Đường Về

In

Nguyên Trường

BBT: Nguyên Trường là pháp danh của anh Trần Phước Lĩnh, một Phật tử thuần thành của Vĩnh Minh Tự Viện. Anh đã từng có những năm tháng tuổi thơ gắn bó với những mùa hè tại bổn tự, phải chăng những chất liệu được ươm mầm từ chùa viện ngày xưa đã hình thành tính cách của anh sau này hay không mà Nguyên Trường trở nên rất chuẩn mực trong lối sống, điềm đạm, hiếu học và hết sức năng động. Sau mười năm làm giáo viên ở Di Linh, anh được chương trình Ford Foundation tài trợ du học tại Hawaii, Mỹ quốc. Sau khi đỗ thạc sĩ ngành giáo dục, anh trở về dạy các Đại học ở Sài gòn. Cứ ngỡ con đường tiến thân sẽ kéo anh xa dần chùa chiền, không ngờ hôm nay nhận được bài viết của anh gửi riêng cho trang nhà vinhminh.net. Xin trân trọng giới thiệu cùng độc giả bài tùy bút khá dễ thương này.

Tôi về lại làng chùa trên chuyến xe khuya. Tỉnh giấc sau một hành trình dài, tôi thả bộ trên con đường cô thôn đã quá đỗi thân quen từ những ngày thơ ấu còn lủm chủm theo Mẹ lên chùa.

Ba bốn giờ sáng. Cô thôn mơ màng trong thanh âm miền Cực lạc. Tiếng bước chân của mình gõ đều trên lối về hun hút. Tiếng mõ công phu khuya vang ra từ những tịnh thất dọc đường thôn. Tiếng chuông trầm ngân trong tiếng tụng kinh trong veo của Ni, của điệu. Xa hơn, tiếng đại hồng chung vang vọng đánh thức giun dế thức giấc để nỉ non cùng lời kinh tiếng kệ tạo nên một bản giao hưởng hùng tráng bên đôi bờ Đại Ninh trầm mặc.

Cổ thụ vẫn còn nguyên dáng dấp huyền bí của thần linh. Lối cũ đường xưa nép mình dưới cỏ cây đã lên màu cổ tích. Trăng chênh chếch cuối trời. Những mái chùa vút cong bao ngày tháng hanh hao. Những tuổi đời đã qua quen lên xe xuống ngựa, có những phút giây thanh tân chạm từng bước chân vào cố xứ thân quen, lòng dâng lên bao niềm hoài cảm.

Phú An ơi,
Mơ về đàn con bé chơi
Câu kinh A Di nhiệm mầu
Xoa bao vết thương trần thế …

Tôi ngân nga không thành tiếng lời ca của ai, những âm vang và sắc màu tuổi thơ chập chờn phía trước như có thể đưa tay là cầm nắm được.
Hồi nhỏ, mỗi lần theo Mẹ qua khỏi con suối này là tôi như chú nai con đã quen đường về không cần mẹ nữa, vụt chạy lên phía trước để sau đó được Thầy khen là giỏi biết đường biết lối. Bây giờ tôi lại muốn đi thật chậm, không biết để chờ ai, hay tôi đang chờ ký ức những năm tháng lớn lên trong hương thiền tịnh xứ ùa về làm lòng tôi nhẹ tênh sau bao thành bại của cuộc đời.

Mùa hè của trẻ con thường là hái hoa bắt bướm, là đá dế thả diều. Mùa hè của tôi là những buổi sớm tinh sương xuống vườn quét lá, những thời cơm chánh niệm với tương muối dưa cà, những buổi chiều ngồi len lén sau liêu đất nghe Thầy dạy học hay thỏa mình leo trèo hái trái vườn sau. Trước năm Mẹ tôi nhắm mắt, cứ hè về là tôi được lên chùa mấy tháng trời để không lao đầu vào những trò ngỗ nghịch của trẻ con và (nghe anh tôi nói lại) để…bớt đi một khẩu phần ăn của gia đình nheo nhóc trong mấy tháng mưa dầm. Vườn chùa vẫn còn đây. Dù thời gian có làm xê dịch mọi thứ thì tiếng chuông trầm trên đồi cao vẫn dẫn lối những ai đi xa về cố xứ. Tôi thầm biết ơn những năm tháng tuổi thơ ở chùa đã nuôi dưỡng tâm hồn tôi lớn lên trong tiếng quét lá xào xạc cuối vườn.

Tôi cũng không nhớ rõ mình đã ra đi tự bao giờ. Với tôi, “ra đi” có nghĩa là xa những ngày hiền hòa trong nếp sống ở chùa mà ở đó mình như chú điệu rành rọt từng người, từng việc. Sau này, mỗi lần về chùa tôi như người khách lạ, đi đi lại lại ngắm những gian phòng mới, những bậc thềm mới. Có một lần lên chùa trước khi Thầy nhập thất vĩnh viễn, Thầy bất ngờ cho gọi tôi và em gái vào ăn cơm chiều cùng với Thầy, Thầy đãi món “ram Vĩnh Minh”. Đó có lẽ là một ân huệ quá lớn lao mà tôi không nghĩ một cậu bé cư sĩ lóc chóc ngày nào có thể có được. Tôi biết mình đã lớn. Trong suốt bữa cơm, Thầy say sưa giảng cho anh em chúng tôi bài ca dao mà tôi đã thuộc lòng:

Đêm qua ra đứng bờ ao,
Trông cá cá lặn, trông sao sao mờ.
Buồn trông con nhện giăng tơ
Nhện ơi, nhện hỡi nhện chờ mối ai?
Buồn trông chênh chếch sao Mai
Sao ơi, sao hỡi nhớ ai sao mờ?

Những kinh nghiệm phân tích văn học của tôi trở nên ngớ ngẩn trước bài giảng của Thầy. Lời thiền và bao điển tích Phật giáo trong bài ca dao theo giọng trầm bổng của Thầy tuôn trào trước sự ngỡ ngàng của mấy anh em mang tiếng “dân văn chương” đã từng đỗ đạt và lên lớp cho học trò bao thế hệ… Mới đó mà đã mười mấy năm trời…

Trong không gian và thời gian thấm đẫm màu kỷ niệm, tôi thầm ước ao những gốc cây này, con đường này, bậc thềm này sẽ không bao giờ bị cày xới lên bởi những máy móc ngoài kia. Có lẽ Phú An không cần những hội hè đình đám, những lễ lộc tưng bừng trong cuộc canh tân Phật giáo. Có lẽ những thời tụng kinh không cần dùng loa phóng thanh hay đèn điện nhấp nháy. Âm thanh chân thật sẽ khiến người ta phải lắng nghe, không chỉ lắng nghe lời kinh mà còn lắng nghe tiếng bước chân tìm về cõi tịnh. Có người nói những hội hè đình đám, những lễ lộc tưng bừng làm cho người ta có thể đo được sự lắng đọng của những trưa bình yên hay những đêm thanh vắng riêng của Phú An sau đó khi mà khách thập phương đã đi rồi. Vậy cũng đúng. Nhưng dù sao tôi vẫn thích cái lặng của nơi này hơn, cái lặng nhưng không thiếu sự rộn ràng của âm thanh. Cái lặng của một bản giao hưởng cổ điển có thể chữa lành bệnh tật. Tôi mơ những nẻo đường quanh đây không bao giờ mọc lên nhà cửa. Tôi muốn người ta mãi chừa ra một góc này giữa mặt đất bao la để bản thiền ca ngân nga đồng vọng … Mà thôi kệ. Mơ màng chi. You can’t go home again. Không ai có thể về chốn xưa. Biết rứa. Chỉ mơ màng cho vui thôi.

Đường về. Hai mươi phút đồng hồ “thiền hành” để nghe quá khứ và vị lai chập chờn trong tiếng Nam mô. Lòng nhẹ tênh như chưa từng ra đi, như chưa từng trải qua những vinh quang và mất mát. Mai sau, dòng Đại Ninh có cạn dòng cũng chẳng sao. Nó đã từng chảy vào lòng ai những ngọt ngào đủ để nuôi nấng cả một đời rong ruổi. Tôi chợt nhớ lời kinh:

Quá khứ không truy tìm
Tương lai không ước vọng
Quá khứ đã đoạn tận
Tương lai lại chưa đến
Chỉ có pháp hiện tại
Tuệ quán chính là đây…

Ừ, ngay ở đây và bây giờ, tôi được sống những khoảnh khắc bình an nhất. Mai mốt, mỗi lần về làng chùa tôi sẽ sắp xếp đi những chuyến xe khuya, để lại được một mình thiền hành trên con đường hun hút, để nghe tiếng bước chân mình gõ nhịp theo từng hơi thở lắng sâu của phút giây hiện hữu, để cùng giun dế ngân nga khúc giao hưởng nhiệm mầu với nhịp mõ sớm chuông khuya. Đó chắc hẳn không chỉ là con đường dẫn về miền ký ức…

Vĩnh Minh, 27.4 Quý Tỵ


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: