Nhân Duyên Dịch Kinh Kiến Chánh

In

 

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Từ lúc xuất gia, ngay cả nhiều năm được diễm phúc tiếp xúc với Đại Tạng kinh, tôi vẫn chưa bao giờ nghe đến tên kinh Kiến Chánh. Năm Quý Mùi (2003), tôi may mắn được về hầu Thầy nhập thất. Một năm sau, sáng ngày 30 tháng 02 năm Giáp Thân, tôi vào hầu thầy, thấy trên nét mặt Thầy có phần khó chịu, ưu tư. Tôi mạo muội vấn an. Thầy đáp: “Khuya nay tự nhiên Thầy thấy chư thiên tầng trời thứ 33 thỉnh Thầy giảng Kinh Kiến Chánh. Thầy nói: “Tôi chưa hề đọc kinh Kiến Chánh, làm sao mà giảng?”. Nói rồi họ vẫn rước lọng thỉnh đi. Lúc ấy có một người cầm quyển kinh Kiến Chánh để trước mặt để Thầy vừa đi vừa đọc, đọc rồi sẽ giảng.

Tôi thắc mắc: “Chư thiên thỉnh đi giảng kinh là một việc tốt, có gì đâu mà Thầy phải ưu tư?”. Im lặng giây lâu, Thầy đáp: “Từ hồi nào đến giờ, Thầy không hề nghĩ đến cõi trời, sao hôm nay lại thấy cõi trời hiện ra? Tôi bạo gan dẫn giải: “Có lẽ mấy hôm nay Thầy tụng kinh A-hàm, thấy trong kinh có diễn tả cõi trời Tam thập tam, nên bị ám ảnh. Chỉ sợ Thầy mê không biết, chứ nếu tỉnh thức, biết được thì chỉ cần chuyển niệm về Tây phương Cực lạc là đuợc, có gì mà Thầy phải ưu tư!

Lúc ấy tôi chỉ buộc miệng nói thế, không hề nghĩ rằng đó là những ngày tháng cuối cùng của thầy. Tối mồng 5 tháng 2 nhuần, Thầy gọi hết đồ chúng vào, dặn dò kỹ lưỡng rồi bấm đốt tay tính ngày ra đi. Thầy bảo nếu đi được vào ngày 16 thì khỏe cho các con sau này, giỗ Thầy trùng với giỗ Hòa thượng Tôn Thắng, làm chung luôn thì tiện việc biết mấy. Chỉ sợ không kịp đến ngày 16. Tôi quỳ bên giường bộc bạch: “Thầy còn khỏe lắm, bao giờ đi thì đi, lo làm gì cho mệt. Thầy bảo: “Việc Thầy đã xong, Thầy chẳng con lo gì nữa, Thầy chỉ lo cho các con thôi.. .”

Ôi! Lời nói của một người rồi việc, lo xong chuyện sanh tử, chỉ đợi giờ ra đi. Suốt mấy ngày sau, nằm trên giường bệnh, thỉnh thoảng tôi thấy Thầy đưa tay diễn tả, miệng lẩm bẩm như đang giảng kinh. Rồi Thầy nói với chúng tôi về cảnh giới Thầy đang cảm thấy, nào là các vị Bồ tát vân tập, ánh sáng lạ chiếu trên đầu giường. Nào là hoa sen từ hư không giáng xuống. Các bác sĩ Đông y lẫn Tây y đến khám bệnh đều bảo Thầy không hề có bệnh gì cả, chỉ là ăn không được nên sức khỏe yếu dần. Thầy không hề đau đớn. Chiều ngày 12 tháng 2 nhuần, Thầy gọi trụ trì và tri sự hai chùa vào, rồi bảo: “Thầy rất tỉnh táo, Thầy rất sáng suốt...”. Thầy lặp đi lặp lại nhiều lần câu nói ấy. (Chúng tôi vẫn còn thâu băng những lời cuối cùng này). Thầy dặn dò và phú chúc những lời cuối cùng, rồi chắp tay niệm lớn câu Nam mô A Di Đà Phật, như làm pháp yết ma, từ đó hơi thở Thầy yếu dần. Thầy đã trút hơi thở cuối cùng vào 06g20 sáng hôm sau giữa tiếng niệm Phật râm ran của đồ chúng.

Suốt một đời giảng kinh, đến lúc lâm chung, lưỡi đã thụt vào rồi mà vẫn giảng kinh. Chiều ngày 12 tháng 02 nhuần có mấy Phật tử ở Bảy Hiền lên thăm, quỳ khóc bên giường. Thầy khua tay bảo chuyện gì phải khóc rồi nói kệ Bát Đại Nhân Giác: “Thế gian vô thường, quốc độ nguy thúy, tứ đại khổ không, ngũ ấm vô ngã...”

Sau tang lễ, vì quá bận rộn, chúng tôi quên bẵng chuyện kinh Kiến Chánh. Hôm nọ đi dạy trên Trường Cơ Bản Phật Học Lâm Đồng, gặp Thầy Phương Đạt, Thầy bảo kinh Kiến Chánh là có thật và đưa tôi xem hạng mục trong từ điển Thực Dụng. Tôi vui mừng về báo lại với Thầy Nguyên Chánh. Thầy Nguyên Chánh rất hồ hởi. Tự đi tìm Đại Tạng để tra cứu và photo đem về dịch thuật.
Chúng tôi dự định in kinh Kiến Chánh đã được dịch chung với tập kỷ yếu của Hòa thượng. Sau đó tôi thấy kinh này có nghĩa lý rất hay, nói về sự chuyển biến của thức sau khi chết, giảng rõ lý Thập nhị nhân duyên. Đức Phật đã dùng rất nhiều ví dụ khúc chiết để giảng giải. Xét ra Thập nhị nhân duyên là giáo lý rất căn bản, nhưng ở Việt Nam hiện không có bản kinh nào nói về lý này, để phật tử có thể tụng đọc hàng ngày. Do vậy không nại hiểu biết nông cạn, tôi chuyển bản dịch của Thầy Nguyên Chánh thành câu bốn chữ, cốt dễ hiểu dễ tụng, để Phật tử có thể tụng đọc hàng ngày.

Trong Lăng Nghiêm có câu: “Tâm thông thuyết thông”. Thiển nghĩ Hòa thượng chưa hề đọc kinh Kiến Chánh, thế mà chư thiên vẫn thỉnh đi giảng, chỉ cần đọc qua khi rước lên pháp tòa là có thể giảng được, đó là một minh chứng đặc biệt. Khi tâm thông thì mọi giáo thuyết đều có thể thông suốt.

Kinh này ngắn gọn, rõ ràng, chỉ sợ phàm phu chúng ta ngu muội cố chấp, không hiểu được chuyện đến đi của sanh tử, vì vậy Đức Phật mới dùng nhiều ví dụ, lặp đi lặp lại, giúp chúng sanh hiểu được. Chúng ta cũng nên tụng đọc kinh này hàng ngày để khắc sâu lời Phật dạy.

Vì muốn dịch thành câu bốn chữ, nên nhiều chỗ vụng về, sai sót. Kính mong các bậc cao minh chỉ giáo để bản dịch ngày một hoàn thiện hơn.

Vĩnh Minh Tự Viện
Tỳ kheo Thích Nguyên Hiền
Thành Kính Đảnh Lễ

 




ĐỨC PHẬT THẾ TÔN NÓI KINH KIẾN CHÁNH
(cũng gọi là KINH SANH TỬ BIẾN THỨC)
Tam tạng Pháp sư Trúc Đàm Vô Lan,
Người nước Thiên Trúc, dịch đời Đông Tấn

 

 

Tôi nghe như vầy, vào một thuở nọ, Đức Phật ở tại, Tinh xá Kỳ Hoàn, thuộc nước La Duyệt. Sau khi thọ thực, Đức Phật cùng với, năm trăm tỳ kheo, một ngàn Bồ-tát, và Ưu-bà-tắc, mang những phẩm vật, vừa được cúng dường, đứng dậy đi ra, ngoài thành La Duyệt. Đến một chỗ kia, gặp một gốc cây, tên là Cam Hương, rễ sâu gốc lớn, cành lá sum suê, hoa trái đỏ thắm, hương vị thơm ngọt. Mặt đất dưới cây, bằng phẳng thoáng rộng, đá xếp từng cụm, thành những tòa ngồi. Đức Phật tỏ ý, dừng lại nơi này, các Ưu-bà-tắc, liền trải tọa cụ, tạo thành một chỗ, hết sức trang trọng. Đức Phật liền đến, ngồi vào nơi đó. Các vị đệ tử, Thanh Văn Bồ-tát, cũng đều đến ngồi, xung quanh Đức Phật.
Đang lúc như thế, có vị Tỳ kheo, là người vừa mới, được mặc pháp phục, nên trong tâm ý, có điều nghi ngờ, thầm nghĩ ngợi rằng: “Đức Phật từng dạy, vẫn có sự sống, tiếp ở đời sau. Một khi con người, đã chết đi rồi, thần thức của người, không thể trở lại, đối mặt mách bảo, cho người sống biết. Vì sao như thế?” Tỳ kheo Kiến Chánh, dự định đem chỗ, nghi ngờ của mình, thưa hỏi Đức Phật. Chưa kịp mở lời, Đức Phật đã biết, nên nói trước rằng: Này các đệ tử! Cái gốc cây này, do một hạt giống, cộng với duyên hợp, của tứ đại chủng, mà phát triển thành, một tàng đại thọ, che mát bao người.

Khi cây chỉ là, một hạt giống nhỏ, chưa có gốc rễ, chưa có hoa quả, đến khi tăng trưởng, gốc chuyển thành cây, vươn tỏa rộng ra. Ngay lúc ban đầu, gọi là hạt giống, thành một cây lớn, cây lại sanh quả, quả lại thành cây, trải bao năm tháng, dần dần tăng trưởng, vô số như vậy. Đức Phật liền bảo, với các đệ tử: Nếu muốn gom hết, tất cả gốc rễ, cành lá hoa trái, về lại hạt giống, liệu có được không? Tất cả đệ tử, đều bạch với Phật, rằng không thể được. Hạt giống nhỏ kia, khi đã biến chuyển, không thể trở lại, giống như cũ được. Hạt giống nhỏ kia, khi bị hủ mục, thì nó tự nhiên, chuyển thành sự sống. Sự sống biến dị, luân chuyển như thế, cho đến vô cùng. Sanh trưởng biến dị, cuối cùng trở về, ở chỗ hủ mục, nhưng không thể nào, gom chúng trở về, chỗ hạt giống nhỏ, ban đầu được nữa.

Đức Phật lại bảo, các đệ tử rằng: Sanh tử con người, cũng giống như thế! Trước hết thần thức, là pháp khởi đầu, khởi đầu là si. Do vì ngu si, đưa đến tham ái. Ngu si cũng giống, như hạt giống kia. Hạt giống tuy nhỏ, lớn lên thành cây. Từ hạt giống si, lần lượt đưa đến, nhiều nhân duyên khác. Từ si mà ra. Si là vô minh, vô minh sanh hành, hành sanh ra thức, thức sanh tự sắc. Từ nơi tự sắc, sanh ra lục nhập, từ nơi lục nhập, sanh ra cánh lạc. Cánh lạc sanh thống, thống sanh ra ái, ái sanh ra thọ, thọ sanh ra hữu, hữu đưa đến sanh, rồi đến lão tử. Kết hợp mười hai, chi nhân duyên này, mà có thân mình. Hễ có thân mình, ắt có già chết. Thần thức biến đổi, theo hành mà chuyển, lại có cha mẹ, rồi thọ hình thể. Có hình thể rồi, lại vướng lục tình, tăng thêm tập khí, thọ nhân khổ vui, rồi theo phong tục, sống đời sống mới, không còn như cũ, không thể trở lại, như thức ban đầu. Từ đó chấp trước, những thấy biết mới, chấp thân là thực, chấp thân là thường, dính mắc vào những, giả dối hiện tại, rồi cho là thực, cho rằng không có, đời trước đời sau. Khi thần thức chuyển, tùy theo hành nghiệp, có thân hậu hữu. Thần thức dời đổi, lại có cha mẹ, lại thọ thân mới, lại thọ sáu căn, lại thêm tập khí, lại chịu khổ vui, thay đổi phong tục, không còn nhận biết, những chuyện truớc kia, không thể trở lại, chỗ thọ thân cũ, những thói quen cũ, nơi chốn cũ nữa. Giống như gốc cây, không thể trở lại, hạt giống cũ được.

Ngay trong lúc ấy, Tỳ kheo Kiến Chánh, nghe Phật nói xong, Ngài liền đứng dậy, đến quỳ trước Phật, mà bạch Phật rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Trong lòng của con, hãy còn rất nhiều, những điều hồ nghi. Nay con muốn đem, những chỗ ngu tối, ở trong lòng mình, ra hỏi cặn kẽ. Kính mong Thế Tôn, vì thương xót con, chỉ bày cặn kẽ. Rằng kể từ khi, sanh ra đến giờ, cũng đã nhiều lần, con thấy người chết. Hoặc là cha con, anh em vợ chồng, họ hàng thân thích, hoặc là bè bạn, láng giềng thân ái, hoặc là những kẻ, oán thù ganh ghét. Những người như thế, sau khi chết đi, không thể trở lại, báo cho biết rõ, những nghiệp thiện ác, mà họ đang chịu, vì sao như thế? Thần thức vô hình, chẳng bị cách ngại, sao chẳng thấy về, đối mặt báo lại, cho người ta biết. Cúi xin Thế Tôn, chỉ bày rõ ràng, giúp cho chúng con, giải trừ nghi hoặc, thấy rõ chân lý.

Đức Phật dạy rằng: Này các Tỳ kheo! Thần thức vô hình, mỗi khi đổi dời, tùy theo hành nghiệp, mà có hiện hữu. Nếu trong đời này, làm điều phước thiện, thì thần thức cũng, theo nghiệp thiện ấy, mà được chuyển sanh, do đó thần thức, không thể trở lại, trước mặt người thân, mách bảo rõ được. Vì sao như vậy? Vì cũng giống như, người thợ luyện kim, nấu chảy đá quặng, gạn lấy sắt thép. Rồi lấy sắt thép, đã được gạn lọc, làm thành đồ dùng. Liệu đồ dùng ấy, có thể trở lại, thành quặng được chăng? Tỳ kheo Kiến Chánh, bạch với Phật rằng: Không thể nào được! Đá quặng gạn lọc, thành sắt thép rồi, không thể trở lại, như cũ được nữa. Đức Phật dạy rằng, khi thần thức chuyển, trụ thân trung ấm, giống như đá quặng, đã gạn thành sắt. Từ thân trung ấm, thần thức chuyển dời, thọ sanh thân khác, giống như sắt thép, đã thành đồ vật, hình thể thay đổi, không còn như cũ, không thể trở lại, như thức cũ nữa. Vì sao như vậy? Vì khi thần thức, mang các hành nghiệp, hoặc thiện hoặc ác, đi thọ thân khác, thì sẽ chuyển hóa, biến đổi khác đi, giống như sắt thép, đã thành đồ vật. Như người tu hành, giữ tròn năm giới, sẽ sanh thân người, có cha có mẹ, rồi bị sáu thứ, hệ lụy che lấp, làm cho quên hết, những việc đời trước. Một là chết đi, theo thân trung ấm, không thể trở lại; hai là ở trong, bào thai u tối, quên hết tất cả; ba là sanh ra, vì quá đau đớn, nên đã quên mất, cái biết trước kia; bốn là sanh ra, tiếp xúc các cảnh, những sự hiểu biết, trước kia tiêu mất, rồi lại khởi ra, những tư tưởng mới; năm là sanh ra, đam mê ăn uống, niệm tham khởi lên, quên mất các sự, hiểu biết trước kia; sáu là sanh ra, đến khi lớn lên, tâm trí huân tập, những thấy biết mới, dần dần quên hết, không còn nhớ lại, những thấy biết trước.

Này các đệ tử! Như người khách buôn, chu du bốn phương, thấy đủ mọi sự, khổ vui ở đời. Người ấy chợt nghĩ, về một xứ sở, ở tại phương đông, theo lẽ tự nhiên, ba phương còn lại, không còn hiện hữu, trong ý niệm nữa. Sanh tử qua lại, cũng giống như thế. Đời này làm gì, khi qua đời khác, sanh niệm tưởng khác, những thức tưởng cũ, không còn hiện hữu, như người khách buôn, nghĩ tới một phương, ba phương còn lại, sẽ không còn nữa. Sáu thứ hệ lụy, tác dụng ràng buộc, che lấp ngăn ngại, khiến cho thần thức, không thể trở lại, như cũ được nữa.
Con người chết đi, cũng như hạt giống, nay đã thành cây, như là quặng đá, đã lọc thành sắt, biến gốc đổi tên, không thể trở lại, đối mặt mách bảo, với người sống được.

Đức Phật lại bảo: Như thợ đồ gốm, nắn đất thành vật, đem nung trong lửa, hóa thành sành sứ, có thể làm cho, sành sứ trở thành, đất cũ được chăng? Đệ tử đều nói: Bạch không thể được! Đất đã đem nung, thành đồ sành sứ, không thể trở thành, đất dẻo được nữa. Đức Phật dạy rằng: Này các đệ tử! Khi thần thức chuyển, tùy theo hành nghiệp, mà thọ thân hình, như đất thành sứ. Người không đạo hạnh, không có tuệ nhãn, không thể biết được, những việc đời trước, không thể chết rồi, trở về báo được.
Này các Tỳ kheo! Giống như gỗ lớn, được người thợ khéo, chạm trỗ thành nhiều, đồ vật sắc sảo. Nếu như có người, muốn chắp các thứ đồ vật đã chạm, trở về nguyên vẹn, như gỗ ban đầu, phỏng có được không? Đệ tử đều đáp, bạch không thể được. Gỗ đã cưa xẻ, rồi đem chạm trổ, vụn vặt hết rồi, không thể chắp lại, thành cây được nữa. Phật bảo đệ tử: Thần thức con người, ở trong đời này, làm các hành nghiệp, hoặc thiện hoặc ác, đến khi lâm chung, thần thức đổi dời, theo nghiệp thọ thân, tất cả thấy biết, tất cả tập khí, không còn như cũ, không thể trở lại, báo cho biết được, như cây cưa rồi, không thể chắp nối, cho sống lại được.

Đức Phật lại bảo: Thí như người thợ, nung sỏi làm son, làm mất màu trắng, tạo thành son đỏ, rồi hòa với nước. Này các đệ tử! Nếu muốn làm cho, màu son đỏ kia, trở thành đá trắng, như cũ được không? Đệ tử đều đáp, bạch không thể được! Khi hòn đá sỏi, được nung được đốt, là đã biến chất, không thể trở lại, trạng thái cũ được. Đức Phật dạy rằng: Sanh tử con người, cũng giống như thế! Người chưa chứng đạo, chưa có tịnh nhãn, sau khi chết đi, thần thức theo nghiệp, biến hóa khác đi, mang một thân khác, trải qua đời khác, lại thọ bào thai, mọi sự thấy biết, và tập khí cũ, thảy đều thay đổi, không thể nhớ biết, những việc cũ nữa, giống như đá sỏi, đã biến thành son, không thể trở lại, như cũ được nữa.
Đức Phật lại bảo: cũng giống như nước, đựng trong bình tròn, nếu đổ nước ấy, qua bình hình vuông, thì thể của nước, lại mang hình vuông, tùy theo đồ đựng, là lớn hay nhỏ, là cong hay thẳng, là vuông hay tròn, mà thể của nước, mang hình dáng ấy. Này các đệ tử! Sanh tử con người, cũng giống như thế! Thần thức vốn không, không hình không tướng, không có nhất định, tùy theo hạnh nghiệp, là thiện hay ác, mà thọ lấy thân. Trắng đen cao thấp, khổ vui tốt xấu, tùy nghiệp thọ dụng, như hình thể nước, thay hình đổi dạng, theo đồ đựng vậy! Khi mang thân người, làm việc phi pháp, thì khi chết đi, đọa vào súc sanh, mang thân xấu xa, không còn nhớ biết, những việc đời trước, làm sao trở về, mách bảo được nữa.

Này các đệ tử! Thí như con sùng, sinh ra trong đất, không có tiếng kêu, cũng không có cánh. Khi đủ nhân duyên, thời tiết khí hậu, con sùng biến hóa, thành con ve sầu, bay đậu lên cây, kêu suốt ngày đêm. Đức Phật lại hỏi, các đệ tử rằng: Con ve sầu kia, có thể trở lại, làm thân con sùng, dưới đất được không? Các đệ tử thưa: Bạch không thể được! Con sùng biến hóa, bỏ âm tới dương, thân hình biến dị, đợi đến khi chết, bị chim mổ nuốt, không thể trở lại, làm sùng được nữa. Phật bảo đệ tử! Sanh tử con người, cũng giống như thế! Khi mạng đã hết, thần thức chuyển dời, thọ một thân mới, ngũ ấm che đậy. Tất cả thấy biết, và những tập quán, giờ đã đổi khác. Mang thân mới này, còn bị già chết, không thể trở lại, nơi mang thân trước, báo cho người thân, biết cảnh hiện tại, như con ve sầu, đang ở trên cây, không thể trở lại, làm thân con sùng, như trước được nữa.
Đức Phật lại bảo, với các đệ tử: Lại giống như người, làm thịt sinh vật, làm thịt ra rồi, để lâu không ăn, thịt ấy thối rữa, sanh ra dòi tửa, nếu muốn thịt ấy, trở lại tươi ngon, như thịt mới làm, phỏng có được không? Các đệ tử thưa: Bạch không thể được! Đức Phật dạy rằng: Sanh tử con người, cũng giống như thế. Người ở thế gian, tâm nghĩ điều ác, miệng nói lời ác, thân làm việc ác, khi chết đi rồi, thần thức đổi dời, đọa vào địa ngục, hoặc làm súc sanh, hoặc làm tôm cá, những điều thấy biết, ở trong hiện tại, không giống như trước. Lưới tội giăng che, không thể nhớ biết, không thể trở lại, đối mặt mách bảo, với người thân được, như thịt thối rữa, không thể tươi lại, như thịt mới được.
Đức Phật lại bảo, với các đệ tử: Giống như đêm tối, không trăng không sao, đem một vật thể, gồm có năm màu, để trong bóng tối, rồi bảo trăm người, cho đến ngàn người, nhìn vật thể ấy. Hỏi có người nào, phân biệt được màu, xanh vàng đỏ trắng, của vật được chăng? Đệ tử đều thưa: Dù khiến vạn người, đến vô số người, nhìn ngắm trong đêm, cũng không thấy được, hà huống phân biệt, được năm màu ấy. Đức Phật dạy rằng: Nếu có một người, cầm một ngọn đuốc, chiếu trước vật ấy, để mọi người xem, thì thấy được không? Các đệ tử thưa: Trong đêm thắp đuốc, để nhìn rõ vật, có thể phân biệt, được năm màu kia. Đức Phật lại bảo: nếu như có người, quay lưng với đuốc, tiến vào bóng tối, tiến đi rất xa, rồi mong thấy được, vật thể năm màu, phỏng có được không? Các đệ tử thưa: Người ngu quay lưng, lại phía ánh sáng, hướng về bóng tối, cứ thế mà đi, cuối cùng không thể, thấy được màu sắc. Đức Phật lại bảo, các đệ tử rằng: Thân phận con người, ở trong sanh tử, cũng giống như thế! Tất cả con người, cho đến mọi loài, bò bay máy cựa, đã thọ thân hình, thì bị si ám, che tối tất cả. Người không đạo hạnh, không tu thân ý, chưa chứng huệ nhãn, nếu như muốn biết, thì chẳng khác nào, đêm tối không trăng, mà muốn phân biệt, vật thể năm màu, rõ ràng cuối cùng, không thể thấy được. Nếu người tu hành, tụng kinh trì giới, siêng năng thực hành, ba mười bảy phẩm, thuộc trợ đạo pháp, nhiếp giữ tâm ý, thành tựu tịnh hạnh, như người tùy thuận, phân biệt thấy được, đầy đủ năm màu. Người sống trong đời, vâng lời Phật dạy, có thể biết rõ, chuyện lớn sanh tử, thấy rõ thần thức, qua lại năm đường, hoặc thấy biết rõ, các cảnh thiện ác, mà thần thức đến. Như ngọn đuốc lớn, chiếu vào sắc màu, có thể thấy hết. Con người ban đầu, không tu thân ý, cứ mãi quay lưng, với kinh điển Phật, với giới luật Phật, tùy theo thế tục, mà mãi lưu chuyển, theo ba ác nghiệp, buông lung theo ý, tự đoạn tự dứt, với pháp chân thật, không còn tin ưa, không chịu phụng hành, cũng giống như người, quay lưng với đuốc, đi vào đêm tối, những thứ nghi kiết, càng ngày càng tăng, không thể có ngày, hiểu biết gì cả. Đức Phật lại bảo, các đệ tử rằng: Chớ để thuận theo, tâm ý ngu si, để rồi bít lấp, không tin đạo mầu, thanh tịnh chánh chân, tự đọa địa ngục, thọ thân khổ thống. Ta cố dẫn dụ, để các đệ tử, hiểu rõ lý lẽ, luôn luôn tinh tấn, phụng hành kinh giới, luôn để kinh điển, cùng với giới luật, ngự mãi trong tâm. Đức Phật lại bảo, các đệ tử rằng: Con người sinh ra, trong cõi đời này, bẩm thọ thân hình, nhục nhãn thấy biết, những việc hiện tại, cha mẹ thân thuộc, hết sức rõ ràng. Nhưng với nhục nhãn, không thể thấy biết, những chỗ đời trước, trước khi đến đây, sanh qua đời sau, lại thọ thân hình, thì cũng không thể, biết lại những chuyện, của đời sống này, vì sao như vậy? Một khi sinh ra, rồi lại chết đi, thần thức chuyển đổi, muôn ngàn sai khác, trong vòng luân chuyển, mười hai nhân duyên, si là chủ tể, mịt mờ ám độn, khi thức chuyển dời, không còn phân biệt, để biết gì cả, này các đệ tử! Giống như thợ nhuộm, nấu nhuộm tơ trắng, nhuộm thành các màu, xanh vàng đỏ đen, khác với màu cũ, như vậy không thể, làm nó trở lại, thành màu cũ được. Sanh tử chuyển di, cũng giống như tơ, đã bị nhuộm màu. Thể tánh của thức, vốn là vô thường, tùy theo hành nghiệp, nhiễm trước các pháp. Người không tu hành, không có tịnh nhãn, không thể biết được, tâm ý con người, theo pháp sở niệm, duyên thành các pháp. Người sống trong đời, tâm niệm muôn mối, thọ hành quả báo, hoặc thiện hoặc ác. Khi thọ cái mới, cái cũ diệt mất, các pháp sanh tử, luôn luôn si ám. Như muốn thấy biết, sanh tử qua lại, thì phải ngày đêm, rộng tu thân ý, thâm nhập thanh tịnh, tư duy gốc ngọn, mới được khai ngộ. Như người đang ngủ, thức dậy mở mắt, thấy biết mọi sự. Phật bảo đệ tử! Thần thức con người, duyên với các pháp, si mê tối tăm, từ đó tạo ra, các hạnh thiện ác. Khi người chết rồi, thần thức chuyển biến, tùy theo hành nghiệp, hoặc thiện hoặc ác, mà thọ thân hình, như lửa bén củi, củi tàn lửa tắt. Một khi ý thức, không còn gây tạo, các nghiệp thiện ác, thì cái thức ấy, cũng bị diệt mất, không còn thấy nữa. Người chưa đắc đạo, sẽ bị chìm đắm, ở trong sanh tử, khi thức chuyển dời, không còn biết nữa. Ví như tấm gương, bị bụi che bám, dùng gương soi mặt, không thấy gì cả. Ý thức con người, bị các pháp uế, ngăn che bít lấp. Khi sanh tử chuyển, sợ hãi lấn át, dẫn đến các cảnh, hoặc phước hoặc họa, không thể nhớ lại, những việc đời trước, như soi mặt vào, tấm gương dơ bẩn. Lại cũng giống như, một ao nước đục, tuy có tôm cá, nhưng không thấy được. Sanh tử thác loạn, lo nghĩ bít lấp, khi thức chuyển sanh, tất quên chuyện cũ, như người nhìn vào, ao nước đục vậy! Lại giống như người, đi trong đêm tối, nhắm mắt mà đi, không thấy gì cả. Sanh tử ám muội, theo dòng ương họa, hoặc vui hoặc buồn, bị chúng chuyết chế, không thể biết được, những chuyện xưa cũ, cũng giống như người, nhắm mắt mà đi, trong đêm tối vậy.
Đức Phật lại bảo, các đệ tử rằng: Nay ta là Phật, huệ nhãn thanh tịnh, tất cả mọi chuyện, sanh tử qua lại, ở trong ba cõi, Phật đều thấy biết. Như dùng dây tơ, xâu các hạt ngọc, lưu ly pha lê, các màu xanh vàng, đều thấy hết được. Phật dùng Phật nhãn, nhìn thấy sanh tử, của khắp chúng sanh, như nhìn rõ ràng, một xâu chuỗi ngọc. Như ao nước trong, yên tĩnh lóng lặng, thấy rõ tận đáy, cá tôm trong ấy, đều thấy rõ được. Phật dùng Phật nhãn, nhìn thấy sanh tử, của khắp chúng sanh, như nhìn thấy cá, trong nước trong vậy. Như chiếc cầu lớn, hết thảy mọi người, đi qua trên cầu, Phật dùng Phật nhãn, nhìn thấy sanh tử, của khắp chúng sanh, qua lại năm đường, như nhìn thấy người, đi trên cầu vậy. Lại như một người, đứng trên núi cao, thấy khắp xa gần. Phật ý cao viễn, biết khắp sanh tử, phân biệt hết thảy.
Đức Phật lại bảo, này các đệ tử! Tất cả các ngươi, nghe lời ta dạy, có thể biết rõ, khắp việc sanh tử, trong ngàn ức kiếp. Cần phải thực hành, ba mươi bảy phẩm, đạo hạnh thiết yếu, hành Tứ ý chỉ, hành Tứ ý đoạn, hành Tứ thần túc, Ngũ căn Ngũ lực, hành Thất giác ý, và Bát chánh đạo, để trừ cấu trược, của tâm và ý, tiêu diệt ba độc, giải mọi nghi kiết, liền thấy thanh tịnh, đắc Phật huệ ý, thấy hết mọi việc, sanh tử đến đi, như nhìn gương sáng, thấy rõ tất cả.

Đức Phật lại bảo, này các đệ tử! Người ở thế gian, làm việc thiện ác, sau khi chết đi, đều về báo đáp, nhưng vì con người, chưa chứng tịnh nhãn, do vậy không thể, thấy biết đó thôi! Lại do không biết, cái gốc của mình, đã bị che lấp, bởi sáu hệ lụy. Do con mắt thường, nên không thấy được, người về báo đáp, rồi nghĩ sai lầm, cho là không có. Người chưa đắc đạo, làm những hạnh xấu, sau khi chết đi, ngu si mê tối, sanh tử chuyển hóa, thọ lấy thân hình, nhục nhãn mờ mịt, lìa cũ buộc mới, rồi bị bốn thứ, thống khổ nhiễu loạn, rốt cuộc không biết, theo nghiệp của mình, để về báo đáp. Người trong đời này, hoặc thọ phước báo, hoặc chịu tai ương, hoặc thương yêu nhau, hoặc oán tắng nhau, những việc như thế, là sự báo đáp, của các hành nghiệp, trong quá khứ vậy. Vì không có được, ba thứ tịnh nhãn, nên không thấy biết, liền bị phiền não, của nghi trói buộc. Tất cả mọi người, khi đã sanh ra, trong cuộc đời này, tất cả đều phải, câu hữu với si, không có tâm ý, tạo hạnh thanh tịnh. Nếu muốn biết được, những việc đời trước, muốn thấy thần thức, quay lại mách bảo, thì chẳng khác nào, không tay muốn viết, không mắt muốn nhìn, rốt không thể được. Vì thế cho nên, đức Phật ra đời, giảng nói kinh pháp, giúp cho chúng sanh, hiểu rõ sự thật. Nếu ai muốn thấy, thần thức qua lại, chịu sự sanh tử, người ấy phải nên, vâng lời Phật dạy, siêng năng thực hành, ba mươi bảy phẩm, thuộc trợ đạo pháp. Trí huệ vô cùng, kiểm soát tâm ý, điều phục tâm ý, vào chỗ sâu mầu, của cõi thiền định, như thế mới biết, thần thức đến đi, hay là đọa lạc. Đệ tử các ngươi, phải nên học biết, việc của thân ý, cần phải hiểu rõ, các pháp đối ngại, khi chúng kéo đến, thì phải diệt trừ, đừng để chúng làm, mê lầm loạn lạc. Này các đệ tử, cần phải kiên cố, ở nơi chánh pháp, siêng năng tinh tấn, không hề dừng nghỉ, do đó tự nhiên, các nghi vấn kia, đều được hiểu rõ.
Đức Phật lại bảo, này các đệ tử! Thần thức có tên, nhưng không hình tướng, tùy nghiệp thiện ác, nương vào tứ đại. Khi mới sanh ra, thân thể nhỏ bé, các căn chưa đủ, mọi sự nhận thức, cũng còn non kém, cái thấy cái biết, cũng chưa hoàn bị. Đến khi lớn lên, lục tình đầy đủ, cái thức của mình, cũng tùy theo thể, khiến các phiền não, tập khí ái dục, từ đó sanh trưởng, ngày càng mạnh mẽ. Đến lúc già cả, tứ đại suy vi, lúc ấy ý thức, không còn sáng suốt, lục tình giảm thiểu. Sống trong một đời, biến dị vô thường, những điều thấy biết, huân tập một đời, còn không nhớ hết, già rồi quên mất, huống qua đời khác, ấm thai ràng buộc, che lấp tâm ý. Người chưa đắc đạo, si hành hoặc uế, như muốn thấy được, ý thức qua lại, trở về đối mặt, mách bảo người thân, là không thể được. Người không đạo hạnh, mà muốn thấy biết, những việc đời trước, khác nào xỏ kim, ở trong đêm tối, khác nào tìm lửa, ở trong mặt nước, rốt không thể được. Này các đệ tử! Phải nên siêng năng, thọ trì kinh điển, gìn giữ giới luật, tư duy sâu sắc, xem việc sanh tử, vốn từ đâu đến, rồi đi về đâu, do nhân duyên gì, mà chịu sanh tử, qua lại mãi hoài. Tư duy chín chắn, để thấy được rằng, sanh tử là pháp, không vô giả huyễn. Thấy rõ như thế, sẽ được tịnh nhãn, kiết tập tiêu trừ, mọi thứ nghi ngờ, thảy đều hiểu rõ.
Phật nói kinh rồi, Tỳ kheo Kiến Chánh, cùng năm trăm người, các Ưu-bà-tắc, thảy đều chứng được, tam muội bất thối. Phật nói kinh rồi, mọi người đứng dậy, nhiễu Phật ba vòng, đầu mặt sát đất, đảnh lễ đức Phật. Lạy rồi theo Phật, trở về tinh xá.

Đức Phật Thế Tôn, nói kinh Kiến Chánh, cũng gọi là kinh, Sanh Tử Biến Thức, đến đây là hết.

Dịch xong tại Phương thạch thất
Lúc 16h00 ngày 24 tháng 07 năm Ất Dậu.
Thích Nguyên Hiền

Tin mới hơn: