Cảm Giác Sang Thu

In

Nguyễn Thanh Ngã

Chợt hôm nay trời dịu. Những cơn bão ngoài khơi cũng lắng dần. Dự báo thời tiết nói rằng nhiệt độ đã hạ. Gió mùa phảng phất nét tinh tế của sự chuyển đổi. Cái “chơm chớm” từ ngàn xưa trên đất Việt vẫn còn rõ rệt. Ấy là màu thu. Màu thu của thiên nhiên biểu hiện bằng sự dịu nhẹ, trong lành, thay vì sự chói chang rực rỡ của mùa hạ. Lòng người, lòng thiên nhiên chuyển từ nóng sang mát. Có một chút thoáng nhớ, vương buồn trong lòng người, gờn gợn những cảm xúc lên mặt hồ, cây cỏ…

Mùa thu lâu nay vẫn mang vẻ đẹp của “nỗi buồn” trong sáng. Nhưng trời đất xoay vần, cảm xúc mùa thu cũng biến đổi theo thời đại. Nếu Nguyễn Du nhìn thu với “khói biếc xây thành…”, Lưu Trọng Lư nghe “lá thu kêu xào xạc…” thì Hữu Thỉnh lại “ngửi” mùa thu:

“Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se…”.

Ba thời cảm xúc, ba tâm thế khác nhau của thi nhân cho chúng ta thấy rõ cung bậc mùa thu là muôn điệu. Nguyễn Du có cái nhìn xuyên suốt bằng thị giác, Lưu Trọng Lư vận dụng thính giác. Và rất độc đáo, Hữu Thỉnh chạm mùa thu bằng khứu giác. Nói thế để thấy rằng mùa thu “đăng nhập” vào ta bằng ngũ quan, cũng chính là toàn thể con người và trời đất!

Đúng vậy, khi:

“Chưa kịp xòe tay bắt một tiếng ve
Mùa hè đã đi qua ngoài cửa”.

(Quế Mai)

Và mùa thu xao xuyến ùa vào. Thu hiện diện trên đường phố, thu e ấp ngập ngừng khung cửa sổ, thu đầy ắp hồn người, hồn thiên nhiên. Người già thường xúc động mỗi khi thu về. Người trung niên cảm thấy chơi vơi…Người trẻ lãng mạn và lo âu. Trẻ con cũng cảm nhận được sự thay đổi trong nếp vui mừng trước cỗ bánh Trung thu…Và thật là thiếu sót nếu không nói đến hoa mùa thu. Vậy hoa mùa thu gồm những hoa gì nhỉ? Tôi thật không biết trả lời sao, bởi qua mọi biến động của con người và thời tiết, hoa không còn là sở hữu của mùa nào. Kể cả những loại hoa đặc biệt tượng trưng cho xuân hạ thu đông; giờ con người đã có thể cấy ghép mọi thứ, nở vào mọi thời tiết do công nghệ sinh học phát triển. Vậy thì chỉ tượng trưng thôi cũng đủ gây nên cảm giác “thu vàng” mà bao lâu nay ký ức ta ghi nhớ. Mùa thu hoa cúc, dẫu hoa cúc cũng có thể nở vào mùa xuân, nhưng hoa cúc từ lâu trong thơ Nguyên Sa đẹp đến nỗi “áo nàng vàng tôi về yêu hoa cúc…”. Vâng, cái màu vàng bất tuyệt ấy đã sưởi ấm bao cô cậu học trò, trong đó có bạn, có tôi một thời biết yêu. Ngồi lật lại trang đời, lần đầu tiên tặng hoa cúc cho một người con gái, tôi gọi ấy là mùa thu thứ nhất. Một mùa thật dễ thương, nhưng cũng đầy đắng cay. Người con gái ấy nhận đóa cúc vàng của tôi ấp lên môi, rồi những mùa thu sau theo chồng sang xứ khác. Để hoa cúc héo rũ lòng tôi. Hoa cúc bố tặng mẹ sao đẹp và dịu dàng đến thế? Và hoa cúc bà cắm lên bàn thờ ông nội vàng rực một màu linh thiêng. Nhang khói và trái cây và hoa cúc trang trọng trong tâm thức người xưa. Đến nay hoa cúc không chỉ đẹp mà còn sang nữa. Riêng tôi, hoa cúc và mùa thu là thứ lặng lẽ, thương tiếc không nguôi…

Đến giờ tôi mới hiểu, mùa thu đẹp và bâng khuâng, và gợn buồn là thế đấy. Tín hiệu này nói lên con người và thiên nhiên hòa quyện không thể chia rời. Con người nhạy cảm thì thiên nhiên cũng nhạy cảm vạn lần. Vì thế, tôi ước đi ngược thời gian, cũng là đi ngược cảm giác chai lì của thời máy móc, đi ngược những cảm xúc “mì ăn liền” để đón nhận một “chớm thu” vẹn nguyên trong tâm hồn vạn vật. Và mùa thu quê hương với vẻ đẹp thuần khiết đã lưu trữ trong giọt Đường thi của Nguyễn Khuyến:

“Ao thu lạnh lẽo nước trong veo
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo
Sóng biếc theo làn hơi gợn tí
Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo…”.

Những trong veo, bé tẻo teo, gợn tí, sẽ đưa vèo…. đã làm nên hình ảnh một thu Việt tuyệt đẹp. Đó phải chăng là thứ cảm giác đã mất dần theo năm tháng không dễ gì tìm lại được…■


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: