Vĩnh Minh Tự Viện

Thursday, Nov 14th

Last update09:58:49 AM GMT

Đường dẫn hiện tại Giới Thiệu Giới Thiệu Vĩnh Minh Tự Viện

Vĩnh Minh Tự Viện

Email In PDF

Từ thành phố Hồ Chí Minh, dọc theo quốc lộ 20 lên Đà Lạt khoảng 250 km ngang qua cầu Đại Ninh du khách sẽ gặp một ngã ba dẫn vào một ngôi làng nhỏ mà người dân địa phương vẫn thường gọi bằng một tên quen thuộc đó là “Ngã ba Chùa” hay “Làng Chùa”. Sở dĩ có tên gọi ấy là bởi trú xứ này nổi tiếng là nơi tập trung rất nhiều chùa và am thất với số lượng tăng ni rất đông, ngoài ra đây còn là nơi ở của những bậc tôn túc như Hòa Thượng Thiền Tâm, Hòa Thượng Tâm Thanh, sư bà Hải Triều Âm…

Vĩnh Minh Tự Viện

Nếu du khách có dịp ghé lại đây đặc biệt là vào các buổi tối và sáng sớm, quí vị sẽ có cảm giác như mình được lạc vào một thế giới khác cách xa chốn hồng trần. Hòa lẫn trong làn không khí se lạnh mà thiên nhiên đã ưu đãi cho miền đất này là tiếng đại hồng chung ngân vang trầm bổng như giục khách trần sớm tỉnh giấc mê quay về bến giác. Tiếng chuông mõ rền vang hòa lẫn với tiếng tụng kinh tạo nên một bản hợp ca đậm chất thiền môn của những người tu sĩ nơi chốn núi rừng này.

Dọc theo hai bên con đường dẫn vào thôn là những ngôi tịnh xá, tịnh thất nằm xen kẽ với những ngôi nhà của người dân thể hiện được nét dung hòa của đạo Phật đó là tuy sống trong lòng thế tục mà vẫn giữ được chất riêng của mình. Đi sâu hơn vào khoảng một cây số quí khách sẽ thấy thấp thoáng hình ảnh một ngôi chùa nằm lẩn khuất sau những tán cây trên ngọn đồi với tháp xá lợi cao vút in trên nền trời xanh thẳm cùng với hình tượng đức Phật A Di Đà đứng nhìn xuống chúng sanh bằng ánh mắt từ bi vô lượng. Đó chính là chùa Đại Ninh mà tên hành chánh là Vĩnh Minh Tự Viện tọa lạc tại 21 thôn Phú An, xã Phú Hội, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng.
I. Giới thiệu tổng quát về ngôi chùa
I.1. Lịch sử
Ngôi chùa có tên là Vĩnh Minh Tự Viện do Hòa thượng Thích Tâm Thanh khai sơn. Hòa thượng vốn xuất thân từ khóa Cao Đẳng Phật học Huệ Nghiêm. Năm 1972, sau khi học xong Đại học Vạn Hạnh và đang là Giảng Sư Viện Hóa Đạo tại Sài Gòn, Hòa thượng lên Đại Ninh thăm Hòa Thượng Thiền Tâm – giáo thọ trưởng Phật Học Viện Huệ Nghiêm đang nhập thất tại trú xứ Hương Nghiêm và được Hòa Thượng giới thiệu và nhận một quả đồi phía trên tu viện Hương Nghiêm do Phật tử Mười hiến cúng. Hòa Thượng bắt đầu xây dựng một thảo am nơi núi rừng hoang vắng này để về tĩnh dưỡng sau những ngày đi thuyết pháp và làm Phật sự khắp nơi. Năm 1973, thảo am biến thành thạch thất, một cốc đá vuông vức 4m với mái lá đơn sơ và bốn bề rừng rú, nơi lưu trú của vô số khỉ vượn, heo rừng, sóc nhím và chim chóc.
Năm 1983, Tăng chúng theo học ngày càng đông đảo nên để đáp ứng nhu cầu tu học của Tăng ni và Phật tử, Hòa thượng xây dựng ngôi chánh điện chỉ 30m2, nép mình dưới tàn cây cổ thụ. Năm 1985, nhận thấy nhân duyên hóa độ có nhiều thuận lợi nên tịnh thất Chơn Nghiêm được đổi thành Vĩnh Minh Tự Viện với ý nghĩa xiển dương giáo pháp Tịnh Độ của ngài Vĩnh Minh Diên Thọ - Tổ thứ sáu của Tịnh Độ Tông, một phần lấy ý ghép tên tổ Vĩnh Gia – một vị Tổ sư cận đại tại Quảng Nam và tổ Minh Hải – Tổ sư khai sơn môn phái Chúc Thánh. Ngôi chùa nhỏ nhắn nơi núi đồi Đại Ninh thơ mộng này đã trở thành điểm tựa tinh thần cho dân chúng khắp các làng quê Đức Trọng – Lâm Đồng. Pháp âm Tịnh độ được vang vọng mỗi chiều cho Tăng Ni và Phật tử tại trú xứ về nghe, giới hạnh và lòng vị tha của Hòa Thượng cứ mãi lan tỏa từ địa phương đến các tỉnh thành và hải ngoại.
Năm 1993, Hòa Thượng lại vận động đại trùng tu Vĩnh Minh Tự Viện, từ đó về sau cứ mỗi năm Hòa Thượng lại khánh thành một công trình nhân ngày kỵ tổ Phổ Thiên, từ Giảng đường, khách đường, Tăng xá, Pháp bảo, các tượng đài, bảo tháp…khiến Vĩnh Minh Tự Viện trở thành một tòng lâm nổi tiếng với cảnh trí hài hòa u nhã.
Sau khi Hòa Thượng thị tịch, đệ tử của Ngài đồng thời là vị trụ trì hiện nay là Đại Đức Thích Nguyên Hiền lại tiếp nối truyền thống đó, xây dựng và phát triển thêm một số công trình khác như Chơn Nghiêm Bảo Tháp, và hiện nay đang thực hiện công trình Vĩnh Minh Đại Phật dự kiến hoàn tất và khánh thành vào tháng 2-2011 âm lịch nhân ngày húy kị của Hòa Thượng Tôn sư.
I.2.Kiến trúc
Vĩnh Minh Tự Viện được hình thành và phát triển qua nhiều năm tháng, các kiến trúc dần dần được phát sinh chứ không có một quy hoạch tổng thể từ ban đầu, do vậy không có một kiến trúc liên đới nhất quán như những tùng lâm Trung Quốc ngày xưa mà ở nơi đây từng công trình nhỏ dần dần được hình thành theo năm tháng làm cho cảnh chùa ngày càng đẹp và khang trang hơn. Nói chung, toàn bộ kiến trúc có thể chia làm thành 3 nhóm: nội viện, ngoại viện và một số công trình kiến trúc khác.
I.2.1. Những công trình kiến trúc
Từ ngoài đường đi vào chúng ta sẽ gặp cổng nhất quan là một kiến trúc Nhật Bản đơn sơ pha lẫn với kiến trúc Trung Hoa (H.1). Những cột trụ màu đỏ nằm nổi bật giữa muôn ngàn cây lá với hình ảnh mái cong, phía trên là hai con rồng được chạm trổ rất sắc xảo, ở chính giữa là một con rồng đội bánh xe luân hồi. Kế đến là Quế Lam kiều bắc qua ao sen dẫn lối lên chùa. Ao này còn có tên là Liên Trì, trên mặt ao là hình tượng của những vị từ hoa sen hóa sanh đang chắp tay hướng về phía đức Bổn Sư để chầu bái (H.2).
Đi qua khỏi cầu nhìn sang bên trái du khách sẽ thấy nép dưới những tàng cây và hòn giả sơn là tượng Phật xuất gia với con ngựa Kiền Trắc và người hầu Xa Nặc đang quỳ kính hướng về Ngài (H.3). Trước đây ở phía trên nữa là pho tượng Bồ Tát Quan Thế Âm cưỡi trên con rồng phun nước đứng giữa hồ. Thế nhưng hiện nay do đang trong quá trình kiến tạo công trình Vĩnh Minh Đại Phật nên tượng Quan Âm này đã không còn nữa.
Tiếp tục đi lên theo con đường lát bằng đá xanh quí vị sẽ được chiêm bái Bồ Đề Đạo Tràng với pho tượng đức Bổn Sư thành đạo với khuôn mặt hài hòa, thanh thoát (H.4). Bên trên là 9 con rồng lớn uốn lượn và che chở cho Ngài không bị nắng mưa làm tổn hại, phía dưới là cảnh hổ chầu voi phục, khỉ dâng trái cúng dường chợt gợi cho ta nhớ đến những câu thơ của Chu Mạnh Trinh:
“Thỏ thẻ rừng mai chim cúng trái
Lượn lờ khe yến cá nghe kinh
Thoảng bên tai một tiếng chày kình
Khách tang hải giật mình trong giấc mộng”.
Sau khi được thăm hai nơi thái tử xuất gia và thành đạo quí vị sẽ được tham quan khu vực tượng Đức Phật nhập niết bàn màu trắng nằm nổi bật giữa rừng cây với nét mặt từ bi, thanh thoát (H.5). Tượng dài 20m với những đường nét rất mềm mại uyển chuyển, phía dưới hai bàn chân có khắc Mạn-đà-la là một bài mật chú của Tây Tạng (H.6).
Rời khỏi khu vực này là đến tam quan chùa (H.7). Đây là một lối kiến trúc đặc sắc có thể nói là rất hiếm thấy ở những ngôi chùa khác. Tam quan khá sinh động được cấu tạo từ những viên đá cuội tự nhiên với nhiều kích cỡ khác nhau tạo thành một kết cấu hài hòa, mỹ thuật, đầy thiền vị giữa những mảng rừng nguyên sinh lẫn hoa màu. Trên cổng Tam quan là hình ảnh Đức Phật Di Lặc với: “Bụng lớn năng dung, dung những điều khó dung trong thiên hạ. Lòng từ thường xả, xả những điều khôn xả của thế gian”. Vì vậy mỗi khi bước đến cổng tam quan này nhìn thấy nụ cười từ bi của Phật như nhắc nhở chúng ta bỏ lại sau lưng gánh nặng của cuộc đời mà sống với lòng từ bi, hỷ xả, luôn nở nụ cười hàm tiếu trên môi.
Đi qua khỏi cổng tam quan nhìn về phía bên trái du khách sẽ được chiêm ngưỡng pho tượng Vĩnh Minh Đại Phật cao 32m hiện lên giữa nền trời xanh mây trắng đang trong quá trình được thi công (H.8,9,10). Toàn bộ kiến trúc gồm 1 điện Chuẩn Đề cao 5 mét, rộng 32 mét. Trên Chuẩn Đề điện là toà sen cao 4 mét, từ chân lên đến đỉnh đại Phật là 23 mét. Nếu xét về quang cảnh chung ta sẽ thấy tượng Phật đứng trên một triền đồi cao, dòng sông Đại Ninh bao bọc xung quanh chân đồi. Phía trước và hai bên là những mảng rừng nguyên sinh, ấp ủ nhiều am thất và chùa viện thấp thoáng đó đây. Tượng Phật được mô phỏng theo tượng Phật A Di Đà trong chánh điện của chùa. Tay trái Ngài bắt ấn Tam muội, tay phải rủ xuống cứu vớt chúng sanh đang trầm luân trong bể khổ. Tượng được cấu tạo bằng chất liệu bê-tông Brush, do Kiến trúc sư Nguyễn Khương Ninh phối hợp với công ty Hà Phúc thực hiện. Điện Chuẩn Đề bên dưới thoáng rộng (diện tích 640 mét vuông). Bên trong có 2 phòng, phòng bên trái là phòng kỹ thuật còn phòng bên phải làm phòng phát hành văn hoá phẩm Phật giáo. Ở giữa điện dự kiến tôn trí tượng Chuẩn Đề cao 3 mét được chạm bằng chất liệu gỗ ngoài ra sẽ tôn trí 10 ngàn tượng Phật nhỏ được đúc nguyên mẫu tượng Phật A-di-đà bên trên. Nền điện được lót đá bazane, tường điện xây đá xanh tự nhiên, tạo cảm giác hùng vĩ. Các cột trụ trong điện dự kiến sẽ chạm nỗi hình rồng uốn lượn bằng cẩm thạch. Bên trên trần điện, phía trước là một lễ đài cao 3,2 mét, hai bên có tam cấp dẫn lên đài sen thoáng rộng, có thể làm chỗ nhiễu Phật trong các đại lễ vía Đức A-di-đà. Xung quanh có lan can bao phủ, chạm nổi hình hoa sen. Phía trước mặt cũng có chạm nỗi hình ao liên trì và một hồ nước nhỏ, có vòi phun nước tạo vẻ sinh động cho công trình. Hiện nay công trình vẫn đang trong thời kỳ được tôn tạo với dự kiến hoàn tất và khánh thành vào tháng 2 âm lịch năm 2011 nhân ngày giỗ của hòa thượng Tôn sư.
Sau khi đi qua mấy chục bậc cấp được làm từ đá cây tự nhiên du khách sẽ lên trên sân chùa và ấn tượng đầu tiên đó là du khách sẽ được nghe tiếng nhạc hòa tấu thiền trà hay là những âm điệu niệm Phật nhạc được phát ra từ hệ thống âm thanh được gắn khắp nơi trong khuôn viên này. Bên trái chánh điện là vườn Lâm Tì Ni (H.11,12)và Cửu Hoa Sơn (H.13) (động Địa Tạng) với một cấu trúc cũng tương đối độc đáo. Toàn thể kiến trúc động được làm bằng đá và có đường bậc cấp nhỏ dẫn đi lên vòng quanh động. Phía bên trong là bàn thờ Bồ Tát Địa Tạng được ghép lại từ những vỏ sò vỏ ốc, bình hoa, chân đèn, và đĩa trái cây đều được làm từ chất liệu này (H.14). Vào những ngày lễ lớn thì du khách sẽ được thấy những dòng nước từ trên đỉnh động chảy xuống tạo thành thác nước làm mát dịu cái không khí nóng nực của buổi ban trưa.
Ngoài ra chùa còn có bảo tháp Minh Tích Ấn (H.15) được khánh thành vào năm 2003. Đây là ngôi bảo tháp cao 25m, bên ngoài gồm có 8 tầng, bên trong 3 tầng. Tầng trên cùng thờ Xá lợi Phật được thỉnh từ Tích Lan về, tầng 2 thờ đất thiêng thỉnh từ tứ động tâm (nơi Đức Phật đản sanh, thành đạo, chuyển pháp luân và nhập diệt ở Ấn Độ). Tầng dưới cùng thờ tượng Phật Niết Bàn bằng đồng nguyên khối có nguồn gốc từ Thái Lan. Phía bên ngoài của ngôi tháp ở tầng một mỗi mặt có khắc 4 tượng Kim Cương và nổi bật với những con rồng đắp nổi. Đây là ngôi tháp xá lợi lớn nhất Tỉnh Lâm Đồng đứng uy nghiêm giữa nền trời xanh mây trắng.
Bên cạnh bảo tháp Minh Tích Ấn là Chơn Nghiêm bảo tháp tức là tháp của cố Hòa thượng Thích Tâm Thanh, người đã khai sơn ra Vĩnh Minh Tự Viện (H.16). Phía trước là một tấm bia bằng đá (H.17) ghi lại cuộc đời của Hòa Thượng do các đệ tử lập nên. Ngôi tháp hình lục giác gồm 3 tầng làm toàn bộ bằng đá được mang từ Hải Phòng vào mà không sử dụng bất cứ vật liệu bê tông cốt thép nào cả. Dưới bàn tay điêu luyện của những người thợ ngôi tháp hiện lên với những nét chạm khắc sắc xảo và tinh tế. Tầng thứ nhất mặt chính có 3 chữ Chơn Nghiêm Tháp, phía dưới là tấm bia, 5 mặt còn lại khắc những bài thơ Đường. Tầng thứ hai là sáu chữ Nam Mô A Di Đà Phật. Tầng thứ ba là câu chú Án Ma Ni Bát Di Hồng.
I.2.2. Ngoại viện
Ngoại viện là một tổng thể kiến trúc lớn gồm chánh điện, hậu tổ, tổ đường, giảng đường, Tăng đường, trù đường và liêu xá.
Qua khỏi cổng tam quan, bước lên vài chục bậc tam cấp, chúng ta thấy một khoảng sân rộng với những chậu bon sai đủ dáng đủ vẻ nằm trên sân được lót bằng những tấm bê tông hình lục giác rất đẹp. Giữa các kẽ của những tấm bê tông là những đường chỉ của cỏ Nhật được cắt tỉa gọn trông thật đẹp mắt. Ẩn tàng dưới những rặng cây lớn vừa cổ kính vừa trang nghiêm đó là chánh điện Vĩnh Minh Tự Viện (H.18). Đây là một kiến trúc đặt biệt cổ kính theo mô thức Trung Hoa, hướng về phía Nam. Chánh điện kiến trúc hình chữ Đinh, mái cổ lầu được chạm trổ kỹ lưỡng với biểu tượng tứ linh và những bức phù điêu miêu tả cuộc đời Đức Phật. Tường điện bên ngoài ốp đá, xen lẫn những đẩu củng là những bức phù điêu tạc 18 vị A La Hán. Phía trước, trên những bậc tam cấp là hàng cột với những câu đối sơn son thếp vàng giữa hai hàng bao lam vi nhiễu (H.34)
“Vĩnh Chấn Thiền Gia, Pháp Nhãn Chân Truyền Tuyên Niệm Phật.
Minh Xương Tịnh Độ, Liên Tông Tam Tổ Vị Tịnh Tham Thiền”.
Tạm dịch là:
“Mãi mãi chấn hưng gia phong của nhà thiền là bậc chân truyền tông Pháp Nhãn nhưng lại tuyên thuyết giáo nghĩa niệm Phật”.
Xiển dương pháp môn Tịnh Độ, nối tiếp truyền thống của Liên Tông, nhưng cũng kết hợp với việc tham thiền”.
Qua hai câu đối trên chúng ta có thể thấy được chủ ý của HT viện chủ là chủ trương thiền tịnh song tu, lấy thiền định làm nền tảng an tâm và lấy pháp môn niệm Phật làm phương pháp tu hành thực tiễn.
Vách trước hai lầu chuông trống có hai bức phù điêu lớn tạc sơn tùng lộc tượng, kế đến là bàn thờ Hộ Pháp và Tiêu Diện (H.22). Vào bên trong chánh điện mới thấy hết được nét độc đáo của kiến trúc đặc thù giữa lòng sơn tự. Trong không gian chánh điện được bày thiết với 2 bàn thờ Phật (H.20). Bàn trên thờ Di Đà Tam Tôn gồm có Di Đà, Quan Âm và Thế Chí (H.21). Bàn dưới thờ tượng Phật Bổn Sư. Khoảng cách giữa hai bàn thờ khá rộng và có bục gỗ cao nối liền là nơi dành cho chư Tăng hành lễ. Bên trên các tượng Phật, thay cho bảo cái là một ngôi tháp cao vút lên trên mái chùa, đó còn là nơi lấy không khí từ bên ngoài vào và làm cho âm thanh tụng kinh vang vọng ngân xa (H.19). Toàn bộ chánh điện được trang trí bằng gỗ. Trần điện là những mảnh gỗ nhỏ chạm hình hoa sen nổi ghép lại rất công phu (H.23,24). Vách điện là một kiểu kiến trúc rất độc đáo, từng thớt gỗ cưa tròn không đồng đều nhau hết sức công phu tỉ mĩ và tinh xảo. Nền điện là những mảnh gỗ nhỏ ghép lại, vừa có nét đẹp thẩm mỹ vừa đảm bảo cho việc ngồi tu tập được bình yên hơn bởi vì nơi đây là vùng khí hậu lạnh cho nên việc sử dụng sàn gỗ là rất hợp lý. Toàn bộ chánh điện nhìn từ tổng thể đến từng chi tiết nhỏ chúng ta thấy rất hài hòa. Nghệ thuật thẩm mỹ trong ngôi chánh điện rất đẹp, gần như là đạt đến điểm tuyết đối.
Đặc biệt hơn, khi xây dựng ngôi chánh điện này Hòa Thượng muốn dựng lại hình ảnh sống động của giáo đoàn Đức Phật ở Kỳ Viên tịnh xá hơn 2000 năm trước tại cao nguyên lâm viên ngút ngàn sương khói cũng như tiếp nối pháp âm của Ngài nơi vườn Lộc Dã giữa chốn sơn dã tịch liêu được thể hiện qua hai câu đối trang hoàng trong chánh điện (H.35):
“Kỳ Viên Dữ Lâm Viên, Tự Cổ Đạo Tràng Y Nhiên Như Thử.
Lộc Dã Đồng Thôn Dã, Tòng Lai Pháp Hội Thượng Tại Như Tư”.
Tạm dịch là:
“Kỳ Viên hay Lâm Viên đạo tràng từ xưa đến nay đều y như thế.
Lộc Dã hay thôn dã, pháp hội từ xưa cũng còn tồn tại y nguyên”.
Đồng thời để tiếp nối mạch nguồn uyên nguyên của Phật pháp, đem ý đạo nhiệm mầu vào phổ độ chúng sanh; trời đất núi sông đâu chẳng phải pháp thân, người vật cỏ cây đều bao hàm Phật tánh.
“Chi Ngoại Sơn Hà Đại Địa, Sắc Đồng Phi Sắc toàn Hiện Pháp Thân.
Kỳ Gian Thủy Điểu Thọ Lâm, Tình Dữ Vô Tình Hàm Tuyên Diệu Đạo”. (H.37)
Tạm dịch là:
“Sơn hà đại địa ngoài kia, dù có sắc hay là phi sắc đều hiện bày pháp thân thanh tịnh.
Rừng cây non nước trong ấy, dù hữu tình hay vô tình đều tuyên thuyết đạo mầu vi diệu”.
Có thể nói rằng toàn bộ chánh điện là một cấu trúc hài hòa, ấm áp. Mặc dầu rất công phu nhưng không đánh mất đi tính giản dị, gần gũi của một ngôi chùa của làng quê Việt Nam nơi vùng đất cao nguyên quanh năm sương khói phủ mờ này.
Phía sau chánh điện là hậu tổ nơi thờ Tổ Tỳ ni Đa Lưu Chi là Sơ tổ của thiền tông Việt Nam (H.27). Có thể nói rằng đây cũng là một nét khác biệt vì đây là vùng đất chuyên về pháp môn Tịnh Độ nhưng Hòa Thượng với chủ trương thiền tịnh song tu, hạnh giải tương ứng, đề cao Việt tính nên hậu tổ không thờ Tổ Bồ Đề Đạt Ma như các ngôi chùa khác mà chúng ta vẫn thường thấy. Trước bàn thờ có hai câu đối chữ nho thể hiện ý thiền tịnh song hành mà khi đọc lên bằng âm Hán Việt ta sẽ thấy được cách chơi chữ độc đáo:
“Đông Độ Đạt Đốn Đạo, Độc Đáo Đa Đoan, Đồng Đăng Đại Định
Tây Thiên Truyền Thắng Thuyết, Tổng Trì Tiểu Tiết, Tốc Thoát Thanh Trì”.(H.36)
Từ Hậu Tổ cách một khoảng sân rộng là Tổ Đường (H.28), nổi bậc là hai bức phù điêu “hổ khê tam tiếu” và “bích diện cửu niên” (H.29). Kiến trúc Giác Linh Đường tuy nhỏ nhưng cũng khá đẹp là nơi thờ Hòa Thượng Thích Tâm Thanh người khai sơn Vĩnh Minh Tự Viện (H.30).
Đông lang và Tây lang là hai dãy lầu dành làm liêu phòng cho Tăng chúng ở bên trên, linh đường ở bên dưới. Bên trái chánh điện là một ngôi giảng đường rộng và thoáng, là nơi thuyết giảng cho Tăng ni và Phật tử (H.31). Giảng đường Vĩnh Minh Tự Viện không theo bản thiết kế từ lúc ban đầu, vì nhu cầu học tập và thính pháp của chư Tăng và Phật tử nên nhà giảng được mở rộng để đáp ứng với số lượng thính chúng. Chính vì vậy mà giảng đường được sửa chữa đến bốn lần, lần cuối cùng gần đây nhất là vào tháng 7-2010, giảng đường được nối dài với quy mô lớn hơn có thể chứa được 1000 người. Phía trên là bàn thờ đức Phật A Di Đà, bên dưới là một sàn gỗ khá rộng và cao được thiết kế đẹp mắt để thuận lợi cho việc bài trí vào các ngày lễ lớn đồng thời cũng có thể làm sân khấu diễn văn nghệ. Hiện nay thì giảng đường đã được trang bị khá đầy đủ về hệ thống âm thanh, ánh sáng và máy chiếu giúp cho việc hoằng pháp được thuận tiện hơn.
I.2.3. Nội viện
Nội viện nằm phía bên trái cổng đi vào, hai bên lối đi là hai hàng tùng thẳng tắp cùng với 2 mảng sân rộng trồng cỏ và cây cảnh (H.33). Đây là một khu vực yên tĩnh, thoáng mát, gồm hai dãy nhà ngang với kiến trúc nhẹ nhàng đơn giản. Dãy phía trước là Nhà Lưu Niệm Ân Sư được chia làm 3 phòng. Phòng phía bên trái chưng bày những hình ảnh về cuộc đời và sư nghiệp hoằng pháp của Hòa Thượng Tâm Thanh. Phòng ở giữa là thờ những pháp khí, giấy tờ tùy thân… và những tác phẩm kinh sách và băng đĩa do Hòa Thượng đã từng viết và giảng dạy. Phía bên phải là nơi trưng bày giường ngủ, quần áo, bàn ghế, dép, gậy, mũ…những vật dụng mà lúc sanh tiền Hòa Thượng đã sử dụng. Đại Đức Thích Nguyên Hiền trong ngày khai mạc phòng lưu niệm di vật của ân sư đã phát biểu:
“Đức Phật dạy rằng: “Người sống trong giới hạnh thì dù xa cách trăm sông ngàn núi vẫn luôn thân cận Như Lai. Người sống trong phóng túng dục lạc thì dù ở bên Như Lai cũng vẫn xa cách muôn trùng”. Chúng con thâm hiểu chân lý đó, thế nên, lưu giữ những di vật ân sư, chúng con nguyện “nhìn vật thấy người”, để còn đó lời thầy dạy dỗ sớm hôm. Gìn giữ di vật của thầy, chúng con nguyện, qua đây, được hình dung còn thầy với những lời sách tấn tu học tinh nghiêm hầu giữ gìn đạo phong của thầy tổ mà báo ơn trong muôn một”.
Dãy phía sau là những Tăng phòng dành cho những vị chuyên tu nhập thất. Đây cũng chính là nơi mà Hòa Thượng Tâm Thanh đã nhập thất tĩnh tu trong những ngày cuối đời. Giữa hai dãy nhà là một hòn non bộ lớn tạo nên một không gian hài hòa. Bốn phía của nội viện có ngọc viên bao bọc rất yên tĩnh và mát mẻ.
II. Hoạt động của chùa
II.1. Tu học
Tăng chúng trong nội tự tinh chuyên tu tập trau dồi giới đức (H.41,42,43). Chúng tăng có nhiều vị học hành đỗ đạt cao, mỗi vị một chuyên nghành, nhiều vị đã có bằng cử nhân Phật học và tốt nghiệp các đại học khác, có vị đang học để lấy bằng Tiến Sĩ ở nước ngoài.
Vị trụ trì hiện nay là Đại Đức Thích Nguyên Hiền là một vị giảng sư khá nổi tiếng trong nước, thầy còn là giáo thọ của Trường Cao Trung Cấp Phật học Lâm Đồng và Viện Nghiên Cứu Hán Nôm Huệ Quang.
II.2. Văn hóa giáo dục
Trong mùa an cư kiết hạ hàng năm chùa có mở lớp dạy giáo lý và một số môn Phật học khác cho tăng chúng trong tự viện cũng như cho tăng ni trẻ trong toàn trú xứ. Ngoài ra còn có những lớp giáo lý giảng dạy cho các Phật tử hàng tháng.
Chùa có một phòng phát hành kinh sách nhỏ, thường chỉ mở cửa vào các ngày lễ mà thôi. Nhưng dự kiến sau khi công trình Vĩnh Minh Đại Phật hoàn thành thì sẽ mở rộng với qui mô lớn hơn.
II.3. Hoằng pháp
Mỗi tháng vào mùng 1 và ngày 15 có đạo tràng Bát Quan Trai. Từ ngày 12 đến ngày 14 hằng tháng có khóa tu Niệm Phật liên tục 3 ngày đêm với số lượng Phật tử tham dự lên đến mấy trăm người.
Hằng năm chùa có tổ chức trại hè sinh hoạt Phật pháp cho thanh thiếu niên toàn tỉnh trong vòng 5 ngày tính đến nay đã được 3 lần (H.44 ,45, 46). Đây là một hoạt động tổ chức với qui mô lớn thu hút số lượng trại sinh rất đông gần 1000 người tham dự, bởi vì nơi đây là môi trường tốt cho các em học hỏi Phật Pháp, giao lưu văn hóa cũng như rèn luyện đạo đức cho chính mình. Chẳng hạn trại hè lần 3 với chủ đề “Tuổi trẻ hướng về 1000 năm Thăng Long” đã giúp các em ôn lại lịch sử của đất nước cũng như giới thiệu với các em những vị Thiền sư có công với đạo pháp và dân tộc qua các thời đại Lý, Trần…Bên cạnh đó còn có những sân chơi giải trí lành mạnh với các trò chơi dân gian giúp các em ôn lại những văn hóa đẹp của dân tộc mà với thời đại thông tin khoa học kỹ thuật ngày nay đang dần bị mai một. Những buổi thiền hành, pháp đàm, thiền tập, ăn cơm chánh niệm, lễ đốt đèn dâng mẹ…giúp cho các em gắn kết với nhau hơn, đồng thời khơi dậy tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái vốn sẵn có trong mỗi con người. Chính vì vậy có nhiều phụ huynh đã nêu lên ý kiến là sau những ngày trại các em đã có nhiều thay đổi tốt hơn, biết vâng lời cha mẹ chăm lo học tập và phụ giúp việc nhà. Nhìn hình ảnh các em gặp nhau biết chắp tay búp sen để chào hỏi với nụ cười trên môi khiến cho lòng người cũng thấy vui theo.
Ngoài ra chùa còn tổ chức một số buổi lễ rất lớn như “Thắp sáng đêm Di Đà” với sự luân phiên niệm Phật của hơn 1000 Tăng ni Phật tử từ 22 giờ đến 5 giờ sáng ngày hôm sau (H.39, 40), và cũng trong ngày lễ khởi công Vĩnh Minh Đại Phật tự viện đã tổ chức lễ trai tăng cúng dường “Thiên Tăng hội” nhằm cầu nguyện cho công trình được hoàn thành viên mãn.
Ngoài các ngày lễ lớn trong năm như tháng giêng, tháng tư và tháng bảy thì chùa còn có một ngày lễ lớn nữa đó chính là lễ húy kị của Hòa Thượng Viện Chủ vào ngày 12-02 âm lịch hằng năm với số lượng tăng ni Phật tử khắp nơi tề tựu về rất đông và thường trong dịp lễ này sẽ có những công trình kiến trúc được khánh thành.
Vĩnh Minh Tự Viện là một trong những ngôi chùa nổi bật giữa lòng xứ sở Đại Ninh, một ngôi làng nổi tiếng với mật độ chùa, thất và tăng ni có thể nói là đông nhất nhì ở Việt Nam. Với lối kiến trúc hài hòa dung hợp nhiều nét đẹp của văn hóa Á Đông, vừa mang tính chất cổ kính vừa mang tính hiện đại. Từng thớ gỗ, từng viên sỏi nhỏ cũng góp phần làm đẹp thêm cho ngôi tự viện này. Đây còn là một địa điểm du lịch cho người dân cả huyện Đức Trọng. Vào các ngày lễ lớn và tết số lượng người đổ về rất đông và gần như nó đã trở thành thông lệ, cứ đến những ngày này người dân lại đi chùa trước tiên rồi mới đến những điểm khác. Ngoài ra hằng năm chùa còn có những buổi lễ rất lớn, chương trình cũng khá quy mô, và đây còn là điểm để các em thanh thiếu niên trong tỉnh cũng như ngoại tỉnh được sinh hoạt, giao lưu và học hỏi Phật pháp dưới sự hướng dẫn của những tăng ni trẻ rất có năng lực và có tấm lòng nhiệt huyết của xứ sở cao nguyên này. Có thể nói rằng ngôi chùa quê này tự bao giờ đã trở thành một phần quan trọng trong tâm hồn của Tăng Ni Phật tử cũng như người dân nơi đây. Bởi vì ngôi chùa không những là nơi để mọi người hướng về để tìm cầu giải thoát tâm linh mà còn là cơ sở giáo dục cho đại đa số quần chúng. Giáo dục trong thời đại mới và góp phần xây dựng nền đạo đức mới để phục vụ cho mục tiêu an bình và hạnh phúc cho xã hội nhân sinh trong hiện tại cũng như tương lai.

Bình luận  

 
+2 #3 quynh nhu 2012-08-06 21:34
mong nam sau thay van to chuc trai he. con biet quy thay da rat vat va va met nhoc voi nhung dua hu don nhu bon con. chung con van mong thay to chuc de chung con co the ngoan hon va tim hieu ve phat phap nhiu hon.......moi lan con tham gia con deu thay thoi gian rat nhanh va mong muon thoi gian nhanh nua de con co the den voi trai he.......
Trích dẫn
 
 
0 #2 trong 2012-08-06 17:38
mong sao cac thay co the to chuc trai he vi moi lan den do con cam thay rat vuj
Trích dẫn
 
 
0 #1 Minh Quang 2012-05-22 09:32
Bai Việt hay qua
Trích dẫn
 

Thêm bình luận mới


Mã bảo vệ
Tạo lại