TÂM SỰ CUỐI NĂM

In

Thích Nguyên Hiền

1. Tách trà dâng thầy.

Sau khi Tôn sư viên tịch, mỗi sớm tôi thường chế trà dâng Thầy một chén cùng ba nén hương, một lư trầm. Những tưởng Thầy vẫn còn ngự ở đó, để đệ tử được thị giả, hầu trà. Thói quen ấy kéo dài, lòng vui lắm. Thế rồi một hôm được đi Hồng Kông, thấy bộ chén trà đẹp quá, dốc hết hầu bao mua cho bằng được để về chế trà cúng Thầy, bộ trà cũ đem cho. Được vài hôm, sợ ấm trà quý bị vỡ, do mấy chú không cẩn thận, nên đem cất vào tủ cho an toàn. Thế là thói quen cũ bị gián đoạn. Trong tủ có bình trà đẹp, nên tự nhiên hình thành một thói quen mới: Đi đâu cũng kiếm một bình trà đẹp mua về làm kỷ niệm, chưng trong tủ như một bộ sưu tập, ai xin cũng không cho. Từ khi cất được một căn phòng gỗ bên cạnh Tổ đường, không còn ở cạnh bàn thờ Thầy như trước, tự nhiên đệ tử với Thầy cách xa. Nhiều khi đi xa về cũng làm biếng sang Tổ đường lạy Thầy, thắp một nén nhang, thật tệ! Hôm qua dọn Tết, đích thân trụ trì lên lau chùi di ảnh Tôn sư, sửa soạn đèn nhang, chưng bày hoa quả, thấy tách trà nguội đã lâu nằm dưới bàn, mốc thếch, tự dưng cảm thấy có lỗi với Thầy. Sáng nay dậy sớm, lựa một cái chén thật đẹp, có dĩa nắp đàng hoàng, chế một bình trà thơm ngát, bưng qua đặt lên trước di ảnh Tôn sư, thắp 3 nén nhang, một nén trầm, đãnh lễ sám hối với Thầy, sám hối với lòng mình, tha thiết.

Tự dặn lòng, dù chẳng làm được việc gì, mà gần Thầy thì vẫn hạnh phúc. Dù làm trăm công nghìn việc, mà càng ngày càng xa Thầy là đại bất hiếu.

2. Quà quý.

“Gạo tháng giêng tiền tháng chạp”. Cuối năm bao giờ vẫn vậy, bao nhiêu tiền bạc lo thanh toán nợ nần, chia sẻ cùng huynh đệ. Chùa rộng, khách đông, ngày xưa Thầy tôi thường bảo: Chỗ thập phương thiện tín đến lễ Phật đầu năm, phải sắm sửa hoa quả thật tươi, quét dọn sạch sẽ, trước cung đón long thần Hộ pháp hộ trì, sau báo ân đàn na tín thí. Ngày xưa những ngày giáp Tết Thầy tôi thường đi mua hoa, những chậu lan rất đẹp, và tất nhiên là rất đắc tiền. Nhưng mỗi lần đem về, thầy tôi thường bảo là do Phật tử tiến cúng. Chúng thắc mắc, Thầy bảo: “Ở ngoài người ta chạy từng đồng sắm sửa cái quần cái áo cho con. Mình nói mua chậu lan đắc tiền, người ta dị nghị”. Sau khi Thầy viên tịch, tôi cũng bắt chước Thầy, hoa quả năm nào cũng sung túc, huynh đệ có hiểu hay không cũng không quan trọng, mình làm mình biết.
Cuối năm, Thầy Nguyên Trung từ Vĩnh Giác Đồng Nai gọi điện lên: “Năm nay mai bị hư hết, em để dành được 2 chậu lớn cho sư Bác, còn 2 chậu nhỏ, rất đẹp, sư Bác đặt trước bàn Ôn cho em”. Ngay ngày hôm sau, một chiếc xe tải chở 4 chậu mai từ Đồng Nai lên, nụ xanh nụ vàng sung nẫm. Chú Quảng Hậu sợ tôi không hiểu ý Thầy Trung, dặn dò tôi kỹ lưỡng: “Sư phụ đừng đặt cái gì ở trước bàn Ôn, để dành 2 cái đôn chưng 2 chậu mai của Thầy Trung”. Tôi vui vì Quảng Hậu cảm được món quà quý.

26 Tết, Thầy Nguyên Thái từ ngoài Bắc về thăm thân phụ bệnh, lên Đà Lạt mua một chậu lan xanh thơm đem về cúng Sư phụ. Tôi đã có trước mười mấy chậu, nhưng có lẽ không có chậu nào quý bằng chậu lan của Thầy Nguyên Thái, đơn giản vì đó là sự khẳng định cái tâm, cái tình của người Sư đệ mà tôi luôn ôm ấp. Khổ nỗi, trong bàn Ôn đã có 2 chậu mai của Thầy Trung rồi, đặt “Thầy Thái” ở đâu đây. Đang lúng túng chiều 29, tự nhiên người nhà Thầy Thái vác xuống một thùng Phật thủ, bảo từ ngoài Bắc gửi vào. Phật thủ rất to, thơm và lạ mắt, tôi đã biết dâng cúng nó ở đâu.

Có nhiều khi các chú hương đăng không hiểu vì sao tôi muốn đặt cái này chỗ này, cái kia chỗ kia, thay đổi hoài. Khách du xuân nhiều khi không hiểu hết sự bài trí ở chùa. Chỉ có người sống trong tương quan huynh đệ mới cảm hết được cái trân quý của một món quà, dù chỉ là hủ dưa món, cái bánh chưng.

Không thấy được cái quý của những món quà, đời sống còn gì để nói!

Sau đây là một số hình ảnh chúc Tết các huynh đệ

3. Bậc kỳ túc.

Đầu năm thầy trò chúng tôi thường y áo sang đảnh lễ các bậc tôn túc trong trụ xứ. Những năm trước mỗi lần ra ôn Thiện Hạnh, chẳng bao giờ chúng tôi được đảnh lễ Ngài, vì điều đó có vẻ không phải là việc đối với Ngài, một ông thầy tu thứ thiệt, một bậc trưởng lão có thể nói là hiếm hoi trên mãnh đất Việt Nam ngày nay. Tôi chẳng biết phải dùng từ ngữ nào để diễn tả Ngài, Hòa thượng Thiện Hạnh. Chân phương, mộc mạc, giản dị, thuần phác nhưng lại ngời ngời đức hạnh, tịnh băng thế sự và ấm áp tình người. Tôi gọi chú Quảng Mẫn chuẩn bị vài món quà, 2 thầy trò loay hoay mãi mà chẳng biết chọn món gì dâng cúng cho Ôn. Cặp báng chưng, đòn bánh tổ kể cũng là xa xỉ đối với bậc luôn lấy Đạo làm xuân. Bước vào am thất đơn sơ giữa rừng hoang ngay trong lòng Tịnh xứ, chỉ thấy Thầy Quảng Thiện đang lễ Phật thành kính trong bộ y vàng như chính đó mới là đón Tết. Hòa thượng bước ra, miệng cười hoan hỷ, có phần tuổi tác in trên dáng dấp của một bậc chân tăng 85 tuổi. Tôi biết với Ngài thì chẳng cần lễ mễ gì cả, nên cũng tự nhiên ngồi đối diện hầu chuyện với Ngài. Năm nay trời lạnh, tôi vấn an sức khỏe Ngài, ngay tức thì nhận được nụ cười vả lả trước vô thường: “Càng già thì càng yếu chứ sao!, có thân thì có khổ mà, Phật dạy rồi!...”

Ngày giáp Tết bận rộn không hầu chuyện Ngài được lâu, chúng tôi đứng dậy xá Ngài ra về, Ngài đưa chúng tôi ra tận cổng trên đỉnh đồi, dễ thương chi lạ!

Tôi dám chắc rằng, hạnh phúc nhất trong đời tu là được đảnh lễ, viếng thăm các bậc kỳ túc. Bất hạnh thay những ai không còn niềm tin vào các bậc kỳ túc. Và tôi chỉ cho bạn người đó, dù bạn ở đâu: Hòa thượng Thiện Hạnh, ẩn sĩ cuối cùng của mặt đất!

4.
5.
6.

(Bận quá, sẽ viết tiếp trong nay mai)



Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: