NGƯỜI ĐI ĐÂU SÔNG NƯỚC LẠNH VÔ CÙNG

In

Thích Trung Pháp

Tôi nhập chúng Vĩnh Minh cuối 2009. Năm đó, Vĩnh Minh có hai vị Tăng cũng gốc Đồng Nai như tôi, thầy Minh Trụ và thầy Tâm Minh. Nghe nói, hai thầy học xong Trung Cấp Phật học Đồng Nai rồi lên vùng Đại Ninh này từ vài năm trước. Sở dĩ, hai thầy chọn Vĩnh Minh vì trong tăng chúng cũng có nhiều vị học chung khóa và khá thân với hai thầy. Những ngày đầu ở Vĩnh Minh, tôi cảm thấy khá bỡ ngỡ. Bỡ ngỡ không phải vì những nội quy gì mới, mà bỡ ngỡ vì cái chan hòa, ấm áp của chúng. Đi ở chúng các nơi khác, có lớn, có nhỏ, có chúng nội tự, có chúng ngoại tự, phân biệt rõ ràng, Vĩnh Minh thì không rứa. Có lẽ, do thầy trụ trì còn trẻ nên cái cách mà thầy xây dựng chúng hơi khác. Vì lý do đó mà ngay những ngày đầu ở Vĩnh Minh, dù chỉ là một chú Sa-di, tôi cũng được gọi tới uống trà cùng quý thầy lớn. Thầy Tâm Minh và Thầy Minh Trụ khá thân thiện với tôi, gọi tôi bằng “ông” chứ không gọi là “con” như người lớn gọi người nhỏ. Thầy Tâm Minh có cái giọng cười rất sảng khoái và hay kể chuyện tếu mỗi khi chúng tụ họp uống trà vào mỗi buổi chiều.

Thầy trụ trì lúc đó thỉnh hai thầy hướng dẫn đạo tràng Niệm Phật vào ngày 22 và mùng 8 âm lịch. Tôi vốn ở chùa Huế, biết tán tụng đôi chút nên cũng thích bon chen vào dẫn đạo tràng với hai thầy. Nhưng không như tôi nghĩ, hai thầy vốn nghi miền Nam, nên tôi không có điều kiện để “khoe” cái điệu ê a của tán Huế mà tôi đang mê biểu diễn. Biết tôi thích cầm mic, hoặc cũng có thể muốn nghe giọng tôi ra răng, thầy Tâm Minh vẫn đưa mic tôi cầm. Một giọng Nam, một giọng nhá Huế pha với nhau nghe buồn cười không chịu nổi. Nói rằng “nhá Huế” vì tôi không phải Huế, mà là dân Quảng Nam chính cống. Ở Vĩnh Minh ít hôm, tôi mới nhận ra đây là ngôi chùa “Liên Hiệp Quốc”, miền Tây có, miền Bắc có, người Trung có. Cái loa đang ê a theo kiểu cải lương bổng chuyển sang điệu nhã nhạc là bình thường khi quý thầy chuyền micrô cho nhau. Tôi không ấn tượng lắm với điệu tụng kinh theo nghi lễ miền Nam, nên cố giữ chất của mình để không bị hòa tan, nhưng với thầy Tâm Minh thì khác. Thầy vẫn thỉnh tang, linh về tập tán tụng theo nghi Huế để hòa chúng và thật bất ngờ là thầy làm tốt hơn những gì tôi nghĩ. Tôi giỏi lắm cũng chỉ biết đánh mõ, đánh tang tán xấp, thầy Tâm Minh tán rơi vẫn làm được như thường, tuy cái chất giọng miền Tây thì không dễ đổi. Phục thầy, tôi cũng bắt chước cách nhấn nhá của giọng miền Tây, nên sau này cầm micrô hòa giọng với nhau đỡ chỏi hơn nhiều.

Mấy năm hành điệu sống trong khuôn khổ, tôi khát khao được tập tành ứng phó Đạo tràng, nên lên ở Vĩnh Minh đúng như là cá gặp nước. Mấy năm đó, Vĩnh Minh có nhân sự, nên tổ chức nhiều chương trình, đặc biệt là Trại hè sinh hoạt Phật pháp thanh thiếu niên. Tôi được phân công làm MC và soạn chương trình. Làm MC chương trình thành công hay không phụ thuộc nhiều yếu tố, đặc biệt dàn âm thanh phải tốt. Lúc đó, dàn loa Vĩnh Minh còn rất tệ, nên chương trình bể dĩa hoài. Hiểu được khó khăn ấy, thầy Tâm Minh quyết định ra tay cải tạo âm thanh chùa. Thầy nói với tôi có tiền chưa chắc mua được đồ xịn, quan trọng phải biết lựa đồ, phải là dân trong nghề. Mà tu hành toàn là “thợ đụng”, đụng đâu làm đó chứ có ai là dân trong nghề. Thầy cầm dăm ba triệu xuống Sài Gòn năm bảy hôm, trở lại Vĩnh Minh với lỉnh kỉnh loa và âm li. Thầy dành vài ba hôm ráp từng chiếc như thợ chuyên nghiệp, rồi thử đi thử lại cho âm thanh nó thiệt là hay. Loa thầy mang về toàn là đồ cũ, nhưng đúng là chất thiệt, loa mới không bằng là cái chắc. Suốt hôm đó thầy cầm mic “a lô một, hai, ba, bốn”. “A lô một, hai, ba, bốn, năm, sáu”. Tôi cũng lấy micrô phụ họa “a lô, a lô chúng tôi đang thử “máu”. Có được dàn loa ngon thì chương trình vẽ ra cũng nhiều, nào Vu Lan, nào Phật Đản, Chúc Thọ, thậm chí Trung Thu cho thiếu nhi cũng bày ra tổ chức thật bài bản. Thầy Tâm Minh dù đứng ở vị trí trực âm thanh, bật nhạc nhưng là cố vấn cho tôi vai trò MC. Thầy không khen cho có, dở thầy nói là dở, hay thầy nói là hay. Có thầy cố vấn, tôi làm MC, soạn thảo chương trình lên tay thấy rõ. Nghe đồn ngày trước thầy học sân khấu điện ảnh, cùng khóa với Cát Phượng chi đó. Hèn chi thầy giỏi rứa! Lúc thầy xa chúng vào Từ Minh ẩn tu, mỗi khi tổ chức chương trình nọ kia là thiếu tay liền. Vì thế, khi có nghệ sĩ như Mỹ Linh, Hồng Ánh, Trương Thị May, Hiền Thục về chùa diễn, hay có giảng sư nỗi tiếng về Vĩnh Minh thuyết giảng, Tăng chúng cũng phải vào Từ Minh thỉnh cho được Thầy ra để lo giùm âm thanh. Nghệ sĩ chuyên nghiệp diễn phải có người làm âm thanh chuyên nghiệp. Mặc dầu, làm âm thanh là đứng dưới gầm sân khấu, nhưng tôi thấy Thầy thật lớn. Thầy không làm thì thôi, chứ làm là làm hết trách nhiệm.

Từ ngày Thầy vô Từ Minh ở hẳn, Vĩnh Minh cũng giảm tổ chức nọ kia, chú trọng vào sự tu tập và xây dựng chúng. Thỉnh thoảng, thầy cũng chạy ra chơi hoặc chúng tôi chạy vào thăm Thầy. Gần Thầy thấy mát mẻ, an lành. Chuyện tu hành ai tu nấy biết. Tôi có tính hướng ngoại, thích phụng sự, tổ chức nọ kia. Thầy thì ẩn tu, đào sâu kinh điển. Khác nhau thế nên ít khi có dịp trò chuyện với Thầy về sự tu để học hỏi ít nhiều. Đôi lần được cầm micrô trì Đại Bi bốn mươi chín biến cùng Thầy, thấy mình như thoát được cái phàm tục, như đi vào cảnh giới mô đó. Thầy trì chú có lực ghê luôn. Một người tu hành hời hợt không thể có được cái giọng tràn đầy nội lực như Thầy được.

Năm vừa rồi, thầy Minh Trụ nói với tôi thầy Tâm Minh bệnh rồi, bệnh nặng lắm, sợ không qua được. Tôi không tin. Thầy Tâm Minh trong mắt tôi luôn hồng hào, khỏe mạnh, bệnh chi mà bệnh. Tôi chạy vô Từ Minh thăm thấy Thầy vẫn an ổn bình thường, nói cười vui vẽ. Tôi không hỏi trực tiếp thầy nhưng nghe nói là có khối u, chưa biết là u lành hay ác tính thôi. Tôi muốn thầy xuống Sài Gòn khám để biết rõ bệnh tình thế nào rồi tìm cách chữa. Nhưng có lẽ thầy hiểu thân bệnh của mình ra sao và thầy đối diện. Nghe thầy đóng thất không tiếp ai để tự chữa trị, tôi tin thầy vượt qua được, đơn giản là tôi không thấy trong mắt thầy một chút gì đó bi quan hay sợ hãi. Lạc quan, tỈnh táo như rứa có chi là bệnh. Tới khi nghe tin Thầy viên tịch, tôi thoáng chút giật mình. Tôi không tìm được giọt nước mắt. Với tôi Thầy lúc nào cũng vui, cũng cười, sao tôi khóc được. Có lẽ, những ngày cuối, thầy cũng phải đối diện với cái đau thể xác, nhưng tôi tin Thầy đã có cách giải quyết công án sanh tử của mình. Thầy đi đâu đó thôi ấy mà, có gì mà buồn, mà khóc.

Vĩnh Minh mùa đông Ất Mùi, thầy Minh Trụ về lại Đồng Nai lập thất, thầy Tâm Minh ra đi, sao thấy lạnh quá quý thầy ơi! Giữa thời buổi nhiễu nhương, tìm được những vị thầy như Thầy Tâm Minh để gần để học khó quá! Thầy đi xa nhưng hình ảnh thầy Tâm Minh vẫn là điểm tựa tinh thần lớn lao cho chúng con trên bước đường tu học. Nguyện cầu Giác Linh thầy Cao Đăng Phật Quốc!



Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: