Pakistan Chảy Máu Cổ Vật Phật Giáo

In

Pakistan là quốc gia sở hữu một di sản văn hóa giàu có nhưng lại không có đủ nguồn lực để bảo vệ nó. Hoạt động khai quật phi pháp của bọn tội phạm đã khiến Pakistan mất đi nguồn tiềm năng quan trọng - biểu tượng giá trị tinh thần của đất nước - về doanh thu du lịch; đồng thời làm tiêu tan mọi cơ hội nghiên cứu lịch sử cho các nhà khảo cổ.

Theo Fazal Dad Kakar, lãnh đạo Bộ Khảo cổ và bảo tàng của Pakistan,  quốc gia này đang phải đối mặt với vấn đề nghiêm trọng vì không có đủ nguồn nhân lực cũng như tài chính để bảo vệ hàng trăm địa điểm khảo cổ Phật giáo cũng như các tu viện trong nước mà phần lớn nằm ở các thung lũng biệt lập. Trong số các địa điểm này là thung lũng Swat - tây bắc Pakistan - từng là một phần của Gandhara, vương quốc Phật giáo quan trọng tồn tại cách đây hơn 1.000 năm, trải dài trên lãnh thổ hai nước Pakistan và Afghanistan ngày nay.

Tháng 7/2012, cảnh sát đã bắt giữ được một container chứa gần 400 cổ vật ở thành phố cảng Karachi miền Nam Pakistan được cho là đang trên đường vận chuyển đến miền Bắc đất nước để buôn lậu ra nước ngoài. Khoảng 40% hiện vật được phát hiện là cổ vật có giá trị cao, bao gồm gần 100 tượng Phật có niên đại 1.800 năm tuổi trị giá hàng triệu USD - theo báo cáo của Qasim Ali Qasim, Giám đốc khảo cổ và bảo tàng tỉnh Sindh, miền Nam Pakistan.

Malik Naveed, cựu Cảnh sát trưởng tỉnh Khyber Pakhtunkhwa (khu vực có thung lũng Swat), cho biết chính quyền khó nắm được con số chính xác những cổ vật Phật giáo bị đưa ra khỏi khu vực tây bắc Pakistan trong những thập niên đầu tiên sau khi nước này giành được độc lập từ tay người Anh vào năm 1947. Tuy nhiên, sự việc đã thay đổi vào năm 1975, khi chính quyền Pakistan thông qua bộ luật quy định hoạt động khai thác và đưa cổ vật ra khỏi đất nước là tội phạm hình sự. Nhưng theo nhận xét của Kakar, bộ luật khó được thực thi hiệu quả do thiếu nguồn tài chính nên từ đó những kẻ bị bắt giữ hiếm khi bị trừng phạt đích đáng.

Các lô hàng tượng Phật cổ bị cảnh sát thu giữ tại Karachi, ngày 6/7/2012.

Nhiều kẻ buôn lậu bị bắt giữ tại Karachi vào tháng 7/2012 hiện vẫn chưa bị buộc tội chính thức. Còn 2 người đàn ông bị bắt vào tháng 10/2011 vì hành vi khai quật một tượng Phật tại thung lũng Swat chỉ bị phạt khoảng 50USD mỗi tên. Trong khi đó, Syed Naeen, công tố viên khu vực Swat, cho biết mức phạt lẽ ra phải là tối đa 1 năm tù và hơn 800 USD.

Subhash Kapoor, nhà buôn tác phẩm nghệ thuật ở Manhattan, bị bắt giữ tại Ấn Độ vì tội buôn lậu số cổ vật trị giá hàng triệu USD ra khỏi biên giới Ấn Độ, Pakistan và Afghanistan. Theo điều tra của cảnh sát về vụ việc, Subhash Kapoor rao bán cổ vật khai thác trái phép trên Internet hay bán trực tiếp cho các nhà bảo tàng cũng như giới sưu tập nghệ thuật tư nhân thông qua gallery của ông ta ở New York (Mỹ).

Salahud Deen, "chuyên gia" sao chép cổ vật, và tác phẩm giả của mình.

Không chỉ dừng lại ở hoạt động khai quật cổ vật trái phép, một số người Pakistan còn cố gắng sao chép chúng - hành vi được coi là vi phạm pháp luật ở Pakistan - để bán như đồ tạo tác thật. Theo điều tra của cảnh sát, hoạt động sao chép cổ vật diễn ra bí mật xung quanh địa điểm khảo cổ Phật giáo Taxila nằm cách thủ đô Islamabad của Pakistan chỉ một đoạn đường ngắn. Salahud Deen, được coi là "chuyên gia" sao chép cổ vật.

Ông cho biết, ông học nghề sao chép từ hồi còn nhỏ và có thể làm giả bất cứ cổ vật nào từ những hòn đá nhỏ với màu sắc và hóa chất đặc biệt. Phóng viên Hãng thông tấn AP đã tiếp xúc với Salahud Deen để chứng kiến kho hàng sao chép của anh ta, trong đó có một đầu tượng Phật nhỏ giá trị cao.

Người dân địa phương đào được cổ vật ở vùng tây bắc Pakistan kiếm được nhiều tiền song vẫn không sánh nổi số tiền thu vào của bên trung gian mua bán. Cụ thể là họ chỉ được hưởng 1% giá trị của một cổ vật trong khi bọn trung gian và giới kinh doanh nghệ thuật bỏ túi đến 99% - theo Sandro Calvani, cựu lãnh đạo Viện Nghiên cứu tội phạm và Tư pháp liên khu của Liên Hiệp Quốc.


Các di tích Phật giáo cổ được làm giả của Salahud Deen.

Năm 2011, Fazal Dad Kakar đã nỗ lực ngăn chặn nhà đấu giá Christie's ở New York tổ chức bán đấu giá một tượng "Phật khổ hạnh" có niên đại vào thế kỷ 3 hay 4 cũng như hàng chục di tích Phật giáo khác mà ông tuyên bố là bị buôn lậu bất hợp pháp ra khỏi biên giới Pakistan. Nhưng Christie's đã bất chấp sự ngăn cản của Kakar và bán bức tượng "Phật khổ hạnh" này được gần 4,5 triệu USD.

Sau đó Kakar thành công hơn trong vụ hải quan Mỹ bắt giữ hai lô hàng cổ vật Phật giáo buôn lậu từ Tokyo và Dubai vào năm 2005. Sau khi phân tích độ tuổi và thành phần đá tạc tượng, Kakar chứng minh được nguồn gốc của các tượng Phật xuất phát từ Pakistan nên được chính quyền Mỹ giao trả chúng. Neil Brodie, chuyên gia về buôn lậu cổ vật ở Đại học Glasgow, nhận định vấn đề then chốt là chính quyền các nước phải gây sức ép đến giới sư tập tư nhân và các nhà bảo tàng có nhu cầu thu mua các di tích cổ bởi vì họ là nhân tố  thúc đẩy sự phát triển của thị trường đen cổ vật.

Nguồn: antg.cand.com.vn


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: