Cuộc Sống Như Một Cuốn Sách

In

Nhiều lúc tôi luôn tự hỏi, đi hay ở, về hay tiếp tục đi giữa cõi đời mênh mông này. Cuộc đời mênh mông, rộng lớn, lắm thứ vui và thú vị; nhưng cũng lắm phiền lụy. Mỗi bước chân đi tới đều phải ý thức trong tỉnh thức rằng đó là bước chân thật có ý nghĩa. Mỗi việc làm cũng đều phải như vậy. Bởi mỗi hành động tạo tác sẽ đem lại một nhân và gặt hái quả sau này!

 

1. Hôm qua tôi đọc sách thấy một câu rất hay: “Hãy cho tôi lòng kiên nhẫn để chấp nhận những gì mà tôi không thể thay đổi. Hãy cho tôi dũng khí  để thay đổi những gì có thể thay đổi. Và cuối cùng, hãy cho tôi trí tuệ để phân biệt được hai điều đó”. Đôi lúc mình không kiên nhẫn và không có dũng khí để quyết định được một việc gì đó. Tôi cũng vậy, thường đôi lúc rơi vào trạng thái “bỏ thì thương, vương thì tội”. Cứ dùng dằng mãi giữa ranh giới ấy, lại là điều phiền lụy. Cái tình, cái lý khó mà vẹn hết đôi bề. Vì thế mà cũng nên học cái tính dứt khoát. Đừng học cái thói “ỡm ờ”. Cái thói ấy là sự bê tha của bản thân và sẽ chịu trách nhiệm cho cuộc sống của chính mình. Đến lúc đó sẽ thấy được sự đớn hèn của mình.

Cuộc sống của chúng ta giống như một cuốn sách vậy - tôi nghĩ thế. Kẻ sân si thì lật những trang sách ấy qua một cách chóng vánh. Người trí thì vừa đọc vừa trầm tư, suy nghĩ; vì kẻ ấy biết rằng mình chỉ được đọc cuốn sách ấy một lần trong đời mà thôi, không có cơ hội lần thứ hai. Giữa kẻ trí và người si - ranh giới khó phân biệt.

Một cuộc đời chúng ta nói nhiều thì chẳng nhiều bao nhiêu. Chẳng qua như một cuốn sách 100 trang, 80 trang hay 30 trang, thậm chí chỉ có 18 trang. Chúng ta sống dài hay ngắn chỉ quan trọng ở chỗ chúng ta có cảm nhận được chúng ta đang sống hay không mà thôi. Chúng ta si thì chúng ta chóng vánh lật nhanh những trang sách mà không hiểu những gì trang sách chúng ta lật. Bằng ngược lại, chúng ta lật chậm rãi và suy nghĩ những trang sách ấy. Cũng vậy, chúng ta sống từng ngày một, chúng ta sống trọn vẹn và hiểu được từng việc mình làm. Hành động hôm nay là thiện hay ác. Hành động hôm nay sẽ là kinh nghiệm cho ngày mai và cho những… trang sách về sau này.  Câu Pháp cú 112, Đức Phật dạy:

Ai sống một trăm năm,

Lười nhác không tinh tấn,

Tốt hơn sống một ngày

Tinh tấn tận sức mình.

Khi còn trẻ, chúng ta vung vãi cho tuổi trẻ đi qua thật chóng vánh, không có ý nghĩa. Đến khi ý thức được mình “không còn trẻ” nữa thì bỗng “giật mình”. Nhưng những trang sách ấy chúng ta có lật lại được nữa đâu. Trong chúng ta, chắc hẳn mỗi người đã từng một lần suy nghĩ “lúc còn nhỏ sao thấy thời gian nó lâu, ngày sao nó dài quá; bây giờ lớn sao thấy thời gian nó ngắn quá, ngày đi qua nhanh quá…”. Mỗi người đều có thời gian như nhau cả, dù là bé hay lớn, mỗi ngày chỉ có 24 tiếng mà thôi. Đâu ai hơn ai.

Lúc còn nhỏ chúng ta lật sách nhanh quá. Giờ lớn rồi thấy được điều đó thì hãy lật sách một cách cẩn trọng và với cái tâm học hỏi, rút kinh nghiệm cho từng ngày. Khuyến khích các bạn trẻ hãy nỗ lực sống hết sức mình, làm việc hết sức mình là nhiệm vụ của tất cả chúng ta. Trước hết là vì chính bản thân mình, sau đó là mới tới những người xung quanh. Những công việc đem niềm vui, chia sẻ niềm vui cho những người xung quanh, tôi luôn muốn các bạn trẻ làm. Các bạn làm thì các bạn sẽ học hỏi và có kinh nghiệm. Các bạn sẽ thấy mỗi trang sách của các bạn luôn là một điều thú vị.

2. Khi tôi viết những dòng này thì có một nhóm bạn trẻ đã rong ruổi trên một hành trình “Xe buýt yêu thương” đem niềm vui đi dọc “con đường cái quan”, từ Sài Gòn tiến ra đất Bắc nơi quê nhà, chia sẻ niềm vui nhỏ nhoi “giữa người với người”.

Tôi rất khâm phục nhóm bạn trẻ hơn 30 con người ấy. Các bạn sẽ vất vả trong chuyến đi này, vì có rất nhiều bạn mới đi lần đầu xa như vậy, làm việc nhiều như vậy; nhưng các bạn sẽ học được rất nhiều được từ sự cho và nhận. Các bạn sẽ thấy mình không phải là người cho, mà các bạn là người nhận. Các bạn sẽ học được cách đưa bàn tay của mình ra để đón nhận bàn tay từ người khác. Các bạn sẽ học cách nở nụ cười trên môi thật hiền hậu và hồn nhiên như đóa hoa mới nở ban đầu. Các bạn sẽ học cách nhìn mọi người nơi các bạn đi qua bằng con mắt yêu thương và đầy lòng từ bi.

Rồi các bạn sẽ học cách hiểu và thương những con người nơi ấy, các bạn sẽ học làm sao để trái tim mình thật sự biết yêu thương có ý nghĩa. Các bạn sẽ học được rất nhiều, nhiều lắm... Có như vậy các bạn mới thấy ý nghĩa của chuyến đi và việc làm của mình.

Con ong được ca tụng không phải vì nó làm việc siêng năng cho chính mình, mà là nó làm việc cho tất cả. Nó hăng say làm việc cho chính cái cộng đồng ong của nó; và cả mật ngọt cho đời, đem cả sự sống luân chuyển cho những thực vật nữa... Vì vậy các bạn trẻ nên học cách làm việc ấy. Làm cho mọi người chính là làm việc cho chính mình.

Một chiếc lá chỉ sống một quãng thời gian ngắn. Nhưng chiếc lá ấy mỗi ngày vẫn tận lực sống và cống hiến năng lượng cho cuộc sống vạn vật xung quanh bằng màu xanh của chính mình. Sự cần mẫn ấy chỉ chấm dứt khi nó khô héo hoặc rời khỏi thân cây. Bình minh lên, lá cây vươn vai đón chào và làm việc cần mẫn đến khi hoàng hôn buông xuống, dẫu ngày mai lá có lìa cành. Hãy học hỏi.

Nhiều bạn trẻ ngày nay lật nhanh cuốn sách của chính mình lắm. Các bạn đắm chìm trong những bức tranh hí họa, không nội dung vô bổ của cuốn sách mà không để tâm đến những gì xung quanh. Thời công nghệ cao, giải trí… đáp ứng cho những bức tranh ấy. Và các bạn say mê. Sự say mê làm cho các bạn rồ dại lật nhanh những trang sách, bất chấp những lời khuyên từ chính gia đình, bè bạn. Các bạn đang sống vội, sống gấp gáp vì các bạn chẳng quan tâm ngày mai sẽ ra sao…

Trong chúng ta không ai biết cuốn sách có bao nhiêu trang các bạn ạ. Tôi cũng vậy. Bạn cũng thế. Có thể ngày mai chúng ta còn có thể lật tiếp một trang sách mới. Hoặc là không bao giờ chúng ta lật được nữa, vì hôm nay đã là trang sách cuối cùng. Vậy hãy thận trọng đọc từng chữ một, từng câu chuyện một, từng hình ảnh minh họa sống động… trên trang sách ấy.

(Tặng BGI và những “Đồng sự” của Xe buýt yêu thương)

Cùng Tử (từ Hoa Kỳ)


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: