Tết Ở Chùa Mình

In

Vĩnh Minh Tự Viện

(Viết cho quý huynh đệ ở xa.)

Cuối năm đóng cửa 21 ngày, lạy Phật và viết lách, mọi việc bên ngoài giao hết cho các chú, nên chi đang ở chùa mà rất nhớ chùa, rồi chợt nghĩ đến các huynh đệ ở xa.

Cái tết năm 1983, sức khỏe Sư Phụ rất yếu sau đợt xuất huyết ở chùa Linh Phong Đà Lạt nhân đợt giảng Kinh Pháp Hoa. Sau giờ giao thừa Sư Phụ nói: “Ngọn đèn này dầu đã cạn, Thầy châm lửa qua những ngòn đèn khác. Thầy mong ngọn lửa sẽ được truyền đăng rộng ra, sáng mãi. Và nếu không còn ngọn đèn nào, Thầy cũng mãn nguyện, vì đã làm tròn trách nhiệm của mình”. Hơn 30 năm rồi! Ngọn đèn của Thầy châm ra bây giờ đang tỏa sáng khắp nơi. Thầy Nguyên Chánh, Thầy Nguyên Dũng, Thầy Quang Châu ở Mỹ. Thầy Nguyên Thái, Nguyên Thuận, Nguyên Giác, Nguyên Lập ở Phú Thọ, miền Bắc. Thầy Nguyên Tân ở Bình Dương, Thầy Nguyên Trung ở Đồng Nai, Thầy Nguyên Thắng ở Đăklăk, Thầy Nguyên Đức ở Sài Gòn, Thầy Nguyên Hạnh ở Lâm Hà, Lâm Đồng, và còn bao nhiêu huynh đệ nữa đang ẩn tu ở khắp nơi, cũng là những ngọn đèn lấp lánh. Đó là chưa kể chư Ni, số ra trụ trì, số còn đi học, hoặc cất am thất tu hành, kể ra, môn phong Vĩnh Minh Tự Viện khá hưng thịnh phải không quý huynh đệ?

Nhớ cái tết Giáp Thân (2003-2004), toàn thể huynh đệ mình kéo vào thất khánh tuế, nghe Sư phụ truyền trao, đâu ai ngờ đó là cái Tết cuối cùng được đảnh lễ Sư phụ.

Sau đó một năm, trong đêm giao thừa, Thầy Nguyên Chánh đã thay mặt Đại chúng tác bạch khánh tuế trụ trì, đúng vai trò của một Thầy Tri sự. Trong khi, tân trụ trì thì lúng ta lúng túng, bất đắc dĩ phải đứng nhận lễ của huynh đệ như một trọng trách mà Sư phụ giao lại. Thấm thoát đã 10 năm!

Chắc quý anh em xa quê, xa chùa, xuân về cũng nhớ chùa lắm! Làm sao không nhớ được! Ngày còn Sư phụ, một chiếc lá vàng cũng không được phép vướng víu trên ngọn lộc xuân, huống hồ là cỏ rác. Thế là huynh đệ mình ngày quét dọn, đêm lau cửa kính chùa, lau tượng Phật, sơn phết, tưới tẩm hoa lá. Có năm đến giao thừa rồi mà có huynh đệ còn chưa kịp cạo đầu. Mặc dầu biết quét dọn sạch như thế cũng chỉ để ngày hôm sau cho Phật tử thập phương xả rác. Đúng là không ai chuẩn bị Tết kỹ như Sư phụ.

Nào là bánh tét bánh chưng, đêm 28 huynh đệ chia nhau thức canh bên bếp lửa hồng. Nào là hoa mai hoa đào, trước chánh điện, trong giảng đường, giữa hậu Tổ, bình nào bình nấy rực rỡ sắc xuân. Nào là phong lan, địa lan, Sư phụ đi một vòng là Phật tử cúng dường về treo lủng lẳng, ai tới cũng tưởng huynh đệ mình chăm sóc giỏi quá. Nhớ nhất là mấy ngày gần tết, Sư phụ giao bơm nước từ dưới sông lên hồ Liên Trì và tưới tẩm. Huynh đệ mình có cơ hội lìa chùa một đêm, ôm mền xuống bờ sông canh máy. Có năm Sư phụ đi xuống xem thử mấy chú làm gì trốn hết xuống bờ sông, bắt tại trận mấy anh em mình…mở cassette nghe nhạc! Có lẽ trong huynh đệ mình không ai kinh nghiệm hơn Thầy Nguyên Thắng cái khoản bơm nước này. Cái xe máy đánh chùa mình ngày ấy đâu rồi nhỉ? Hàng hóa về chùa lúc nào cũng có Thầy Nguyên Thuận ra ngả ba bốc xếp, nhờ vậy mà hôm nay Thầy Nguyên Thuận trở thành “tay lái lụa” trong anh em ngoài Bắc đó, lên từ dạo ấy, hihi!

Thầy Nguyên Thái và Thầy Nguyên Đức khéo tay, mấy ngày này thì giúp Sư phụ cắt cắt dán dán, câu đối băng rôn treo đầy tiền đường hậu tẩm. Thầy Quang Châu thì thức đêm lau kính, buồn ngủ không chịu nổi bèn leo lên lầu chuông trống ngủ khò. Thầy Nguyên Trung thì tỏ ra một người chỉ huy mẫn cán, từ trên xuống dưới sắp xếp đâu ra đấy, cái gì không ngăn nắp thì không chịu, đúng là có tư chất trụ trì. Còn ông Di lặc Nguyên Giác hồi đó làm gì không nhớ nhỉ? À mà nhớ công việc làm gì, nụ cười ông ấy cũng đủ làm cho chúng tràn ngập mùa xuân! Thầy Nguyên Hạnh thì tỏ ra là thị giả số một trong chúng của mình, hủ dưa món nào dành cho Sư phụ, loại bì thư nào chuẩn bị cho Sư phụ phát lộc, lắng nghe một cách nhạy cảm những ý tứ của Sư phụ xuống truyền lại cho chúng, lanh ra phết!

Nhớ năm nào không rõ, hồi nhà nước còn cho đốt pháo. Đêm giao thừa Thầy Nguyên Dũng ra châm pháo, châm đến mấy lần mà pháo xì chẳng nổ. Năm ấy, huynh đệ bỏ đi nhiều, chẳng biết có phải do phong pháo? Nhưng vậy đó, đi rồi về, tan rồi hợp, toàn thể huynh đệ mình ai bỏ được Vĩnh Minh đâu!

Chỉ thương Thầy Nguyên Cần ra nằm ngoài mộ. Mồng một tết năm nay là tiểu tường cô Nguyên Minh, thân mẫu Thầy Cần. Huynh đệ ở xa thắp một nén nhang nhớ về Thầy nhé.

Tết năm nay không có huynh đệ nào về chùa ăn Tết, chắc các chú rất trông mấy Sư Thúc ra tết về lì xì lắm đó! Ai có chùa nấy, lo Phật sự của mình, cái duyên nó là như thế. Có bao giờ quý Thầy nghĩ rằng dành một cái Tết nào đó, tất cả huynh đệ, đêm giao thừa kéo hết về đảnh lễ Giác linh Sư phụ mình không? Rồi xúm nhau ngồi cắn hột dưa, uống trà, chắc là vui lắm!

Sợi dây nối thế hệ trước với thế hệ sau chính là chú Quảng Hậu, lầm lầm lì lì, thế mà tết này trở thành Tổng chỉ huy chùa mình đó! Nguyên Hiền nhập thất, thế mà cứ nghe bên ngoài máy cắt cỏ cắt xoằn xoạc, máy chùi đồng dánh xòe xòe, thỉnh thoảng nghe giọng Quảng Hậu la to như ra lệnh Quảng Phước quét chỗ này, Quảng Định quét chỗ kia. Quảng Huệ treo hoa, Quảng Từ lau nhà Tổ, Quảng Tú, Quảng Mẫn, Quảng Tâm, Quảng Chiếu, Quảng Pháp, Quảng Lưu, Quảng Tựu, Quảng Hạnh, Quảng Trí ai có việc nấy. Mấy anh em học ở Đà Lạt về, cả Trung Pháp, Quảng Đức nhận lệnh của Quảng Hậu làm răm rắp. Nghe nói chùa hôm nay từ trên xuống dưới sạch bong. Hoa quả bánh mức Thầy Quảng Tấn Quảng Niệm lo đủ đầy, ở trong thất mà thấy lòng vui lắm. Anh em rồi ai cũng trưởng thành, lớp sau nối lớp trước, huynh bảo đệ nghe, ấm cúng chi lạ!

Nguyên Hiền ở trong thất, 30 mới ra, bảo chú Quảng Mẫn chụp vài tấm hình chùa mình, gửi mấy Sư Thúc ở xa xem, đỡ nhớ chùa, huynh đệ nhỉ!

Sân Di Đà mới được hoàn thành ngay trong dịp tết xuân Giáp Ngọ.

Cổng Tam Quan

Trang trí chánh điện nhân mùa xuân về Tết đến.

Nhà Tổ

Giảng Đường



Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: