Tiếng Chuông

In

Nguyễn Quang Vinh

Đêm ở đâu, nếu ta biết đợi, nếu ta lắng tâm, thế nào cũng nghe vòng vọng những tiếng chuông chùa.

Tiếng chuông chùa ngân rất xa, ngân rất trong, không phải là ngân trong không gian, nó ngân trong lòng mình, trong tâm mình, nhẹ lắm mà rung động lắm, mỏng manh lắm mà uy lực lắm, vì ta có thể tựa đời mình vào tiếng chuông ngân, để tự cứu rỗi, để tự an ủi, để tự tĩnh tại, để thêm cho mình sức mạnh mới về tinh thần, để cháy khát ngọn lửa của sự thanh tao....

Không có sự thong dong nào hơn thế, như từng nhịp từng nhịp của tiếng chuông chùa trong đêm tĩnh lặng, nó vang lên, từng nhịp, đều đặn như thế, ngân nga như thế, chao liệng trong không gian như một lời ru, như cái lay nhẹ trong vô thức, an ủi phận người, thức tỉnh tâm can, bao bọc và vuốt ve tâm thế, cứ thả mình trôi đi trong tiếng chuông, bạn sẽ thấy cuộc đời rất nhẹ, cuộc đời rất trong, cuộc đời rất đẹp đẽ và ấm áp....

Từ ngàn xưa, cái gốc tích đầu tiên nhà Phật làm nên đại hồng chung là để gửi cho đời tiếng chuông, là để cảnh báo, là để nhắc nhở, là để bao dung, là để níu giữ phần hồn trong trẽo của phận người, xô đẩy thật xa cái ác, kéo lại thật gần điều thiện, chỉ có điều thiện thôi là mãi mãi nhẹ, nhẹ như chính tiếng chuông ngân giữa trời, giữa đất...

Chỉ cần một lần, trong đêm,bạn kiên nhẫn đợi một tiếng chuông chùa, đợi và đếm, đợi và đếm, và thụ hưởng âm thanh cao cả, thánh thiện, tao nhã, lay động của tiếng chuông, chắc chắn lúc đó, trong bạn đầy ắp điều thiện, đầy ắp cảm khái về cuộc sống, đầy ắp tình thương yêu con người, nội lực trở nên mạnh mẽ, tâm thế trở nên vững vàng, trí tuệ trở nên thông mẫn.

Tôi không là phật tử.

Nhưng tôi yêu tiếng chuông chùa nhà Phật.

Tiếng chuông chùa là cốt cách, là tận cùng cao cả của thiền.

Boong....boong....oong....


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: