PHÍA SAU NHỮNG CÂU CHUYỆN TÌM MỘ LY KỲ.

In

Gần đây dư luận hoài nghi về hiện tượng ngoại cảm trong việc đi tìm mộ thân nhân. Tôi không có ý định đưa ra một lời khẳng định nào dù mang tính khoa học hay tâm linh về vấn đề này, chỉ xin kể lại hai câu chuyện gia đình để từ đó gợi mở cách tiếp cận về việc tìm hài cốt người thân để chúng ta có một cách nhìn khách quan, thấu đáo, và quan trọng hơn là để các con em của tôi biết về cội nguồn.

***

Câu chuyện thứ nhất: Tìm mộ bà Ngoại

Bà tôi mất năm 1949 do bị thương trong một trận đánh bom của Pháp tại cụp Chiêm Sơn, Duy Xuyên, Quảng Nam. Bà được dân quân đưa vào bệnh viện dã chiến Cây Xanh nay nằm trên tỉnh lộ 616 đoạn qua xã Tam Dân, huyện Phú Ninh, Quảng Nam và được một người em bạn dâu nuôi. Sau đó chân nhiễm trùng nặng, bị cưa bỏ nhiều lần và qua đời. Người em bạn dâu nhờ người chôn vội vàng tại khu đất gần đó rồi ra về. Thời gian sau anh chị em có băng rừng vào tìm nhưng người em bạn dâu không còn nhớ dấu vết. Mộ thất lạc từ đó.

Năm 2000, gia đình tôi có cơ may gặp được nhà ngoại cảm Nguyễn Văn Nhã tại Sài Gòn. Dì tôi được chứng kiến Anh Nhã trực tiếp vẽ một tấm bản đồ với nhiều chi tiết vô cùng kỳ bí: Trên một con đường dài, ở trung tâm bản đồ anh vẽ “quán Cô Hồng” – 38 tuổi – từ đó đi vào một con đường dài, đến 68 mét thì rẽ ngang 27 mét, mộ cách con đường này 8 mét, phía sau khu đất này là khu mã (mộ). Cùng với đó là những ghi chú cụ thể sau: Mộ đầu hướng Tây Bắc, cách cây hoa tím 5 mét, lối mòn cách 8 mét, trên mộ có cỏ leo và hoa dại màu vàng (14 hoa), dưới chân mộ có 1 cây khô dài 4 tấc. Đi tìm mộ ngày 22/3 âm lịch (năm 2000), lúc 14 giờ có 2 con bướm đỏ đậu trên mộ này (!) Ngoài ra trên bản đồ còn có thông tin bà Ngoại tôi và số điện thoại di động chỉnh mộ.

Bạn sẽ ứng xử thế nào với một tấm bản đồ như vậy? Riêng anh chị em chúng tôi đã theo sự chỉ dẫn trong bản đồ ấy với một niềm tin mãnh liệt rằng sẽ tìm được mộ bà tôi sau hơn 50 năm trời thất lạc.

Ngày 21/3 âm lịch năm 2000, gia đình tôi từ Lâm Đồng về Quảng Nam cùng một số bà con ở quê gồm 7 người lên đường vào thị xã Tam Kỳ rồi từ đó rẽ vào con đường dẫn vào huyện Nam Trà Mi tìm mộ. Chúng tôi có mời một công an viên tại Duy Xuyên cùng đi. Dọc đường đi, sau khi hỏi chuyện và xem bản đồ, anh công an tỏ ra chê bai chúng tôi vì đã học đại học mà còn tin vào những điều hoàn toàn không có căn cứ khoa học. Đến một đoạn đường vắng thuộc xã Tam Thái, chúng tôi dừng lại để hỏi bệnh viện Cây Xanh nhưng được biết ở đây không có bệnh viện nào, chỉ có thôn Cây Xanh cách đó một đoạn. Tiếp tục đi đến một quãng đường khá thưa thớt dân cư ở thôn Cây Xanh thuộc xã Tam Dân, anh công an dừng lại tại một hàng quán đã đóng cửa và hỏi một cậu bé trai với một giọng rất mỉa mai (ý muốn nói làm sao mà có được!): “Ở đây có quán của cô nào tên là cô Hồng không cháu?” Cậu bé chỉ vào quán và cho biết đây chính là quán cô Hồng. Chúng tôi hỏi Cô Hồng đi đâu thì được biết cô đã li dị chồng và bỏ nhà đi cả tháng nay (Dì tôi kể rằng thấy Anh Nhã khi vẽ bản đồ vừa vẽ vừa nói một mình “Quán Cô Hồng hả! Mà sao không thấy có chồng?”).

Có được dấu hiệu quan trọng là “quán Cô Hồng”, chúng tôi mở bản đồ ra xem nhưng nhìn địa hình có vẻ không hợp lý vì theo như bản vẽ thì ngôi mộ nằm sau “quán Cô Hồng”, điều này rất khó xảy ra so với thực địa. Chúng tôi chợt nhớ lời Anh Nhã dặn dò là đa số các trường hợp đi tìm mộ phải xem “bản đồ âm”. Chúng tôi đưa bản đồ lên ánh mặt trời nhìn từ phía sau tờ giấy thì thấy địa hình trước nhà Cô Hồng hiện lên có vẻ rất khớp so với những đường nét trong bản đồ. Hơn nữa người dân cho biết đồi hoang bên kia đường chạy dài vào trong hồ Phú Ninh là nghĩa địa. Vậy là cuộc tìm kiếm bắt đầu.

Tuy nhiên khi tiến hành đo đạc thì thấy những con số thước tấc ghi trên bản đồ không thể chính xác được vì nếu như vậy ngôi mộ sẽ nằm giữa đồng ruộng. Sau khi chia ra đi tìm rồi nghe những lời bàn ra tán vào của người dân kéo đến mỗi lúc một đông, chúng tôi quyết định ra về để ngày hôm sau đúng ngày 22/3 âm lịch thì trở lại.

Sáng hôm sau trở lại khu đất, đặt lễ cúng bái thổ địa xong, chúng tôi chia nhau ra tìm chi tiết “14 bông hoa dại màu vàng”. Đồi hoang thoai thoải rộng mênh mông, cây dại chỗ lấp xấp, chỗ um tùm. Trên khu đất có nhiều con đường mòn có lẽ do trẻ chăn trâu hay đi lại. Bướm đủ màu sắc bay lượn dập dờn. Từ khu đất nhìn qua bên kia cánh đồng chỉ rộng chừng hơn 100 mét là đường cái dẫn vào huyện Nam Trà Mi, “quán Cô Hồng” vẫn im ỉm khóa. Những người lớn tuổi cho biết 50 năm qua đã có nhiều thay đổi như ruộng được mở rộng hơn, dẫn đến bờ ruộng có thể đã dịch chuyển, một nghĩa địa đã mọc lên phía xa xa về hướng hồ Phú Ninh, nhưng cơ bản địa hình không có nhiều thay đổi.

Đến khoảng 10 giờ sáng, sau mọi nỗ lực tìm “14 bông hoa dại màu vàng” không thành, chúng tôi ra trạm bưu điện xã cách đó khoảng 5 cây số gọi  điện thoại cho Anh Nhã, cho anh biết rằng địa hình có vẻ đúng khoảng 60% theo bản đồ chỉ dẫn nhưng những dấu vết thì không tìm thấy. Anh Nhã khẳng định như vậy là rất khả quan, cứ vào lại tìm đi sẽ có người giúp đỡ cho (!).

Khi trở lại, nắng lên chang chang, anh họ tôi là Đoàn Minh Thành để ý một con bướm có màu khác lạ cứ lẩn quẩn một chỗ cách bờ ruộng khoảng vài mét liền bảo tôi đến quan sát. Một mình tôi đứng theo dõi con bướm, đưa tay đuổi đi nó vẫn quay lại đậu cành cây ấy, nhưng tôi mở rộng tìm kiếm xung quanh vẫn chưa thấy dấu hiệu nào. Khoảng 15 phút trôi qua, tôi nghĩ chắc bướm bay ở đây là bình thường nên trở lại chỗ cả gia đình đang ngồi nghỉ mát. Vừa bước khỏi đó chỉ vài bước đến một con đường mòn thì tôi có cảm giác một cành cây “níu lấy” chân trái của mình. Tôi nhìn xuống và một cảm giác ớn lạnh chiếm lấy tôi khi tôi thấy hai chùm hoa ngũ sắc nằm sát nhau đã rụng hết các màu khác chỉ còn lại màu vàng. Tôi ngồi xuống đếm, đúng 14 bông! Tôi gọi anh Thành đến, xác định hướng Tây Bắc, anh nhặt lên được một cành cây cỏ hôi đã khô, lấy thước ra đo vừa đúng 4 tấc! Ở giữa hai dấu hiệu này là một cây sâm nam quấn quanh cỏ dại. Cả nhà hồi hộp đến đặt lễ, thắp nhang, thử quẻ đồng tiền (theo cách thường làm của người miền Trung) và gần như tin rằng mình đã tìm được mộ. Tuy nhiên còn một vài chi tiết: cây hoa màu tím cách 5 mét và quan trọng nhất là … cặp bướm đỏ đậu trên mộ lúc 2h chiều!

Với niềm tin ban đầu như vậy, chúng tôi bắt đầu thuê những người đào mộ trong xóm chuẩn bị mọi thứ rồi đi tìm chỗ ăn trưa. Đến 1h30 quay lại, chúng tôi bắt đầu ghi lại hình ảnh những dấu hiệu đã tìm được. Đến 1h50 thì hai con bướm màu nâu nâu bay đến đậu trên hai chùm hoa ngũ sắc màu vàng rồi bay đi ngay. Đến 2h, chúng tôi đứng từ xa để theo dõi nhưng không thấy con bướm nào đến đậu. Rồi 2h15…2h30. Quá sốt ruột, chúng tôi quay ra bưu điện gọi lại cho Anh Nhã nhưng máy liên tục báo tín hiệu không liên lạc được. Chúng tôi nhờ chị nhân viên bưu điện cứ 5 phút gọi một lần nhưng vẫn không có tín hiệu nào. Trời càng về chiều, càng sốt ruột, tôi bàn với anh Thành rằng nói chung đã có nhiều dấu hiệu khả quan, chắc Anh Nhã đồng ý cho mình tiến hành nên tắt máy.

Trở vào khu đất đã gần 4 giờ chiều, chúng tôi vẽ một hình chữ nhật và nhờ những người đào mộ bắt đầu công việc. Họ cho biết thời chiến tranh chôn rất cạn, hời hợt, thường là chôn ban đêm nên có thể có dấu vết của than, người chết có khi chỉ được quấn một chiếc chiếu. Đào hơn một mét mà không có dấu hiệu nào. Nét lo âu và thất vọng hiện rõ trên khuôn mặt từng người khi người đào mộ thả cuốc và tuyên bố đảm bảo không có gì cả, còn nếu đào nguyên khu đất này thì chắc chắn là có nhưng làm sao xác định được ai là ai vì theo họ “hài cốt nằm dưới đây như khoai lang, hồi xưa biết bao nhiêu người chết ở đây, bảo đảm thầy này nói không trúng rồi!”

Lần tìm kiếm này mà không được xem như chẳng bao giờ còn hi vọng. Nghĩ vậy, anh Thành liền nói để anh đào thử, vừa thả một nhát cuốc qua thành bên của huyệt thì một mảnh xương lộ ra, hi vọng lóe lên. Những người đào mộ bắt đầu tiến hành đào mở rộng. Một bộ hài cốt dần dần hiện rõ. Tôi đề nghị để nguyên như vậy và một mình trở ra bưu điện xã để gọi về Sài Gòn hỏi những người cao tuổi nhất trong dòng họ rằng ngày xưa bà chúng tôi mất như thế nào. Qua điện thoại, cậu Phan Thanh Tùng là trưởng tộc cho biết theo lời kể của Bà Niên em bạn dâu là người nuôi bà Ngoại tôi trước khi mất thì bà tôi nhiễm trùng lâu ngày nên đã cưa hết hai chân, nên nếu bộ hài cốt có chân thì chắc chắn không phải! Thật là trớ trêu nếu bộ hài cốt có chân, chúng tôi chẳng biết phải ứng xử ra sao sau chừng ấy sự việc đã diễn ra. Tôi trở lại và đề nghị công việc khảo sát bắt đầu từ chân lên.


Tấm bản đồ do nhà ngoại cảm vẽ đang được thờ tại nhà Dì tôi tại Lâm Đồng.
Nhìn từ mặt sau thì bản đồ rất khớp với địa hình của khu đất mộ

Chi tiết đặc điểm tìm mộ được ghi bên phải tấm bản đồ (xin phép ẩn số điện thoại chỉnh mộ)


Vị trí ngôi mộ tìm được nằm trên tỉnh lộ 616 đoạn qua xã Tâm Dân, huyện Phú Ninh

(Ảnh chụp từ Googlemaps.com)


Hình ảnh khu đồi hoang sau khi hoàn thành việc bốc mộ, “Quán Cô Hồng” là ngôi nhà giữa bức ảnh.

Bằng kinh nghiệm của mình, những người đào mộ dùng hai chiếc que gạt từng lớp đất dưới phần chân. Có thể nhìn thấy rất rõ sự khác nhau về màu sắc giữa lớp đất có hài cốt so với lớp đất xung quanh. Gạt đất phần chân bên trái, rõ ràng không có dấu hiệu nào của bàn chân, gạt tiếp đến chân bên phải thì lên quá đầu gối mới thấy có dấu hiệu của xương.

Không nghi ngờ gì nữa! Tôi đứng lặng hồi lâu, quá xúc động khi nhìn lại khung cảnh xung quanh, bà đã nằm đây dưới ba tấc đất, bên bờ ruộng đìu hiu mà hơn 50 năm không một lần nhang khói. Dì Bảy là dì út của tôi bật khóc, ngày Bà mất Dì mới có 3-4 tuổi đầu.

Những người bốc mộ bốc từng phần xương lên thì xương tan thành bột. Chúng tôi chia mỗi phần xương vào một túi riêng, cúng tạ thổ địa và cảm ơn người dân xung quanh rồi rước bà về lại quê hương Duy Xuyên để hai ngày hôm sau tiến hành lễ cải táng. Câu chuyện thật mà như một giấc mơ!

***

Câu chuyện thứ hai: Tìm mộ ông Ngoại cùng hai anh ruột.

Hai cuộc chiến tranh tàn khốc trên quê hương đã lấy đi sinh mạng của bao nhiêu người dân vô tội. Những đứa con lớn lên không cha không mẹ, lạc lõng bơ vơ, tha phương cầu thực, trong đó có Ba Má tôi. Trước hai năm bà Ngoại tôi mất, khoảng năm 1947, ba anh em ông Ngoại tôi cũng qua đời cùng ngày cùng giờ vào ngày 17/2 âm lịch do bị Tây bắn khi đang chở lúa trên sông Thu Bồn, có lẽ do nghi ngờ tiếp tế cho Việt Minh. Mộ phần cũng thất lạc từ đó. Theo câu chuyện đã thành giai thoại trong dòng tộc, ông Cố tôi là người khá giả, làm nghề trồng dâu nuôi tằm. Một lần đang cắt dâu cho tằm ăn thì vô tình cắt luôn con rắn lửa vốn được xem là một con vật rất linh thiêng. Buông dao ra ông bàng hoàng hình dung những chuyện chẳng lành sẽ xảy ra. Lại có người khác kể rằng con rắn này cứ hay lên ăn tằm nên ông giận quá một lần bắt được chặt nó thành ba khúc. Sáng hôm sau ông nhận được hung tin về ba người con trai. Câu chuyện đã được thêu dệt thành truyền thuyết trong dòng tộc, thấm thoát đã 65 năm trời.

Năm 2011, cháu nội của người anh cả của ông Ngoại tôi là anh Phan Phú Cường trong một lần đi chơi với bạn đã gặp được “Anh Ba” (thực chất là một người phụ nữ) tại Sài Gòn. Anh trình bày ý nguyện tìm mộ ông Nội mình từ lâu. Sau khi ghi nhận thông tin gia đình, “Anh Ba” chỉ cho anh Cường về thôn 3, xã Điện Hồng, huyện Điện Bàn, Quảng Nam tìm gặp một người tên Cư, nói Ông Cư dẫn đến nhà Ông Thu ở gần bờ sông. Sau đó nhờ người đàn ông tên Thu này đưa anh ra vườn chuối gần bờ sông thuộc khu vườn của một người hàng xóm. Trong vườn chuối có mấy gò đất, mộ của ông Nội anh nằm dưới một ngôi mộ đã được xây cất đàng hoàng, nhưng ngôi mộ này thời gian gần đây đã bị nứt ra làm đôi do xây nhầm!
Nghe “Anh Ba” đưa ra những mô tả tỉ mỉ đến từng địa danh, từng con người lạ hoắc mà anh họ tôi cũng không thể mườn tượng được được địa danh đó như thế nào, những người đó là ai, trong khi được biết mộ đã được xây cất nên cũng bán tín bán nghi.

Nhưng có một chi tiết ly kỳ là khi nói chuyện với “Anh Ba”, anh Cường chỉ đề cập đến việc đi tìm mộ ông Nội mà không nêu việc ba anh em ruột bị chết cùng ngày tháng năm. Anh có hỏi ai sẽ là người đứng ra bốc ngôi mộ này, cha của anh hay là anh. “Anh Ba” liền nói không phải riêng cha con anh mà cả dòng tộc của anh luôn, vì ngôi mộ này chôn chung ba anh em mà!

Anh tôi bàng hoàng sửng sốt và gần như đến đây thì không còn nghi ngờ gì vào lời của “Anh Ba”. Anh tôi có hỏi thêm có cách nào xác định hài cốt nào là của ai trong ba anh em không. “Anh Ba” cho biết chuyện này quá dễ, người nằm trên cùng là em út (tức ông Ngoại tôi, Phan Nhạn), người nằm giữa là anh cả (tức Ông Phan Nhâm) và người nằm dưới cùng là người em giữa (tức Ông Phan Cầu). Sau đó “Anh Ba” có hướng dẫn thêm một vài thủ tục cúng bái để bốc mộ. Cũng như Anh Nhã, “Anh Ba” không nhận tiền thù lao.


Vị trí xã Điện Hồng, huyện Điện Bàn so với xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên nằm hai bên nhánh sông Thu Bồn
cách khoảng 30 km đường bộ, nhưng từ nhà đến ngôi mộ chỉ cách 7km đường chim bay hoặc đường sông

Cha con anh Cường tức tốc từ Sài Gòn về Quảng Nam đi thực địa. Anh Cường cũng không rõ vì sao phải tìm qua 3 người. Và 3 người “có liên quan” cũng vô cùng ngạc nhiên tại sao có người lạ chỉ đích danh tên mình trong câu chuyện này. Những cuộc gặp diễn ra như đã có một sự sắp xếp nào. Sau khi được Ông Cư đưa đến nhà Ông Thu, Anh Cường sững sờ khi bước ra vườn chuối cách sông Thu Bồn chỉ vài chục mét và lạnh người đứng trước ngôi mộ cũ đã nứt ra làm đôi đúng y như mô tả của “Anh Ba”. Đến đây thì niềm tin là tuyệt đối. Lúc đầu gia đình dự định bốc mộ vào cuối năm 2011, sau lại bàn bạc dời lại vào rằm tháng ba năm 2012, nhưng cuối cùng quyết định tiến hành vào ngày Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương 10/3 (Sau này việc đã hoàn thành mới thấy kể cả câu chuyện chọn ngày cũng rất có duyên vì nó liên quan đến một người sẽ xuất hiện vào ngày 10/3).

Tuy nhiên gần đến ngày đã định thì có vài chuyện xảy ra, vì ông chủ vườn chuối thay đổi ý kiến không đồng tình cho gia đình tôi phá dỡ ngôi mộ đã xây này. Ông cho biết Cụ nằm dưới mộ có tên là Dương Đá, ngôi mộ được xây cách đây mười mấy năm từ một ụ đất đã có sẵn từ lâu, người xây mộ này là cụ Sĩ, con rể của Cụ Dương Đá đã già và hiện ở Đức Trọng, Lâm Đồng. Gia đình cần phải xin ý kiến người này. Chúng tôi liền đi từ Sài Gòn lên Lâm Đồng để tìm nhà Cụ Sĩ. Được biết Cụ Sĩ năm nay đã 96 tuổi và đang hấp hối nằm viện Đức Trọng, chúng tôi đến vừa lúc người con trai của Cụ chuẩn bị đến bệnh viện chăm sóc Cụ. Sau khi trình bày nguyện vọng thiết tha của gia đình, và cũng nhờ anh ruột của tôi là một tu sĩ Phật giáo có tiếng tại Đức Trọng ngỏ lời, chính tôi thảo một thư thỉnh cầu rất thấu tình đạt lý, con trai Cụ Sĩ đã hoan hỉ xin phép đến thưa chuyện Cụ Sĩ tại bệnh viện và được Cụ Sĩ ủy quyền ký giấy tờ đồng ý cho chúng tôi bốc mộ. Chúng tôi cam kết sẽ đền bù xây lại mộ cho Cụ Dương Đá dù việc bốc mộ có thành hay không. Chuyện thật vạn bất đắc dĩ!

Ngày tiến hành đã đến với những khâu chuẩn bị vô cùng chu đáo cứ như chắc chắn đến ngày đó giờ đó là bốc được mộ ba ông. Chúng tôi dựng rạp, thỉnh Chư Tăng thiết lễ cầu siêu, chuẩn bị cả 3 chiếc quách, khăn tang cho con cháu trực hệ, xe cộ đưa rước thật vô cùng trang trọng.

Đúng 5 giờ sáng toàn thể dòng họ bên ngoại chúng tôi đã có mặt tại vườn chuối thuộc thôn 3, xã Điện Hồng, Điện Bàn bên bờ sông Thu Bồn. Ai cũng hồi hộp đứng quanh ngôi mộ cũ. Sau các nghi lễ cúng bái theo nghi thức Phật giáo và theo sự hướng dẫn của “Anh Ba”, những người đào mộ tiến hành công việc. Theo dự định thì 8 giờ hoàn tất việc bốc mộ và đưa về Duy Xuyên để làm lễ phục tang, nhưng thời gian trôi qua nhanh, hố đã được đào sâu tới 2 mét mà vẫn không có dấu tích nào. Chúng tôi cứ hi vọng rằng ngôi mộ bị bồi lấp vì lũ lụt sông Thu Bồn tràn vào hàng năm do quá gần sông nên có thể sẽ nằm sâu hoặc dịch chuyển đôi chút so với ngôi mộ đã xây. Nhưng với mọi nỗ lực và kinh nghiệm của những người bốc mộ chuyên nghiệp, chúng tôi vẫn không thấy dấu cốt. Tôi đề nghị từng lớp cháu nội ngoại của ba ông lần lượt xuống đào thử xem…có “linh nghiệm” như Anh Thành đã từng tìm mộ bà Ngoại tôi không. Tôi còn đề nghị các Dì các Cậu của tôi lần lượt rời khỏi khu vực đó xem có bị … không hợp mạng gì đó không! Tất cả đều vô vọng. Trong khi đó Anh Cường gọi điện về Sài Gòn cho “Anh Ba” thì không thể liên lạc được! Dân làng bàn ra tán vào, họ chỉ rõ cho chúng tôi dấu tích đồn của Tây đóng ngày xưa bên sông. Nhìn những con thuyền qua lại và mườn tượng những gì đã được nghe kể, hình dung cảnh vật xung quanh, tôi vẫn có niềm tin mãnh liệt rằng các ông tôi đang nằm đâu đó quanh đây.


Ngôi mộ nằm ở vị trí ngôi sao trên bản đồ, cách bờ sông Thu Bồn khoảng vài chục mét
thuộc thôn 3 xã Điện Hồng, huyện Điện Bàn, Quảng Nam (Ảnh chụp từ Googlemaps.com)

Trong khi làm việc, những người đào mộ cho biết ở gần đây có Anh Dũng là người có khả năng chỉ chính xác hài cốt nằm ở vị trí nào. Lúc đầu cũng do dự vì như vậy là mình rẽ sang một hướng khác so với hướng dẫn của “Anh Ba”, nhưng khi đã không còn hi vọng thì chúng tôi quyết định tìm tới Anh Dũng.

Hôm ấy là 10/3 âm lịch, các dòng họ trong làng cúng tộc dịp Thanh Minh nên thật may mắn Anh Dũng ở nhà, thông thường anh đi khắp nơi giúp người ta tìm mộ quanh năm suốt tháng. “Anh Ba” không hề nói về người trợ giúp này như Anh Nhã đã từng bảo chúng tôi sẽ “có người” (là những con bướm) giúp đỡ khi tìm mộ Bà Ngoài vào năm 2000 như kể trên. Sau này xâu chuỗi mọi sự kiện lại chúng tôi có suy nghĩ hình như đây là việc đã sắp xếp, việc “Anh Ba” chỉ tới đó thôi, còn lại dành cho “thổ địa” nhưng…thiên cơ bất khả lậu!

Anh Dũng xuất hiện với dụng cụ là “chiếc kim” bằng kẽm trên tay. Không hỏi han gì nhiều, anh thắp nhang cúng vái và bắt đầu việc tìm kiếm. Một tay anh cầm chiếc kim và một tay hướng xuống hố đào như đang “trì chú”. Chỉ một lúc anh nói ngay “dưới hố này không có cốt nào đâu nghe!”.

Cả gia tộc mấy mươi người không giấu được nỗi lo lắng, nhưng chỉ biết lặng yên nhìn theo từng cử chỉ của Anh Dũng. Nếu không tìm được thì mọi sự chuẩn bị thật dở khóc dở cười, nhất là Chư Tăng đang đợi cử hành Lễ phục tang ở gia đường. Và nếu tìm được nhưng chỉ có một bộ hài cốt thì cũng tiến thoái lưỡng nan! Anh Dũng bắt đầu đi quanh vườn chuối với một tay cầm chiếc kim và một tay “dò đường”. Lúc đầu đi quanh khắp vườn, rồi bán kính nhỏ lại dần, nhỏ lại dần, rồi anh lại tiến về cây chuối nằm ngay mép hố vừa đào, rồi anh nhảy xuống hố, một tay cầm kim, một tay mân mê như đo đạc từng lớp đất. Cuối cùng anh tuyên bố một câu làm ai cũng thở phào: “Có 3 cốt nằm chỗ này!”. Rồi anh chỉ đạo cho mọi người đào rộng ra, sâu đến vị trí anh đánh dấu dưới hố đào cũ thì dừng lại chờ anh, anh về cúng giỗ tộc xong sẽ quay lại trực tiếp bốc mộ vì mộ này khó bốc. Anh còn dặn dò cây chuối sát hố đào không liên quan, không việc gì phải phá bỏ nó vì nó đang có mầm sống!


Nhà ngoại cảm đang dùng một chiếc kim hình chữ L dò tìm vị trí có cốt (Ảnh chụp lại từ video).

Anh em trong dòng tộc thay nhau đào, trong lòng hân hoan khấp khởi. Sau đó gia tộc sắp xếp khoảng 10 người ở lại làm việc, còn lại trở về nhà làm lễ cầu siêu, dù thời gian phải thay đổi so với kế hoạch ban đầu.
Khoảng một tiếng đồng hồ sau Anh Dũng quay lại và bắt đầu công việc. Anh tỉ mỉ dùng chiếc bay thợ hồ gạt từng lớp đất mỏng. Rồi chỉ đạo cho những người thợ đào tiếp, rồi lại dừng đo đạc như những người khảo cổ. Cứ như vậy, hình hài của 3 thân người dần lộ ra, dáng thẳng, dáng cong, người nằm ngược, người nằm xuôi gợi cho anh em chúng tôi bao niềm cảm động thương xót. Sáu mươi lăm năm bị chôn vùi dưới lớp đất này không cỗ quan tài, không một nén nhang, thậm chí không được những kẻ giết người xếp cho ngay ngắn. Thời gian và nước lụt đã làm hủy hoại gần hết thân thể của 3 ông, chỉ còn lại một vài bợn xương trắng, nhưng dấu đất dưới hố đào giữa phần có cốt và phần đất xung quanh khác nhau rõ nét, thể hiện rõ rệt 3 dáng người. Anh Dũng lấy từng chi tiết nhỏ nhất và phân biệt phần thân của người này nằm chồng lên phần thân của người kia. Đặc biệt anh tỉ mỉ dùng chiếc kim phân biệt phần đất nào là của ai, ai là anh, ai là em. Ví dụ bốc một nắm đất anh hỏi phải người này không, nếu không thì chiếc kim quay đi, nếu phải thì chiếc kim quay qua quay lại. Ông Ngoại tôi có một phần thân gác trên chân của người anh giữa nên Anh Dũng rất cẩn thận khi lấy cốt ở chỗ này, nhìn anh làm việc không khác gì nhà khảo cổ chuyên nghiệp. Sau này so lại với lời của “Anh Ba” thì thứ tự trên dưới ba người đúng như lời anh nói. Nhưng do 3 cốt nằm gần như song song, ngược đầu nhau hình chữ ngũ và người này chỉ gối một phần lên người kia nên khi bốc lên thì theo thứ tự anh cả, rồi đến anh giữa, rồi mới tới ông Ngoại tôi, như một sự sắp đặt vô tình. Cứ vậy, từng chiếc quách được chính con cháu của ba ông đưa lên, đến 1-2 giờ trưa thì mọi việc hoàn thành.


Nhà ngoại cảm gạt từng lớp đất mỏng, có thể thấy thân người dần dần hiện ra rất rõ nét dù đã chôn 65 năm

trong môi trường ven sông có lũ lụt hàng năm (Ảnh chụp lại từ video)

Trước khi ra về chúng tôi hỏi anh Dũng, vậy mộ của Cụ Dương Đá nằm đâu. Anh Dũng nói ngay “À, người ta xây nhầm, mộ của Cụ nằm ở gò đằng kia”. Theo ông chủ vườn chuối, trong vườn có vài ụ đất đã ở đó mấy mươi năm nay, gia đình làm vườn cứ vun vén lên để đó, không rõ phải là mồ mả hay không. Mười mấy năm trước Cụ Sĩ về xây mộ cho bố vợ mình là Cụ Dương Đá trên một ụ đất như vậy. Đến đây thì đã rõ, hóa ra dưới nấm mộ được xây cho Cụ Dương Đá lại không có bộ hài cốt nào, còn 3 ông của tôi thì nằm lệch sang một bên so với chỉ dẫn tìm mộ của “Anh Ba”, giống như bà Ngoại tôi nằm lệch sang một bên so với chỉ dẫn tìm mộ của Anh Nhã, lại thêm một sự trùng hợp ngẫu nhiên thú vị.

Cảm tạ đất trời, cảm tạ bà con trong xóm, chúng tôi đưa 3 ông trở về cố hương Duy Xuyên cách đó khoảng 30 cây số đường bộ và cử hành Lễ cải táng đầm ấm trong tình máu mủ ruột rà. Theo đường chim bay thì ngôi mộ cách nền nhà ông Cố tôi ngày xưa chỉ khoảng vài cây số. Chỉ cách hai bờ Duy Xuyên, Điện Bàn vậy mà biền biệt mấy mươi năm trời! Thật là “Ngày trở về mầu nhiệm” – như tên cuốn phim mà chúng tôi đã thực hiện để lưu lại kỷ niệm đặc biệt này.

***

Cảm ơn bạn đã kiên nhẫn đọc cùng tôi đến đây. Với những ai có tín ngưỡng thì những câu chuyện này không khó tin, nhưng với không ít người vẫn có nhiều hoài nghi, họ đặt ra vô vàn câu hỏi, thậm chí còn phỉ báng những nhà ngoại cảm. Những câu hỏi thường gặp nhất là cơ sở khoa học nào để chứng minh các hài cốt đó là của ông bà? Không xét nghiệm ADN làm sao biết chắc cốt đó là của ai? Có phải các nhà ngoại cảm lừa đảo? Những câu chuyện này có phải là mê tín dị đoan? v.v…

Trước hết, xin khẳng định ngay ba nhà ngoại cảm là Anh Nhã, “Anh Ba” và Anh Dũng không làm việc vì tiền bạc và họ không có động cơ nào để lừa đảo chúng tôi. Trong cả ba trường hợp chúng tôi chỉ có thể dùng lễ rất khiêm tốn để cảm tạ các anh sau khi sự việc đã viên thành. Xin đừng mở lời vô cảm và bất nhẫn với những người làm việc thiện chân chính khi bạn chưa tiếp xúc với họ. Đương nhiên lĩnh vực nào cũng có những kẻ xấu lợi dụng để trục lợi, lừa đảo, chuyện đó thì có gì phải bàn ở đây. Hai người ở Sài Gòn nói về cảnh vật, nói về con người ở những nơi hẻo lánh tận Quảng Nam, nơi chúng tôi tin là họ chưa bao giờ đặt chân đến. Những lời hướng dẫn của họ đầy tính nhân văn, dù chưa biết việc có thành hay không thành. Sau này tôi có liên hệ lại Anh Nhã để nhờ tìm mộ Chú ruột của tôi là liệt sĩ hi sinh tại chiến trường Đông Nam Bộ nhưng anh từ chối vì cho biết hiện nay việc làm này là không cần thiết nữa, các liệt sĩ “đã về nhà”. Hơn nữa anh từng nói khả năng của anh là có hạn trong một số năm nào đó thôi.

Thứ hai, rất quan trọng, nếu không có những hướng dẫn đầy huyền bí và trùng khớp tới mức kinh ngạc đó, chúng tôi không biết phải đào ở đâu giữa mặt đất bao la này để tìm thấy xương cốt con người, để giờ này ngồi bàn luận chuyện có hay không, đúng hay sai!

Thứ ba, cần xét nghiệm ADN không? Xin trả lời là không. Vì đơn giản là…để làm gì! Chúng tôi đã TIN mình đã tìm đến với ông bà bằng tất cả lòng hiếu thảo và ông bà đã trở về với chúng tôi bằng tất cả sự mầu nhiệm thì nuôi sự hoài nghi để làm gì! 50-60 năm nắm xương vùi ngoài đồng nội không tên so với bây giờ nằm trong gò mã này thật ra không có gì khác, chỉ có sự hạnh phúc và sự an ủi cho những người đang sống là đổi khác. Cát bụi trở về cát bụi, xương cốt thấy đó nhưng rồi cũng sẽ hủy hoại theo thời gian, chỉ có đạo tâm của con người là còn mãi trong đời và được truyền trao cho các thế hệ mai sau. Có người chỉ cần bốc một nắm đất ở nơi nào đó họ cho rằng đã quyện xương máu của người thân để về thờ phụng đã là một việc đáng trân trọng, huống hồ chúng tôi đã đem cả tâm thành của con cháu gửi vào những nắm xương nắm đất vô giác vô tri nhưng có thật nằm hoang lạnh giữa trời? Không phải chuyện phân biệt rạch ròi đúng sai theo cái nhìn lý tính lúc nào cũng cần trong đời sống của chúng ta.

Vậy nên lời khẳng định của tôi về hiện tượng ngoại cảm sau những câu chuyện này không phải là có hay không có, đúng hay sai mà là nó đã diễn ra như thế nào để trở thành một phương tiện đem lại sự mầu nhiệm và đáp lại tâm nguyện hướng về các đấng sinh thành của chúng tôi – những thứ làm nên chất liệu cho một đời đáng sống.

Mỗi chúng ta chỉ là hạt bụi nhỏ trong vũ trụ bao la, mấy mươi năm nghe thì cả một đời người nhưng cũng chỉ như một cái nháy mắt trong dòng đời miên viễn. Vì vậy sự gặp nhau giữa chúng ta với chúng ta, giữa chúng ta với tiền nhân quả thực là một ĐẠI NHÂN DUYÊN vượt ra ngoài những thước đo lý tính hạn hữu. Sự gặp nhau đó chỉ dành cho ai có niềm tin sâu vào ĐẠI NHÂN DUYÊN mà tạm bỏ qua những câu hỏi hoặc không cần thiết hoặc không có đủ thời gian để trả lời trong một kiếp người hạn hữu này.

Xin cảm tạ mười phương.

Viết để kỷ niệm 16 năm ngày tìm mộ Bà Ngoại
và 4 năm ngày tìm mộ Ông Ngoại
Sài Gòn, tháng tư 2016
Nguyên Trường


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: