Bình Yên

In

Khiết Phong

Trong vô số những điều người đời cần đến nhất, thiết nghĩ không gì quí  hơn sự bình an, hai chữ bằng- yên là đỉnh cao của niềm hạnh phúc, niềm vui và   sự hỷ lạc cũng được gói gém cẩn mật trong hai chữ này. Tôi rất ưa thích chúc những người bạn của tôi có “thật nhiều bình an” lúc chúng tôi sắp nói lời chia tay, những lúc một ai đó cần an ủi hay những lúc tự tìm đường trở về, về ngồi lại với chính mình với thật nhiều sự yên lắng trong lòng, ấy chính là nguồn thức ăn chính trong công trình xây dựng nghìn đời của bản thân tôi.

Xây dựng, giữ gìn, hun đúc công trình ấy cho bạn và cho tôi.

Nguồn thức ăn đó không đến từ bên ngoài cũng chẳng đến từ bên trong, không bắt nguồn từ đâu cả, bạn khỏi phải tìm kiếm làm gì cho nhọc công, nghĩa là ta chẳng thể tìm được dấu vết kia khi chưa một lần nhận chân được hình dạng. Làm sao bạn biết được rằng tôi đẹp hay xấu, phàm tục hay thần tiên, dễ chịu hay khó chịu, dễ gần hay khó gần khi chưa một lần trực tiếp đối mặt, cho dù có đoán già đoán non cũng không bao giờ là hiện thực được. Cũng vậy, niềm vui hay hạnh phúc không chỉ nên nhận thức trên bề mặt ý niệm, vì ý niệm chỉ là cái bóng của sự thật và cũng là mặt khác của sự suy tưởng, mà tưởng thì chín mươi chín phần trăm là không thật và không lành. Đừng tưởng đôi khi niềm hạnh phúc tương đối mỏng manh kia chợt tràn về đôi ba phút rồi tưởng, rồi cuồng điên, rồi thốt lên “đã quá” hay “sung sướng quá”, ta bắt được nhà ngươi rồi, rồi đi sắm một cái rương thật lớn thật tốt đem về nhốt cái đã quá, cái sung sướng quá đó lại, rồi đợi đến khi cần thì mở ra xem. Ngay cả đến loài “ngu mông” hạng nhứt cũng dư biết rằng điều này quả thật bất năng, thật bất khả.

Nên nguồn thức ăn mà tôi đã nói kia chúng không từ đâu mà đến cả, nó nằm ngay trước mặt bạn đó, nó đang nằm trong cái mớ bòng bong của bạn đó, nó không mùi vị không hình dạng nhất định khi thế này lúc thế kia nên có biết bao người đang cố công đi tìm mà mấy ai đã thực sự thành công.

Thi thoảng chúng ta hay nói một cách vô tư rằng “tôi đang thật sự hạnh phúc”. Chữ “đang” này cũng hờ hững lắm, nó có mặt được là nhờ sự xảy ra liên tục của rất nhiều sát-na “khanas” hay khoảnh khắc, mà trong mỗi cái nháy mắt ấy lại có vô số giòng tâm “vithi” hay “cognitive- series” liên tục sanh-diệt, có thể ước đoán trên cả hàng ngàn tỉ lần mà toán học hiện đại vẫn chưa thể đếm chính xác được. Căn cứ theo luận tâm học (A-tỳ-đàm) thì các giòng tâm sanh khởi và diệt đi xảy ra liên tục và rất nhanh trong mỗi chúng ta, có trên một ngàn tỉ lần trong một nháy mắt và trong một giây có khoảng hai trăm năm mươi cái nháy mắt, vì thế cho nên đời sống của một giòng tâm ít hơn một phần ngàn tỉ giây.

Thế thì trong vô số giòng tâm tuôn chảy nối tiếp nhau liên tục kia làm gì chỉ có một màu mang tên “hạnh phúc” được chứ? Nên câu nói của những con người phàm tục “trọn đời tôi là một chuỗi thời gian chỉ đang xen nhau bằng niềm hạnh phúc”, rõ ràng không thực tế tí nào. Trong lúc bạn thốt lên câu nói ấy thì đã có biết bao giòng tâm khác liên tục đua nhau xảy đến, chúng tự sinh ra rồi biến đi, cho nên niềm vui hay niềm hỷ lạc hạnh phúc của chúng ta thật không thường, biến chuyển mỏng manh. Trừ khi bạn đã là một bậc thần tiên, một đấng thiêng liêng hay một người tuyệt đối hoàn hảo, bạn có đủ khả năng tự chế tác, tự nấu nướng, tự chế biến những niềm đau, sự không bằng lòng hay những khối đam mê kia trở thành chất đề hồ ngon ngọt bổ dưỡng lúc nào cũng tuôn chảy rào rạt trong lòng. Nếu chưa thì đừng tự dối mình làm gì, đừng như con đà điểu khi thấy sư tử đến gần thì vội cúi đầu xuống làm bộ như không có gì nguy hiểm.

Nếu bạn chưa một lần ngồi nhìn lại mình, dù một vài giây cho một ngày, một vài ngày cho một tháng hay một ít thời gian cho một đời để thử tìm đường trở về. Đi đâu – về đâu? Chính bạn là người biết rõ hơn ai hết. Đi đến những nơi cần đi và trở về nơi chốn cần về, vậy thôi. Nếu bạn thích đi lòng vòng thì không chỉ có “một cõi đi về” không thôi đâu mà còn nhiều cõi đi về khác đang đón chờ bạn nơi phía trước.

Có một vị vua treo giải thưởng cho họa sĩ nào vẽ được một bức tranh đẹp nhất về sự bình yên. Nhiều họa sĩ đã cố công. Nhà vua ngắm tất cả các bức tranh nhưng chỉ thích có hai bức và ông phải chọn lấy một.

Một bức tranh vẽ hồ nước yên ả. Mặt hồ là tấm gương tuyệt mỹ vì có những ngọn núi cao chót vót bao quanh. Bên trên là bầu trời xanh với những đám mây trắng mịn màng. Tất cả những ai ngắm bức tranh này đều cho rằng đây là một bức tranh bình yên thật hoàn hảo.

Bức tranh kia cũng có những ngọn núi, nhưng ngọn núi này trần trụi và lởm chởm đá. Ở bên trên là bầu trời giận dữ đổ mưa như trút kèm theo sấm chớp. Đổ xuống bên vách núi là dòng thác nổi bọt trắng xóa. Bức tranh này trông thật chẳng bình yên chút nào.

Nhưng khi nhà vua ngắm nhìn kỹ hơn, ông thấy đằng sau dòng thác là một bụi cây nhỏ mọc lên từ khe nứt của một tảng đá. Trong bụi cây một con chim mẹ đang xây tổ. Ở đó, giữa dòng thác trút xuống một cách giận dữ, con chim mẹ an nhiên đậu trên tổ của mình...

"Ta chấm bức tranh này! - Nhà vua công bố - Sự bình yên không có nghĩa là một nơi không có tiếng ồn ào, không khó khăn, không cực nhọc. Bình yên có nghĩa ngay chính khi đang phong ba bão táp mà vẫn cảm thấy sự yên tĩnh trong trái tim. Đó mới là ý nghĩa thật sự của bình yên". Mà bình yên chính là viên gạch đầu tiên để xây nên toà lâu đài thật kiên cố, thật nguy nga kỳ vỹ mang tên hạnh phúc.

Xin bạn, xin chị, xin anh…xin cho tôi hai chữ bình – yên !


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: