Yên Lặng Mà Biết

In

Hàn Mặc Cùng

Có lúc nào bạn ở trong trạng thái thật yên, thật lặng và thấy mình hạnh phúc như đang nhấp một tách trà chậm rãi mà vẫn biết rằng nắng vàng vẫn đọng ngoài sân, chim khuyên lên tiếng hót ríu rít gọi nhau trên những tán cây trong buổi trưa hè im bóng?

Nâng tách trà trên tay, tôi bỗng nhớ đến dòng chữ của người bạn mới quen đã làm tôi suy nghĩ nhiều và như được tiếp thêm năng lượng: “ Đi chầm chậm, để chữ nghĩa thấm vô da thịt, rồi vô xương tủy, rồi vô tim, đừng vội vàng, học từ từ không sao cả, tuổi bạn còn quá trẻ, bạn có một chặng đường dài để đi. Cứ tu và ráng học hết lòng, tự nhiên giỏi lúc nào không hay”. Sao người bạn ấy có cái nhìn sắc bén thế, biết tôi hay nôn nóng nên thường khuyên như vậy. Mỗi lần khuyên tôi là mỗi lần người ấy cười. Nghĩ cũng lạ và vui. Sao trên đời có nhiều người vui tính và dễ thương đến lạ lùng thế. Rất hồn nhiên và tươi sáng như hoa trong nắng sớm. Người bạn tôi nói tiếp “Đừng dùng cái thức nhiều quá mà làm nhọc thân và tâm. Cứ yên lặng mà biết. Đó là cách học của người xưa vầy, học để thưởng thức, cái hay cái đẹp của nó. Vui với sự học như là người bạn tri kỷ. Học thì quên không gian và thời gian đi để đầu óc được thoải mái thanh thản, nhẹ nhàng. Đừng bận tâm và mắc kẹt vào nó mà bị trì trệ việc học."

Để hiểu cái biết như là cái biết không thời gian và cái biết của trí phân biệt mà ta thường gọi là thức, tôi thiết nghĩ không gì hơn là ví dụ về con rùa, con thỏ. Con thỏ chạy nhanh, chắc chắn là hơn con rùa chậm chạp. Vì do nôn nóng về đến đích trước nên con thỏ chạy thật nhanh, do đó nó mệt và hay nghỉ. Còn con rùa thì cứ thong thả nhích cái thân chậm chạp, siêng năng, không lo tính vì thế nó không mệt và không nghỉ giữa đường. Nhờ đó, rùa đến đích trước. Nghịch lý này thật ra chẳng có gì khó hiểu. Cái thức luôn hoạt động ở bề mặt suy tư hết đối tượng này sang đối tượng khác - cái vọng động của con khỉ chuyền cành- nên nó tiêu hao nhiều năng lượng như con thỏ chạy nhanh thì mau mệt. Cái biết không phân biệt là sự dừng lại của tâm thức tìm kiếm để an trú vào những gì đang trôi chảy trong thực tại – không vướng mắc toan tính hơn thua – vì ở trong trạng thái tĩnh mà sáng suốt nên nó thông minh mà lặng lẽ, nó hoạt dụng mà uyên thâm. Ví con rùa cứ thong thả mà đi, đi không vướng bận vào thời không nên nó vững chãi và vô uý.

Thâm ý này giúp ta hiểu thêm lời dạy của Phật trong bài kinh Niệm ở Trung A hàm. Phật đã trải qua giai đoạn này và dạy rằng: tuy tâm có thiện pháp nhưng chưa định tĩnh thì không phát triển được tuệ giác như sóng gợn trên mặt hồ nên không thấy được bóng trăng trung thực. Ví dụ, ham học Pháp dễ sinh sở tri chướng, ham ngồi thiền sinh ra chấp tịnh…. Lấy cái bình tâm, bình thản trầm tư để nhìn, để thấy biết, không cho cái thức chia chẻ phân biệt hoạt động nhiều thì tâm sẽ trở về cái biết uyên nguyên chính nó.

Tôi không biết thật có một thiên đường hạnh phúc xa rời trần thế khổ đau này hay không, nhưng tôi tin rằng, nếu bạn trở về nguồn sinh lực yên lặng mà biết này, tâm hồn của bạn sẽ được nuôi dưỡng và thăng hoa. Nếu bạn học như bạn chơi bóng chuyền hay tập yoga… đừng hỏi để làm gì hay lúc nào mới thành công… Học mà chơi là một cách để cho cái biết nó tự làm việc âm thầm tưới hạt giống ý tưởng đã được thai nghén mà không ép buộc nó khai hoa đơm nhuỵ. Sự sáng tạo như hoa trái của một tiến trình làm việc bắt đầu từ thái độ thong thả và kiên nhẫn học, như sự hoạt động của bốn mùa, đông qua thì tự nhiên xuân đến.

Yên lặng mà biết là sự trầm tĩnh sáng suốt như một nguồn sinh lực dồi dào của cuộc sống, là tiềm năng của sự sáng tạo làm bạn thăng hoa và nuôi dưỡng tâm hồn. Nó làm bạn biết nâng niu cõi thế đầy khổ đau như chất liệu của sự thoát ly cái tôi tầm thường để hoà vào dòng chảy sinh động không khái niệm, không tên tuổi của thực tại.

Đất trời hôm nay thật yên tĩnh và sáng ngời đến lạ lùng. Bạn và tôi hãy cùng dạo chơi với Yên Lặng mà Biết để cảm nhận cánh cửa bất tử mở ra trên từng bước chân đi.


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: