Vĩnh Minh Tự Viện

Friday, Sep 20th

Last update09:58:49 AM GMT

Đường dẫn hiện tại Tin Tức Hoạt Động Của Vĩnh Minh Tự Viện XUÂN VỀ ĐỌC LẠI THƠ XƯA

XUÂN VỀ ĐỌC LẠI THƠ XƯA

Email In PDF

Sáng 29 tháng Chạp năm Kỷ Hợi.
Thích Nguyên Hiền.

Hình như đã quá xa rồi, cái độ mỗi mùa xuân đến là người ta đem những bài thơ của các Thiền sư, các văn nhân thi sĩ ngày xưa ra bình luận. Cũng có thể đề tài lập đi lập lại quá nhiều rồi, không có gì mới nữa. Cũng có thể con người bây giờ bận bịu, thời giờ đâu mà Xuân tứ với Xuân thi. Nghĩ cũng kinh thật! Đầu thế kỷ 20, Tản Đà than thở: “Ông gánh thơ lên bán chợ trời”. Đầu thế kỷ 21, người ta tếu táo: “Đến nay em rất tự hào, con em chả có đưa nào làm thơ”...

Thôi thì! Người ta sống với cuộc sống của người ta. Chỉ thương cho một dân tộc, thương cho một thời đại mà mỗi lần nhắc đến chữ “thơ” cứ như bị xem là kẻ hăm hăm dở dở. Người ta nhân danh tiến bộ, hiện đại, bốn chấm không. Nhưng nếu nhìn một cách cận nhân tình hơn, thì đời sống con người ngày càng khô khốc. Nhìn đâu cũng là sự bất an, đổ vỡ, cảnh giác và tỵ hiềm. Nếu có chăng chút ưu thời mẫn thế thì chỉ có những nụ cười trào phúng, cười cợt người khác mà thôi. “Cười người hôm trước hôm sau người cười”, người xưa đã nói như vậy. Thôi! Bỏ ngoài cổng chùa những đa đoan tế toái, xuân về ngâm lại mấy vần điệu của người xưa.

Đầu tiên, đọc lại mấy câu của Thiền sư Trí Thiện, đời Lý, để nhắc nhở mình, và chia sẻ với những người đồng điệu sớm hôm:

既 懷 出 素 養 胸 中
聞 說 微 言 意 允 從
貪 欲 黜 除 千 里 外
希 夷 之 理 日 包 容

Ký hoài xuất tố dưỡng hung trung
Văn thuyết vi ngôn ý doãn tùng
Tham dục truất trừ thiên lý ngoại
Hy di chi lý nhật bao dung.

Như muốn lìa xa cõi bụi hồng
Vẳng nghe lời diệu, hãy vui lòng
Đuổi ngoài vạn dặm lòng ham muốn
Để lẽ huyền vi chứa ở trong.

Ngô Tất Tố dịch.

Bản dịch của Ngô Tất Tố quả là xuất sắc. Đây chỉ là bài thơ Thiền sư Trí Thiện dạy bảo Thái úy Tô Hiến Thành, Thái bảo Ngô Hòa Nghĩa, những đại quan liêm khiết triều đình nhà Lý. Liên hệ với các quan bây giờ, ít ai được các ân sư của mình dạy bảo những điều như thế. Lòng ham muốn thì ai cũng có. Những cái chứa ở bên trong thì toàn là danh lợi. Lẽ huyền vi dường như xa vắng. Lẽ huyền vi (Hy di chi lý) là lẽ gì? Ít nhất là đời sống tâm linh, niềm tin vào những điều mầu nhiệm, sự báo ứng nhân quả, hay chút tâm từ, ý thiện. Những thứ ấy bị xem thường, xem nhẹ, thậm chí đôi lúc bị đem ra làm trò cười. Bây giờ nằm sau song sắt, có ai đến nói với mình về lẽ huyền vi? Hay chỉ là sự tiếc nuối ân hận muộn màng. Ai dám chắc những hệ quả ấy chẳng do thời đại ngoảnh mặt với thơ?

Thiền sư Linh Vân Chí Cần đời Đường, suốt ba mươi năm lên đường “tầm kiếm khách”, tìm bậc Đại căn khai thị cho mình. Một hôm đến núi Đại Quy, sáng dậy chợt thấy hoa đào nở mà hoát nhiên đại ngộ. Sư viết kệ:

三 十 年 來 尋 劍 客
幾 回 葉 落 幾 抽 枝
自 從 一 見 桃 花 後
直 至 如 今 不 更 疑.

Tam thập niên lai tầm kiếm khách
Kỷ thời diệp lạc kỷ trừu chi
Tự tùng nhất kiến đào hoa hậu
Trực chí như kim bất cánh nghi

Suốt mấy mươi năm tầm kiếm khách
Bao mùa lá rụng với cành trơ
Một lần từ thấy đào hoa nở
Mãi đến ngàn sau dứt cả ngờ.

Hoa đào của Linh Vân đời Đường với hoa đào ngày nay chắc cũng chẳng khác gì. Khác chăng là người xưa đã dốc hết đời mình cho từng hơi thở bình sinh, lặn sâu vào đáy huyệt của hồn mình, lên tận ngọn nguồn tâm thức, đau đáu với lẽ tử sinh khi sự dồn nén đã đạt đến đỉnh điểm, nói theo ngôn ngữ nhà Thiền là khi nghi tình đã thành khối, vừa nhìn thấy hoa đào là nghi tình bùng vỡ, dứt hết tất cả nghi ngờ đối với đời sống, nhìn ra được toàn thể vũ trụ trong giây phút hãn hữu của bình sinh. Ngày nay đào hoa tràn phố, mai nụ đầy sân, người ta đi qua chỉ thấy mai thắm đào hồng, chỉ thấy dáng cây vóc cội, chỉ thấy giá trị kim tiền nơi những màu sắc diệu kỳ mà thiên nhiên ban tặng. Thực ra ngắm hoa đã hiếm, nói chi đến ngắm hoa mà ngộ đạo. Cái khác là ở chỗ đó!

Hoàng Bá Hy Vân (? - 850) cũng đã từng nói như thế! Nếu chẳng luyện mình qua những oái ăm trần thế đến tận xương thấu tủy thì làm sao ngửi được hương mai kỳ diệu ngay nơi mặt mũi của mình. Sư viết:

不 是 一 翻 寒 徹 骨                    
爭 得 梅 花 撲 鼻 香.

Bất thị nhất phiên hàm triệt cốt
Tranh đắc mai hoa phốc tỷ hương.

Nếu chẳng một phen sương thấm lạnh
Hoa mai đâu dễ ngát mùi hương.

Nguyễn Du Tố Như Tử (1766 - 1820) cũng đã từng có lần suốt 3 tháng chống chọi với cái rét ghê người để được nhìn thấy hoa mai nở trên đỉnh núi:

攘 盡 苦 寒 三 閱 月
嶺 頭 落 得 看 梅 花.

Nhương tận khổ hàn tam duyệt nguyệt
Lĩnh đầu lạc đắc khán mai hoa.

Rét run ba tháng ghê người
Để vui được ngắm mai cười đỉnh non.

Người xưa là vậy! Phong cách và nhân cách luôn sáng ngời, chí khí và bản lĩnh trót vời. Cao Bá Quát suốt đời không cúi đầu trước cường quyền, không khuất phục trước mọi hiểm nguy. Thế nhưng ông lại và chỉ cúi đầu trước vẻ quý phái và trong sáng của hoa mai mà thôi:

十 載 輪 交 求 古 劍
一 生 低 首 拜 梅 花

Thập tải luân giao cầu cổ kiếm
Nhất sanh đê thủ bái mai hoa.

Giao hảo mười năm tìm kiếm cổ
Một đời chỉ cúi trước hoa mai.

Mùa xuân đọc lại “Thị đệ tử” của Vạnh Hạnh hay “Cáo tật thị chúng” của Mãn Giác Thiền sư, những bài thơ quá nổi tiếng và được bình giảng quá nhiều. Nhưng ai trong chúng ta ở thời đại này sống được với cành mai sân trước đêm qua của Mãn Giác, hay có thái độ tiêu dao như Vạn Hạnh Thiền sư từng dạy đệ tử của mình:

任 運 盛 衰 無 怖 畏
盛 衰 如 露 草 頭 鋪

Nhậm vận thịnh suy vô bố úy
Thịnh suy như lộ thảo đầu phô.

Sá chi suy thịnh việc đời
Thịnh suy như hạt sương phơi đầu cành.

Quá nhiều, quá nhiều những vần thơ như thế! Mấy mươi năm trước, người ta đã đọc nhiều. Những cuộc thi bình văn, những số báo xuân đóng đinh với những bài phân tích những bài thơ xuân của các Thiền sư thi sĩ. Những Vạn Hanh, Mãn Giác, Thiền Lão, Viên Chiếu, các Thiền sư đã để lại những vần thơ có sức nuôi dưỡng lớn, là những ngụm suối đầu nguồn tưới mát hồn thế nhân cháy bỏng. Nhưng thử hỏi thế hệ 20 tuổi bây giờ, mấy ai còn được đọc những vần thơ như thế. Phải chăng chúng ta đã quá vô tình bỏ mặc con cháu chúng ta bơ vơ, thiếu chất liệu, thiếu định hướng. Lỗi lầm là của người lớn chúng ta, có ai cảm thấy như thế chăng.

Những bản tin trên Facebook, nếu dài quá 1 trang là người ta đã lười đọc rồi. Thì những bài viết như thế này hẳn càng ngắn càng tốt. Nhưng biết làm sao! Một câu thơ hay đã có hàng ngàn trang bình phẩm, thì vài trích dẫn trên có đáng kể chi. Tuy nhiên, tất cả như những tâm tình gợi mở, vài vần thơ của cổ đức gửi gắm ý vị đầu xuân, mùa xuân của Đạo, của thơ và của tự tình dân tộc.