một con người! Con người là chủ thể, con người không phản ứng như một sự vật. Sự vật không phản ứng theo một cách nhất định, ứng xử theo nhiều cách, theo sự chủ động lựa chọn, bởi con người là một cá nhân tự do. Người tự do là người tự chịu trách nhiệm hành động của mình. Con người làm vì không phải thấy người khác làm như thế. Con người làm không phải vì mọi người khác nghĩ  nên làm như thế và. Con người làm không phải vì con người quen làm như thế! Bởi thế, Jaspers mới nói: "Hiện sinh là chủ thể tự nhận mình độc đáo. Thay vì mải nhìn vũ trụ, chủ thể tự xét mình để tìm ra ở trong mình cái nguồn khả năng vô tận: Hiện sinh của con người không phải là cái vốn do thiên nhiên cấp cho; hiện sinh của con người chính là hữu thể mà con người phải  dùng một chuỗi những lựa chọn để tác thành và hoàn thành. Như vậy, phải luôn vươn lên khỏi cái thường nhật để tới chỗ trung thực của con người, cái chủ thể."

Hai nhân vật tiêu biểu cho hai loại nhà hiện sinh rất khác nhau và cũng rất gần gũi với nhau: Jean-Paul Sartre và Albert Camus. J.P.Sartre có một tóm tắt rất nổi tiếng: Hiện sinh có trước bản chất. Đây chính là điều khác biệt về cơ bản giữa triết học hiện sinh và triết học cổ truyền. Một đằng cho rằng hiện sinh có trước bản chất. Đằng kia quyết đoán rằng bản chất có sẵn trong hiện sinh của mọi sự vật và quyết định sự vật. Thực ra, quan niệm hiện sinh như một hiện tượng đối lập với bản chất đã được Kierkegaard, Husserl, Heidegger và Jaspers đề cập đến; nhưng Sartre đã xuất phát từ họ để đi đến xây dựng một triết thuyết độc đáo của mình: chủ nghĩa hiện sinh hành động. Con người hiện đại sống trong thế giới không có Thượng đế, chỉ có hiện sinh. Bản chất không có trước mà con người bằng hành động của mình phải tự tác thành lấy cuộc sống của mình. Công việc mặc khải hữu thể, hiện tượng mặc khải bản chất, cái đến sau. Con người là dự phóng của mình nên phải chịu trách nhiệm với người khác. Cho nên khi hành động, con người hoàn toàn tự do, buộc phải hoàn toàn tự do.

Tư tưởng hiện sinh của Camus xoay quanh hai khái niệm cơ bản là cái phi lý và sự nổi loạn. Cuộc đời, thực ra, tự thân nó không phi lý, cũng như tự thân con người không phi lý. Nhưng tính chất phi lý nằm ở chỗ một bên là cuộc đời đầy rẫy những mâu thuẫn, mà bên kia con người sáng suốt lại đòi hỏi mọi sự phải rạch ròi. Hai bên đối lập nhau như vậy, mà lại phải hiện hữu bên nhau hàng ngày. Qua các tiểu thuyết Người xa lạ, Ngộ nhận, Caligula, Camus muốn nói rằng tính chất phi lý này là sự thật chủ yếu của cuộc đời con người. Cảm nhận được bản chất vô nghĩa của cuộc đời và tính chất phi lý của nó, con người phải cố gắng tìm kiếm cho mình một thái độ sống phù hợp với tình cảm phi lý đó. Ứng xử khôn ngoan nhất của con người là sống hết mình, tận hưởng hết mọi niềm vui được hiện hữu trên trái đất. Đó là những điều được ông thể hiện trong các tác phẩm Mùa hè, Giao cảm, Quê hương và Lưu đày... Sống hết mình, tận hưởng hết niềm vui trần thế cũng là một cách thức nổi loạn, là sự tích cực phản kháng lại tình cảm phi lý. Nên trong hành xử này của con người, tự nó đã hàm chứa một giá trị vượt lên chính nó. Giá trị này là bản chất của con người. Đây là ý nghĩa đích thực của tư tưởng hiện sinh ở Camus qua các tác phẩm Thư gửi một người bạn Đức, Con người nổi loạn, Dịch hạch, Sa đọa... Camus đã nhận được giải thưởng Nobel Văn học, của viện Hàn lâm Thụy Điển, trao tặng ngày 7 tháng 10 năm 1957...

Đó là bước nhảy thứ hai. Từ chỗ không cần biết, không chú ý tới thân phận của con người, một bước nhảy lớn đã xảy ra, cá thể con người là tất cả, toàn bộ vũ trụ được cảm nhận qua trạng thái cảm xúc, qua sự phát triển trí tuệ của từng cá thể. Hoặc tiến bộ hơn như Husserl thì cá thể con người và thực tại vũ trụ là ngang nhau, không đối tượng nào tuyệt đối hơn đối tượng nào... Bước nhảy đã chạm tới dãy núi Khổ.

Ở đây, tại chính điểm này, các học giả đã cảm nhận được mẫu thuẫn lớn lao đang ẩn sau các triết thuyết này. Tất cả cái tôi đều lớn lao, đều mạnh mẽ, dù cái tôi đó được phát triển trong tự do có điều kiện, trong tự do kiềm chế,... sẽ đi tới đâu và cuối cùng đạt được điều gì? Xã hội bao gồm tất cả các cái tôi lớn lao mạnh mẽ đó, sẽ đi về đâu? Một bước nhảy, nhảy tới điểm không biết nhẩy tiếp đi đâu? Nó đã chạm vào dãy núi Khổ. Bước nhảy tiếp theo phải chăng sẽ nhảy lên dãy núi Khổ!? Bước nhảy tiếp theo nữa phải chăng sẽ nhảy tới dãy núi mà ở đó Cái ngã không tồn tại!? Chỉ có thể tới những dãy núi đó, mẫu thuẫn của sự phát triển nhũng cái tôi lớn lao, những cái tôi mạnh mẽ của Hiện sinh hành động mới có thể giải toả được chăng? Chỉ có thể tới các dãy núi đó Camus mới bớt nổi loạn được chăng?

Trong thế giới hiện tại, Con người đã sống trong từng phân đoạn, trong sự phân chia, trong mâu thuẫn, đó là cách con người đang sống. Và toàn bộ cuộc đời là cuộc xung đột dân sự không ngừng: một phần đấu tranh với một phần khác, một phần này kéo con người theo hướng này, một phần khác kéo con người sang hướng khác. Trừ khi xung đột này được giải quyết, không ai có thể biết Chân lý là gì, không ai có thể có được sự Phúc lạc vì không thể có được sự Tĩnh lặng

Sự Tĩnh lặng không thể áp đặt từ bên ngoài: nó được đào sâu bên trong mỗi con người. Nó là một cái gì đó có thể được nuôi dưỡng, nó là một phần được gọi là tính cách. Nó xuất hiện từ trong sâu thẳm của bản thể con người. Nó lan toả ra bên ngoài, nhưng nó nảy sinh từ bên trong và không có điều ngược lại.

Con người có thể ngồi tĩnh lặng và có thể ép buộc một dạng tĩnh lặng nào đó, và nếu con người liên tục đấu tranh với tâm trí thì có thể có sự kiểm soát nào đó với tâm trí. Thậm trí con người có thể dừng những ý nghĩ, nhưng sẽ không phải là sự tĩnh lặng thực sự, bởi vì những ý nghĩ bị dừng vẫn đang có đó, đang chờ đợi để phun ra. Con người luôn đang ngồi trên núi lửa. Có thể con người đang trong trạng thái kiểm soát, nhưng trong kiểm soát có nghĩa đơn giản là, tất cả các thứ đang trong kiểm soát vẫn có đó, sãn sàng bùng nổ và nó sẽ phun ra cùng sự trả thù.

Dạng tĩnh lặng này không có giá trị. Trong Cơ học Ổn định nó là Trạng thái Cân bằng phiếm định, nó không phải là Trạng thái Cân bằng Ổn định. Nó giống như một hòn bi tròn và rất tròn, đang đứng yên trên một mặt phẳng rất phẳng, giữa hòn bi và mặt phẳng không có bất kể một lực ma sát nào cả. Hòn bi đang đứng yên, nhưng không thể có bất kỳ một sự đảm bảo nào là nó sẽ không chuyển động ngay sau đó. Cân bằng Ổn định là sự ổn định của cái Kiềng ba chân, mỗi chân đều được liên kết chặt với nền đất cứng; sự Cân bằng dài lâu.

Tĩnh lặng thực sự không phải là sự tu dưỡng đó. Tĩnh lặng thực sự xuất hiện từ sự hiểu biết về xung đột bên trong, quan sát xung đột bên trong, quan sát liên tục. Tại sao ta đấu tranh? Tại sao? Nhìn sâu vào đó, các bậc chứng ngộ nói rằng dần dần con người sẽ thấy sự ngu ngốc của mình.

Thời điểm con người nhìn thấy sự ngu ngốc, sự ngu ngốc nó sẽ bắt đầu rời khỏi con người, không phải con người bỏ rơi nó. Nếu con người bỏ rơi nó, nó vẫn giữ nguyên trên bề mặt. Khi nó tự nguyện bỏ rơi, đã xuất hiện sự thấu hiểu rằng: Điều này thật ngu ngốc. Bởi chính có sự hiểu biết đó mà có sự giải thoát. Khi con người đã nhìn thấy sự ngớ ngẩn của nó, con người đơn giản là không hợp tác với nó nữa; và không có sự hợp tác của con người, nó không thể tồn tại. Nó hút năng lượng của con người, nó là vật ký sinh. Thế thì sự xung đột, sự xung đột bên trong, căng thẳng bên trong, mâu thuẫn bên trong, tự nguyên bỏ rơi bởi ánh sáng nào đó của nhận biết đã nảy sinh trong bản thể của con người, thông qua theo rõi, thông qua quan sát, thông qua chứng kiến. Thế rồi bỗng nhiên, sự tĩnh lặng nào đó mà con người chưa từng nghĩ đến, một sự điềm tĩnh nào đó không có trên thế gian này, một cái gì đó mang con người vào thế giới khác, nảy sinh. Con người vẫn bước đi trên mặt đất, nhưng bàn chân không còn chạm đất. Con người vẫn sống trong thế giới như vậy, nhưng không còn là phần của nó, sự siêu việt đã xảy ra. Đó chính là Niết bàn tịnh tịch. Nó là cái mà Đức Phật đã nói. Nó là cái mà các bậc chứng ngộ đã nói. Nó chính là Vô ngã siêu việt.

Trên đỉnh núi Vô ngã, nơi của Niết bàn tịnh tịch, cái Toàn thể xuất hiện, hai nhà Triết học nhìn lộn ngược nhau sẽ cùng nhìn về một chiều? Cái mâu thuẫn của Hiện sinh hành động; cái nổi loạn của Camus trong phân đoạn của Thế giới thực tại mới có thể hoá giải được chăng? Phật giáo đã biết được điều đó. Khoa học và Triết học sẽ hiểu được điều đó?

Cái mà Đức Phật biết cách đây hai ngàn năm trăm năm, chắc chắn sẽ là cái mà Khoa học và Triết học sẽ hiểu!

Xin bày tỏ lòng biết ơn tới tất cả những Tác giả và Dịch giả của các bài viết, bài nói mà chúng tôi đã sử dụng để làm tư liệu và cảm xúc để viết bài này; xin chân thành hồi hướng công đức nhỏ bé của mình tới Quý vi. Nam mô Bổn sư Thích Ca Màu Ni Phật. Nam mô Chứng minh sư Bồ Tát Ma ha tát.

Minh Đạt


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: