DIỄN TỪ CỦA BAN TỔ CHỨC LỄ RÓT ĐỒNG ĐÚC ĐẠI HỒNG CHUNG VĨNH MINH TỰ VIỆN

In

Vĩnh Minh Tự Viện

Ảnh: Minh Quang - Thanh Hải

Nam mô Bổn sư Thích ca Mâu ni Phật.

Ngưỡng bạch Chư tôn Trưởng lão Hòa thượng Chứng minh.

Ngưỡng bạch Chư tôn Thiền đức Tăng Ni.

Kính thưa toàn thể quý Đạo hữu Phật tử đang hiện diện tại Vĩnh Minh Tự Viện sáng hôm nay.

Ngôn ngữ sẽ rụng xuống hai lần, để rủ sạch lớp lớp phù trần hư huyễn, để sự tinh tuyền băng khiết lên ngôi, kết lời kính ngưỡng, đảnh lễ vô lượng thâm ân, từ bữa nọ tới bữa nay, từ mỗi phút giây hay từ vô lượng kiếp giữa thiên thu vời vợi, trời biển Tứ trọng ân. Ân Tam bảo thiêng liêng, ân tổ quốc nhiệm mầu, ân cha mẹ sâu dày, ân chúng sanh bát ngát. Trong buổi lễ này, xin Chư tôn đức cùng toàn thể quý vị cho chúng con một phút, dù chỉ một phút, để nghĩ đến ân đức Tôn sư, Thầy của chúng con.

Kính bạch Thầy!
Kính bạch Thầy!
Kính bạch Thầy!

Thôi! Chúng con không nói nữa. Chúng con đã nói quá nhiều, quá nhiều, nhưng nội việc cầm một cây chổi quét sân, quét đường như Thầy, chúng con còn chưa làm được, nói chi đến những Phật sự lớn lao.

Chúng con vẫn đi lùi về tương lai, cặp mắt hướng về quá khứ, hướng về Thầy. Làm bất cứ việc gì cũng chỉ để dâng Thầy. Hôm nay húy nhật lần thứ 12 của Thầy, chúng con tổ chức đúc chuông. Giờ xin Thầy cho chúng con nói chuyện đúc chuông!

Kính bạch Chư tôn đức! Kính thưa liệt quý vị!

Năm 2002, trong buổi lễ khai mạc World Cup, Đại hội túc cầu lớn nhất hành tinh tổ chức tại Hàn Quốc, nước chủ nhà đã rước một quả chuông đồng lớn ra sân vận động như biểu tượng văn hóa và quốc hồn quốc túy của họ. Chúng tôi ngạc nhiên vì cứ ngỡ đất nước Hàn Quốc theo đạo Công giáo. Nhưng đến khi đặt chân lên Trí Dị Sơn hay Mật Hàm Sơn ở cố đô Triều Tiên, tận mục sở thị những bản kinh khắc gỗ hàng nghìn năm còn bảo lưu nguyên vẹn, tôi mới hiểu ra chỉ có những giá trị tâm linh mới đủ sức dưỡng nuôi một dân tộc, duy trì thuần phong mỹ tục và đạo đức nhân sinh, còn mọi thứ từ cung điện lâu đài đến lịch triều lũy chúa cũng đều tan hoại, theo định luật vô thường thành trụ hoại không. Khi đến Vương Đường Phật giáo Nhật Bản, chạm tay vào quả chuông nặng 48 tấn đồng, tôi đã hiểu vì sao họ đã từng trải qua biết bao tang thương binh hỏa mà thoáng chốc đã hóa thành rồng. Ở Việt Nam, tiếng chuông Trấn Vũ, tiếng chuông Linh Mụ cũng đã đi vào cảm thức của dân tộc, qua âm nhạc, thi ca và qua từng hơi thở của nhịp sống bình sinh.

Trong phần đầu của bài minh khắc trên chuông Vĩnh Minh Tự Viện bằng Hán tự, tôi đã viết: “Con đường học Đạo không gì khác hơn là đi tìm lại cái tâm đã mất. Nhưng tâm thể là gì? Bởi cái gọi là “không từ trên trời rơi xuống, chẳng phải dưới đất mọc lên…khi lưỡng nghi chưa rạch ròi, lúc nhất khí vừa phân biệt”, cái đó không thể dùng ngôn từ để diễn đạt được. Vì thế, lấy cái hữu hình để biểu hiện cái vô hình, lấy cái biểu tượng để tượng trưng cho cái vô tượng. Do vậy chư Phật nêu cành lá giúp chúng sanh tìm về cội gốc, liệt Tổ lấy sự tướng để diễn bày lý thể? Nhân quả tánh tướng, từ gốc đến ngọn rốt ráo đều y nhiên như thế!

Cũng vậy! Nếu không có kinh điển thì không thể thấu suốt được nghĩa lý mà Phật chỉ dạy, nếu không có tượng Phật thì khó có thể tưởng niệm được danh hiệu của Phật. Kinh điển phát ra tiếng từ nơi âm giọng, còn pháp lệnh thì nhờ tiếng đồng mà tạo nên âm hưởng. Nói về âm thì có giọng xướng tụng cao thấp, nói về hưởng thì có tiếng chuông, khánh, tang, linh, tất cả đều để phô bày cái bản thể vậy!

Trộm nghĩ: Cỏ cây muôn vật đều được nuôi dưỡng nhờ tiếng sấm, nhạc khí nhờ bát âm mà hòa điệu, còn Đạo tâm cũng nhờ âm thanh mà phát khởi. Trong Thiền lâm thường lấy tiếng chuông để cảnh tỉnh sáu thời. Sáu thời y theo tuần tự nên hải chúng an hòa, mọi việc hanh thông, duy trì chúng lý vậy”.

Từ khi còn hành điệu, Thầy tôi thường dạy: “Thị thậm ma địa vị tác thậm ma sự. Đương nhất thiên Hòa thượng tràng nhất thiên chung” (Ở địa vị nào thì làm việc nấy, một ngày làm Hòa thượng là một ngày đóng chuông). Ấn tượng sâu sắc của tuổi hành điệu không phải là những thời kinh sớm hay những buổi học chiều, mà chính là những buổi hô Đại hồng chung sớm hôm. Tha thiết lắm, du dương lắm. Nên đã từ lâu, tôi hằng tâm nguyện sẽ đúc một quả Đại hồng chung làm pháp khí trấn hộ Thiền môn. Được Đạo hữu Ngô Minh Trí, pháp danh Nguyên Thiện phát tâm cúng dường, cùng sự gia bị của Chư tôn đức và sự đóng góp của Phật tử khắp gần xa, trong đó có Phật tử Lê Hồng Duệ tại Quận Tân Bình TPHCM, ngôi Phạm Chung Tháp bằng gỗ lim quý cũng vừa hoàn thành trước Tết Nguyên Đán Bính Thân và hôm nay, kiền thỉnh Chư tôn đức chứng minh lễ rót đồng đúc đại hồng chung trong ngày Tưởng niệm Tôn sư. Duyên trùng duyên, sự trùng sự, mọi việc vô cùng hoan hỷ.

Quả chuông Vĩnh Minh Tự Viện hôm nay nặng 1500kg, xung quanh có khắc Bát Nhã Tâm Kinh bằng bốn thứ tiếng Anh, Phạn, Hán, Việt. Bản tiếng Phạn, chúng tôi sử dụng bản nguyên gốc chữ Devanàgari, tương truyền do Bồ-tát Long Thọ (Nagarjuna) soạn từ trong khoảng một trăm năm trước công nguyên đến thế kỷ thứ 2 Tây lịch. Bản chữ Hán, chúng tôi sử dụng bản dịch của Ngài Huyền Trang và phiên âm Hán Việt. Bản tiếng Anh, chúng tôi sử dụng bản dịch của Edward Conze, nhà nghiên cứu Phật học người Anh rất nổi tiếng. Phía trên của thân chuông, chúng tôi điêu khắc biểu tượng của các Đại danh lam, tức chùa Một Cột ở miền Bắc, tháp Phước Duyên chùa Linh Mụ miền Trung, Việt Nam Quốc Tự miền Nam và cổng Tam quan bằng đá rất đặc trưng của Vĩnh Minh Tự Viện. Bên dưới thân chuông, tương ứng với 4 mùa Xuân hạ thu đông là 8 quẻ Càn khôn, biểu tượng triết lý của Việt Nam, bên dưới còn có bài minh văn viết bằng chữ Hán trình bày lịch sử Vĩnh Minh Tự Viện, lượt sử cố Hòa thượng khai sơn và nhân duyên đúc chuông.

Kính bạch Chư tôn đức! Kính thưa liệt quý vị!

Diễn văn đã quá dài nhưng còn một chi tiết chúng tôi muốn dừng lại giải thích cho nhiều người thắc mắc, đó là Phật giáo có liên quan gì đến âm dương Bát quái mà lập Bát quái đàn tràng. Vâng! Bát quái chỉ là triết lý Việt Nam. Sự vận hành của vũ trụ và con người đều bị chi phối bởi âm dương Ngũ hành. Chỉ có Phật đạo mới vượt qua ngũ hành đưa con người đến giải thoát. Mượn hình ảnh hỏa quang tam muội đốt cháy Bát quái càn khôn để nung chảy đồng thau tạo thành pháp khí. Đó là ý nghĩa của biểu tượng hôm nay.

Giờ phút này, xin cho phép chúng con ghép luôn phần cảm tạ vào diễn từ này. Cảm tạ Chư tôn quang lâm chứng minh, cảm tạ Phật tử gần xa vân tập về tham dự, phát tâm cúng dường trong niềm hoan hỷ mười phương. Những thiếu sót không thể nào tránh khỏi, xin liệt quý vị niềm tình tha thứ.

Nắng đã thắp, hoa đã giăng, pháp tịch an bằng, mười phương câu hội. Dưới bóng dáng lồng lộng của Vĩnh Minh Đại Phật, con, Sa-môn Thích Nguyên Hiền, thành kính đảnh lễ chư tôn, và trân trọng tuyên bố khai mạc lễ rót đồng đúc Đại hồng chung Vĩnh Minh Tự Viện hôm nay.

Nam mô Hoan hỷ Tạng Bồ tát Ma ha Tát.

Sau đây là một số hình ảnh của buổi lễ:

Huynh Đệ Vĩnh Minh Chụp Ảnh Lưu Niệm Tại Tổ Đường

Lễ Cung Nghinh Chư Tôn Hòa Thượng

Lễ Cung Tiến Giác Linh Cố Hòa Thượng Khai Sơn Vĩnh Minh Tự Viện

Cung Nghinh Đại Lão Hòa Thượng THƯỢNG TÁNH HẠ HẢI Quang Lâm

Thời Kinh Vô Lượng Thọ Của Chư Ni Tịnh Xứ Hương Nghiêm

Khán Đài Chính Của Đại Lễ

Ban Hướng Dẫn Trung Ương GĐPTVN Đảnh Lễ Giác Linh Cố Hòa Thượng

Cổng Tam Quan Vĩnh Minh Tự Viện Về Đêm

Đại Đức Thích Đạo Duyệt Niêm Hương Bạch Phật Trong Lễ Trì Đại Bi Thần Chú

Trang Nghiêm - Thành Kính

Bát Quái Đàn Tràng

Cung Nghinh Chư Tôn Hòa Thượng Quang Lâm

Cung Nghinh Đại Lão Hòa Thượng THƯỢNG TÁNH HẠ HẢI Quang Lâm

Nhị Vị Hòa Thượng Chứng Minh Đại Lễ

Chuẩn Bị Cung Nghinh Chư Tôn Thiền Đức Quang Lâm Vĩnh Minh Đại Phật

Hàng ngàn Phật tử đến tham dự buổi lễ  trọng đại này

MC. Trung Pháp

Bài Múa A Di Đà Tán Khúc Do 85 Đoàn Sinh GĐPT Đức Trọng - Lâm Hà Trình Diễn

Toàn Cảnh Bát Quái Đàn Tràng

Diễn Từ Khai Mạc Của ĐĐ. Thích Nguyên Hiền

Đảnh Lễ Chư Tôn Thiền Đức Chứng Minh

Ban Kinh Sư Quang Lâm Bát Quái Đàn Tràng

Đội Rót Đồng Vĩnh Minh Tự Viện

Dâng Lửa Khai Hỏa Cho Buổi Lễ Rót Đồng Đúc Đại Hồng Chung

Hòa Thượng thượng Toàn hạ Đức Khai Hỏa Đúc Đại Hồng Chung

Hỏa Quang Tam Muội Thiêu Hủy Bát Quái Đàn Tràng

Cung Thỉnh Chư Tôn Thiền Đức Hồi Quy

Hòa Thượng thượng Toàn hạ Đức Dâng Hương Tưởng Niệm Giác Linh Cố Hòa Thượng

Cung Thỉnh Chư Tôn Thiền Đức Quang Lâm Trai Đường

Rót Đồng



Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: