Lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia

In

Theo Quyết định số 3084/QĐ-BVHTTDL công bố Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (đợt 3) được Bộ VHTTDL ban hành ngày 09/09/2013, lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang) là 1 trong 5 di sản văn hóa phi vật thể được công bố lần này.

Ngoài ra, còn 4 di sản văn hóa phi vật thể được công bố lần này gồm: lễ hội nghinh Ông (huyện Cần Giờ, TP.HCM); lễ hội Phủ Dầy (xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định); hát bả trạo (huyện Thăng Bình, huyện Duy Xuyên, huyện Điện Bàn, TP.Tam Kỳ, TP.Hội An, tỉnh Quảng Nam) và nghề dệt chiếu (xã Định Yên, xã Định An, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp).

Lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm  diễn ra ngày 14/02 Âm lịch hàng năm, thờ ba vị Tổ thuộc dòng Thiền phái Trúc Lâm gồm: Giác Hoàng Điều Ngự Trần Nhân Tông; Thiền sư Pháp Loa; Thiền sư Huyền Quang.

Vĩnh Nghiêm Tự thuộc địa phận thôn Quốc Khánh, xã Trí Yên, huyện Yên Dũng (cách thành phố Bắc Giang 18 km về phía nam). Chùa được xây dựng từ thế kỷ XIII, quần thể chùa là một di tích kiến trúc cổ kiểu “nội vương ngoại vi”, Vĩnh Nghiêm Tự là ngôi chùa lớn của phái thiền Trúc Lâm mang đậm bản sắc dân tộc và được coi là Trường Đại học Phật giáo đầu tiên của nước ta. Chùa đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

Trong tấm bia được dựng vào năm Hoàng Định thứ 7 (năm 1606) hiện còn lưu giữ ở chùa, viết rằng: “Chùa Vĩnh Nghiêm không chỉ là một ngôi chùa mà còn là một danh lam xây dựng, một khu cảnh trí thiên nhiên tươi đẹp của vùng Kinh Bắc. Nơi đây trang nghiêm rực rỡ, non cao ngàn dặm, trùng trùng điệp điệp vây quanh thành hình cái nong, chùa ở chỗ con sông sóng nước dạt dào mênh mông, quanh co uốn lượn chầu về như dải lụa đào. Đây là danh lam đứng đầu thiên hạ”.

Tọa lạc trên quả đồi thấp, bao quanh là những ngọn núi non, sông nước, chùa Vĩnh Nghiêm cổ kính và tĩnh lặng thu hút vào tầm mắt của du khách thập phương là một phong cảnh hữu tình. Chùa nhìn ra ngã ba sông, phía Lục Đầu Giang – Kiếp Bạc, vùng Cẩm Lý cửa ngõ ra vào núi Yên Tử. Bao quanh chùa là núi non trong đó có núi Cô Tiên. Bên kia sông là vương phủ của Trần Hưng Đạo, đền Kiếp Bạc.

Được xây dựng từ thời Lý, đến thời Trần, Chùa Vĩnh Nghiêm mang một vị trí đặc biệt trong lịch sử văn hóa Phật giáo khi trở thành nơi tu hành của các bậc cao tăng. Mà đỉnh cao nhất là 3 vị Tam tổ của thiền phái Trúc Lâm là Thượng Hoàng Điều Ngự Trần Nhân tông, Pháp Loa và Huyền Quang đều thụ giới ở chùa Vĩnh Nghiêm, lấy nơi này làm trung tâm phật giáo thời Trần để đào tạo tăng đồ và xếp đặt tăng chức, chỉ đạo các chùa trong cả nước.

Vì vai trò đặc biệt mà chùa Vĩnh Nghiêm được xây dựng với quy mô rất lớn. Diện tích cả khu chùa rộng khoảng 10.000 m2, mở đầu là cổng Tam quan, đi vào hơn 100m là chùa Hộ (hay còn gọi là Tiền Đường). Đường vào chùa Hộ, xưa được trồng thông để chùa thành trốn tùng lâm hữu tình, hiện tại vẫn còn một vài cây đứng trên sân chùa như những chứng tích của thời gian. Ngay trên sân chùa là một tấm bia to 6 mặt đó là tấm bia năm Hoằng Định. Đây là dấu vết lâu đời nhất của chùa hiện còn. Đối diện với tấm bia cổ là vườn tháp mộ của 8 vị sư, đều được xây dựng mãi sau này.

Từ chùa Hộ trở vào, các khối kiến trúc nối tiếp nhau xây trên trục chính theo một hướng đông nam và được phân cách bằng một khoảng sân hẹp. Trong chùa có 4 khối: Chùa Phật (các nhà Tiền đường tức chùa Hộ, Thiêu hương và Thượng điện) hình chữ “công” nhà tổ đệ nhất cũng hình chữ “công” – gác chuông hai tầng tám mái – nhà Tổ đệ nhị và nhà Trai Đường kiểu chuôi vồ. Hai bên còn có các dãy nhà Tả vu và Hữu vu, mỗi dãy gồm 18 gian rộng rãi là nơi hàng năm các sư về an cư kết hạ

Cả 4 khối kiến trúc trên đều theo kết cấu khung gỗ cổ truyền, nhưng từ khối nhà Tổ đệ nhất trở về sau thì có thêm một số cột gạch và tường gạch hỗ trợ chịu lực. Ngay các thành phần kiến trúc gỗ, trừ bốn cột chính nhà Thượng Điện to lớn lực lưỡng bóng lộn là dấu vết thời gian của thời Lê, còn lại những cột kèo thanh thoát thời Nguyễn. Kiến trúc chùa thể hiện trình độ thẩm mỹ tuyệt vời của người xưa với toàn bộ cảnh chùa có độ cao thấp, sự giãn cách khác nhau, tạo ra một nhịp điệu phong phú. Song nói chung nó tuyệt đối không vươn cao đột ngột mà có xu hướng dàn trải, kéo dài theo chiều sâu, để luôn gây bất ngờ cho du khách.

Theo Đại đức Thích Thanh Vịnh, tòa nhà có niên đại muộn nhất ở chùa là hai dãy nhà Tả vu và Hữu vu thì cũng thuộc triều Nguyễn. Còn lại hầu hết vẫn được nguyên kiến trúc và vật liệu thời Lý, Trần. Ngay sân chùa, cây hoa Nhập nhân thơm một cách lạ lùng cũng có tuổi thọ tới 500 năm.

Một giá trị khác của chùa Vĩnh Nghiêm là bộ ván khắc kinh vẫn được gọi là Mộc thư cũng có niên đại tới 700 năm. Những bản ván in kinh tinh xảo là hiện vật chứng minh chùa Vĩnh Nghiêm từng thống lĩnh 72 chốn tùng lâm.

Theo Đại đức Thích Thanh Vịnh: “Kho mộc thư vẫn còn lưu giữ 34 đầu sách với gần 3000 bản khắc, mỗi bản 2 mặt, mỗi mặt 2 trang sách âm bản chứa khoảng 2000 chữ Hán và chữ Nôm. Trong đó có những bản khắc đặc biệt quý như Khóa Hư Lục, Kinh Hoa Nghiêm…”.

"Mộc thư khố" được lưu giữ tại 8 kệ sách trong điện chính của chùa. Đây là kho sách bằng gỗ có tổng số hơn 3.000 bản, trong đó hầu hết là kinh, sách thuốc, luật giới nhà Phật. Số còn lại là trước tác của Tam thế tổ và một số vị cao tăng dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử (thơ, phú, nhật ký...) được khắc bản cách đây trên dưới 200 năm.

Theo dòng lạc khoản khắc ở bài tựa và dòng lạc khoản cuối các cuốn kinh thì kho mộc thư chùa Vĩnh Nghiêm phần nhiều được khắc in dưới triều các vua Tự Đức, Thành Thái nhà Nguyễn (nửa sau thế kỷ XIX), một số ít được khắc dưới triều vua Cảnh Hưng, nhà Lê (nửa cuối thế kỷ XVIII ). Căn cứ vào bản "Tâm thượng ngư vĩ" của mộc bản thấy rằng: kho mộc bản có hơn ba chục đầu kinh, sách các loại, trong đó quá nửa là mộc bản khắc bộ Hoa Nghiêm kinh, còn lại là Di Đà kinh, Quan Thế âm kinh, Tì Kheo ni giới kinh, Khai thánh chân kinh... và các sách, luật nhà Phật.

Các mộc bản này đều bằng chất liệu gỗ cây thị, có nhiều kích cỡ khác nhau tùy theo từng kinh sách. Bộ "Yên Tử nhật trình" có niên đại cuối thế kỷ XVI, là bộ ván in cổ nhất của kho mộc thư chùa Vĩnh Nghiêm, có kích thước 1,8x0,3 m là bộ lớn nhất, trong khi bộ "Dấu chấn" kích thước 0,25x0,17m là cuốn nhỏ nhất.

Từ những ván khắc đó, người xưa phủ mực in lên trên rồi in và đóng sách theo khuôn mẫu với đủ "biên lan", "bản tâm", "ngư vĩ", "thiên đầu, địa cước". "Biên lan" có khung viền lề trang sách là một đường chỉ to và một đường chỉ nhỏ. "Bản tâm" cho biết tên sách, thứ tự trang sách. Thượng hạ Bản tâm có "Ngư vĩ" (đuôi cá) theo kiểu song "Ngư vĩ". Tả hữu, thượng hạ "Biên lan" có "Thiên đầu - Địa cước". "Biên lan" có khung viền 4 lề trang sách, gồm 1 đường chỉ to và 1 đường chỉ nhỏ (người xưa gọi là Văn vũ Biên lan). Tả hữu, thượng hạ "Biên lan" có "Thiên đầu - Địa cước" rộng chừng 2,5 cm. Nhiều trang được các nghệ nhân xưa khắc đan xen thêm những bức minh hoạ, đường nét tài hoa tinh tế, nét chữ bay bổng, siêu thoát, bố cục chặt chẽ hài hoà, xứng đáng là tác phẩm đồ hoạ trứ danh của mọi thời đại.

Để bảo vệ kho mộc thư độc đáo này, chùa Vĩnh Nghiêm và Sở Văn hóa,Thể thao và Du lịch Bắc Giang đang phối hợp để in kho sách ra giấy gió, đánh số bản mộc và dịch nghĩa.

Trải qua bao thăng trầm biến cố của lịch sử, giờ đây kho "Mộc thư khố" này được coi như là bảo vật quốc gia. Đặc biệt, trong phiên họp chiều 16/5/2012 tại Bangkok (Thái Lan) Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm đã chính thức được công nhận là Di sản tư liệu Thế giới, Khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Chùa Vĩnh Nghiêm từ lâu đã được đồng bào trong tỉnh cũng như cả nước và nhiều khách quốc tế biết đến không chỉ đơn thuần là một điểm du lịch, bởi vẻ đẹp của kiến trúc và phong cảnh hữu tình hiếm thấy mà còn bởi bản sắc đặc biệt của văn hóa Phật giáo Việt Nam nơi đây…

Ai qua Yên Tử - Quỳnh Lâm

Vĩnh Nghiêm chưa tới, thiền tâm chưa đành.

Tổng hợp


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: