Khoảng Lặng Cho Tâm Hồn

In

Dòng thời gian trôi mãi, mọi vật biến chuyển không ngừng tạo nên một sự sống nhộn nhịp. Vì không thể tách rời ra khỏi thế giới này cho nên con người thường bị chi phối bởi thời gian và không gian. Để không đắm chìm trong vòng xoáy của xã hội, tôi đã làm quen với trà như tìm đến một người bạn để được tâm sự, sẻ chia. Có lẽ khác với những người chỉ đến trà quán để thưởng thức và có cơ hội thả hồn vào không gian tĩnh lặng trong một góc quán hay để gặp gỡ bạn bè, trao đổi công việc…, ở trà quán, tôi cảm nh ận không gian hài hòa qua sự trưng bày sắp xếp đồ vật rất nghệ thuật của người chủ quán. Một nơi chốn như thế luôn là khoảng lặng cần thiết trong tâm hồn mọi người, cho nên khi đến trà quán ta có thể tự chọn cho mình một góc trời riêng. Nhưng mỗi khi muốn thưởng thức một ly trà hay cần một không gian cho chính mình thì phải đến quán sao? Từ ý nghĩ đó, tôi đã thiết lập một bàn trà nhỏ thật giản đơn trong phòng, với những dụng cụ cần thiết như: bộ ấm trà bằng đất, nến, cành hoa tươi, lư xông trầm và một chút âm thanh của dòng nhạc Kitaro hay Zen.

Từ khi thiết lập bàn trà trong phòng, nơi đó đã trở thành một khoảng lặng trong tâm hồn tôi. Mỗi sáng thức dậy, tôi thường pha một ấm, tuy là uống trà nhưng đây cũng là lúc tôi chiêm nghiệm về chính mình, người thân và về mọi vật chung quanh. Trong suốt quá trình từ lúc chuẩn bị cho đến khi thưởng thức, mọi động tác tôi đều thực hiện trong chánh niệm để không ảnh hưởng đến bất kỳ ai ở các phòng bên cạnh. Ngồi thẳng lưng, theo dõi hơi thở vào-ra và ý thức sự sống đang thật sự hiện hữu, tôi chấp tay thầm cảm ơn đất trời đã ban tặng cho con người chén trà tinh khiết. Cách thực tập này giúp tôi thấy được rằng quá trình trồng và sản xuất cây trà rất công phu tỉ mĩ, tốn nhiều công sức và việc sản xuất ra ấm trà bằng đất cũng thật gian nan. Lòng tôi tràng ngập sự biết ơn! Vẫn duy trì ý thức, nâng chén trà lên và nhấp từng ngụm để thưởng thức trọn vẹn hương trà, trong khi khói trầm la đà như tô đậm thêm cho không gian buổi sớm càng trở nên trầm lắng lạ thường.

Không phải khi đã có trà ngon, ấm tốt, nước tự nhiên… thì ta có thể có được một chén trà như mong muốn. Để pha được một chén trà ngon không phải là ta cứ bỏ trà vào ấm rồi rót nước sôi vào là xong. Pha được một ấm trà ngon, theo tôi nghĩ, đó là cả một quá trình công phu luyện tập, không những người pha trà phải biết nghệ thuật mà phải cần một chút thư thái trong tâm hồn mới có thể tạo ra một chén trà đầy đạo vị. Vì vậy, lúc nào pha trà dù cho mình hay mời người khác tôi đều quan niệm mình đang tập pha. Cho nên khi nào làm công việc đó tôi rất trân quý khoảng không gian có được cho chính mình và thầm biết ơn người đang có mặt để dùng thử chén trà của tôi.

Vòng xoáy của thời gian, công việc, đã đưa nhiều người ra khỏi quỹ đạo sống tự nhiên. Họ đã và đang bị đời sống vật chất bít lấp, cho nên không có cơ hội để nhìn lại mình và có lẽ cũng không dám đối diện với chính mình. Với không ít người, họ có thể chấp nhận bất kỳ hình thức khổ nhọc nào duy chỉ đừng bảo họ phải ngồi yên: họ chịu không nổi cái khung cảnh vắng lặng hay cảm thấy sợ hãi khi phải đối diện với con người thật của chính mình. Tâm thức con người thường chạy theo ngoại cảnh, lúc nào cũng rong ruổi, dễ gì mà bảo nó ngồi yên được! Cho nên gượng ép nó dừng lại mọi suy tư để quán chiếu tự thân, sự sống…là một cực hình qua mức. Tôi đã quen với khoảnh khắc một mình bên tách trà, ánh nến lung lung, khói trầm lãng đãng hòa cùng tiếng nhạc du dương trầm bổng; không gian này đã giúp tôi cảm thông hơn với mọi người và tôi cảm nhận như nghe được lời thổn thức trong trái tim mình. Đôi khi tôi cũng muốn sẻ chia cái giá trị của vài mươi phút uống trà, tĩnh tâm… nhưng ít có người tiếp nhận được vì họ không tin rằng sự sống chỉ có mặt trong giờ phút hiện tại.

Tìm hiểu về nguồn gốc và sự phát triển của trà, tôi đã xem qua mấy quyển sách: Trà Kinh (Lục Vũ), Trà Kinh (Vũ Thế Ngọc), Trà Đạo, Trà Luận ( Nguyễn Bá Hoàn) và một số bài báo viết về trà khác. Đọc mấy quyển sách này rất thú vị, vì nhờ thế mà tôi biết rõ hơn về cây trà với những lợi ích về sức khỏe cũng như kinh tế…qua đó tôi cũng được biết cổ nhân đã trồng và thưởng trà như thế nào, cùng nhiều kiến thức bổ ích khác. Nhưng rồi tôi nhận ra rằng sách báo chỉ trình bày kiến thức và kinh nghiệm của người viết chứ qua đó tôi không thể tìm thấy kinh nghiệm cho mình. Muốn có kinh nghiệm thật sự, ta phải tự thực nghiệm trên từng chén trà. Pha được ba ấm trà khác nhau có mùi vị và màu sắc như nhau là cả một thành quả bằng công phu lâu ngày.

Trà có nguồn gốc từ người Á Đông, một tài tài sản vô giá mà trong quá khứ đã từng là nguyên nhân gây chiến của nhiều quốc gia. Gặp nhau, mời nhau một chén trà, đã trở thành nét văn hóa đặc thù của người Châu Á. Đến với trà là lúc tôi trở về nhận diện sự sống như một thời công phu đích thực, giây phút này không gì có thể thay thế được. Một ngày mà chỉ dành vài mươi phút cho mình thì quả là quá ít nhưng có được cũng đã là quý lắm rồi. Cho nên dù có bận rộn tôi cũng cố gắng pha một chén trà để mà trầm tư, để mà quay về với tự thân như một khoảng lặng cho tâm hồn. Chúng ta không thể làm việc nếu cơ thể thiếu năng lượng và tinh thần suy nhược.

Sự sống không bao giờ dừng lại vì khi nó dừng được thì tất cả mọi vật cũng không còn tồn tại. Nhưng con người thì cần có điểm dừng, dừng ở đây là dừng lại sự tham đắm, lo lắng, buồn khổ…thiết lập ý thức để nhận chân sự hiện hữu giữa ta và mọi vật chung quanh. Tâm ta không thể bình an được khi những lo lắng, hận thù đang trấn ngự; chỉ cần dừng lại mọi suy tư tính toán để cho tâm thức được nghỉ ngơi bên chén trà, hương trầm, hoa, nến…ta sẽ cảm thấy sự thư thái trong tâm hồn. Một chén trà, nếu mua ở quán thì giá không là bao nhưng với một chén trà mà ta tự pha chế bằng tinh thần thoải mái thì giá trị không phải nhỏ. Mỗi động tác pha chế sẽ toát lên được con người thật của mình thông qua hương, vị của chén trà. Nếu cho rằng việc pha trà là đơn giản thì không sai hoặc nghĩ rằng việc tra trà không phải là chuyện dễ cũng đúng. Đâu hẳn là cho trà vào ấm và châm nước sôi vào là xong! Nhưng cách pha trà lại không ngoài những động tác đó. Cho nên sự tinh tế của người pha trà và ý vị của đạo không ngoài chỗ này.

Uống trà giúp tôi điềm tĩnh hơn, biết đợi chờ để cho độ sôi của nước phù hợp với trà, như trong cuộc sống cần nhất là biết thời biết lúc. Trong khi xã hội đang cuồn cuộn như sóng biển dâng trào, hơn bao giờ hết chúng ta cần thiết lập một góc bình an trong phòng để mình có nhiều cơ hội tạo một khoảng lặng cho tâm hồn. Một chén trà rất đỗi bình dị nhưng bên trong nó lại ẩn chứa cả một kho tàng vô giá của sự hiện hữu mầu nhiệm.

Mặc Phong Giang


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: