Ngày Tết Lắng Nghe

In

Thị Giới

Truyền thuyết kể rằng vào ngày Tết, vua Hùng và quần  thần  đưa nhau  lên núi Thiên Cầm để nghe cung đàn nhà Trời. Chúng ta không biết “cung đàn nhà trời” ra sao, nhưng truyền thuyết  này gợi cho chúng  ta một hình ảnh đẹp về sự kết nối giữa người với người, với thiên nhiên, vũ trụ, đất trời. Truyền thuyết đó cũng nói với chúng ta rằng ngày Tết là ngày lắng nghe.

Nhưng có thể từ lâu chúng ta không có điều kiện và không đủ “Hòa” để nghe được “cung đàn nhà Trời”. Giữa không gian tĩnh mịch của một đêm không trăng sao, trong  những  giây phút  cuối cùng  của cuộc tiễn đưa một chu kỳ thời gian đã cùng chúng ta gắn bó và đưa chúng ta vào điểm khởi đầu một chu kỳ mới, chúng ta bắt đầu nghi lễ Giao thừa. Và trong lễ Giao thừa này, chúng ta cố gắng lắng nghe để tương thông với các “vị thần thời gian”. Chúng ta bước vào dòng thời gian mới hơn, một không gian tươi mát hơn. Và ở điểm khởi đầu trinh nguyên đó, chúng ta có thể nghe rõ hơn hơi thở của mình, thấy rõ hơn những  niệm tưởng  trong  tâm mình. Chúng ta có thể tụng một thời công phu khuya để đưa tâm thức vào vô tận theo lời kinh, câu chú. Hoặc chúng ta ngồi bên Đức Phật, đón nhận sự thanh thản và niềm hy vọng cho mình, cho người…

Vâng. Tết là ngày để  lắng  nghe. Và lắng  nghe  là một khả năng  quan  trọng  trong  đời sống. Người Tây phương bây giờ không lạ gì với cụm từ “Lắng nghe và Hiểu” (Listen and Understand).  Lắng nghe  trong  học tập, trong quản lý, trong kinh doanh, trong giao tiếp…, và lắng nghe trong đời sống hằng ngày để thành công hơn hay sống hạnh phúc hơn. Một câu ngạn ngữ Tây phương  cũng nói rằng nếu biết lắng nghe, dù đi đến nơi đâu bạn cũng sẽ nhận được sự yêu mến.

Lắng nghe. Chúng ta có thể nghe tiếng có âm thanh và tiếng không có âm thanh. Có tiếng cười, tiếng khóc, tiếng vui, tiếng buồn phát ra âm thanh; cũng có những tiếng  cười, tiếng  khóc, tiếng  vui, tiếng  buồn  không thành  lời. Có tiếng gió xào xạc qua cây, tiếng sóng rì rào trên biển; cũng có tiếng của không gian tĩnh mịch, tiếng của biển cả đứng gió lặng yên…

Kinh Pháp Hoa cho chúng ta biết rằng, khi chúng ta sống trong Pháp Hoa, trong tính bình đẳng của Tánh Phật, Tánh Giác, chúng ta có được một ngàn hai trăm công đức của tai. Công đức đó là nghe được những âm thanh  có tiếng  và những  âm thanh  không  có tiếng, những âm thanh gần và những âm thanh xa.

“Nếu người  thiện  nam  tử, thiện  nữ nhơn,  thọ  trì kinh này, hoặc đọc, hoặc tụng, hoặc biên chép, hoặc giải nói, đặng một nghìn hai trăm nhĩ công đức, dùng tai thanh  tịnh đó, nghe  khắp cõi tam thiên, dưới đến ngục Vô Gián, trên đến trời Hữu Đảnh, trong ngoài các thứ lời lẽ giọng tiếng: Tiếng voi, tiếng ngựa, tiếng xe, tiếng  trâu, tiếng  khóc la, tiếng  buồn  than,  tiếng  ốc, tiếng trống, tiếng chuông, tiếng linh, tiếng cười, tiếng nói, tiếng trai, tiếng gái, tiếng đồng tử, tiếng đồng nữ, tiếng pháp, tiếng phi pháp, tiếng khổ, tiếng vui, tiếng phàm  phu, tiếng  thánh  nhơn,  tiếng  đáng  ưa, tiếng chẳng  đáng  ưa, tiếng  trời, tiếng  rồng, tiếng  Dạ-xoa, tiếng Càn-thát-bà, tiếng A-tu-la, tiếng Ca-lầu-la, tiếng Khẩn-na-la, tiếng Ma-hầu-la-dà, tiếng lửa, tiếng nước, tiếng gió, tiếng địa ngục, tiếng súc sanh, tiếng ngạ quỉ, tiếng Tỳ-kheo, tiếng Tỳ-kheo ni, tiếng Thanh văn, tiếng Bích chi Phật, tiếng Bồ-tát, tiếng Phật.

Nói tóm  đó, trong  cõi tam  thiên  đại thiên,  tất  cả trong ngoài có các thứ tiếng, dầu chưa đặng thiên nhĩ dùng tai tầm thường thanh tịnh của cha mẹ sanh, thảy đều nghe biết, phân biệt các thứ tiếng tăm như thế, mà chẳng hư nhĩ căn.” (Phẩm Pháp Sư Công Đức thứ 19).

Và “tiếng đàn Trời” có lẽ cũng vừa có âm thanh  vừa không có âm thanh. Không sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp nhưng không phải là không. Kinh Hoa Nghiêm nói đất thuyết pháp, chúng sanh thuyết pháp. Kinh Di Đà nói nước, chim, cây, rừng tất cả đều niệm Phật, niệm Pháp. Đức Phật đưa đóa hoa mỉm cười, ngài Ca-diếp lãnh hội được Pháp âm vi diệu. Thiền sư Vân Nham đưa lên phất trần, ngài Động Sơn nghe được tiếng loài vô tình thuyết pháp. Tất cả đều thị hiện âm thanh cho chúng ta nghe, thị hiện tướng hảo cho chúng ta thấy. Khi nghe với toàn thể thân và tâm thì nghe được “tiếng đàn Trời.”

Nghe đó cũng là nghe sự sống. Trong đời sống bận rộn hằng ngày, chúng ta thường không để ý nhận ra cái nền tảng hướng dẫn đời sống của chúng ta. Nó vô hình nhưng  mạnh  mẽ. Có thể nói đó là cái chất sống, cái nguồn sống trong mỗi chúng ta. Và Tết, cơ hội để chúng ta có những khoảnh khắc dừng lại, là dịp để chúng ta phát hiện ra “tố chất của đời sống” vốn có đó. Khi yên lặng lắng nghe hơi thở, yên lặng lắng nghe bước chân đang bước, lắng nghe thời gian đang trôi, không gian đang mở…, chúng ta nghe được sự sống, nghe được nguồn  sống đang hiện diện bên trong cũng như bên ngoài chúng ta. Khi mở lòng để tiếp đãi đời sống, tiếp đãi đất trời, tiếp đãi mọi người mọi vật, chúng ta có cơ hội nghe  được đời sống, nghe  được nguồn  sống nơi chúng ta và chung quanh chúng ta.

Đó cũng là “tiếng của vạn pháp.” Ngày Tết l�t-align: justify;">Và từ đó, Tết cũng có thể là cơ hội để chúng ta phát hiện ra hay tìm thấy lại chính chúng ta. Và sự phát hiện ra chính mình là bước ngoặt lớn trong đời sống của mỗi người. Đó là lúc con người nhận ra được mình thật sự là gì trong cái toàn thể để có thể sống có ý nghĩa hơn.

Và cái chúng  ta cố gắng lắng nghe  trong ngày Tết là lắng nghe cái toàn thể để trọn vẹn được ý nghĩa của sự lắng nghe.

Lắng nghe  những  khó khăn, lo toan  của đời sống cũng là lắng nghe  sự bao dung  của đời sống. Trong nỗi khó khăn, lo toan có sự bao dung, và trong sự bao dung  chứa đựng những  khó khăn, lo toan. Đó là nét đẹp duy nhất của đời sống, là sự giải thoát ngay trong đời sống này, là sự ra khỏi thành để nhìn thấy thực tại của đời sống, để vượt thoát sự khổ đau của đời sống.

Trong bao  nhiều  năm  sống  giữa bốn  bức tường thành  ngăn cách, Đức Phật chỉ thấy được, nghe được một đời sống đóng  khung  nhàm  chán, tạm vui, tạm yên. Cho đến khi ra khỏi thành,  một khung trời rộng lớn của đời sống mới đã mở ra với Ngài. Khung trời rộng lớn đó chứa đựng cả khổ đau và hạnh phúc, khó khăn và thành tựu.

Bao nhiêu lâu rồi chúng ta đã sống trong những bức tường an toàn để vui chơi ngày Tết, chúng ta trốn tìm sự an bình trong những tháp ngà, cho phép chúng ta quên đi những nhọc nhằn của chúng ta và người khác. Nhưng thời buổi đó, thời buổi mà những  xã hội loài người còn khép kín, ngăn cách nhau, cái khổ của thế giới chung  quanh  chúng  ta ít khi thấy tận mắt, nghe tận tai mà ngày nay hầu như chúng ta chứng kiến mỗi ngày, chúng  ta hãy để cho qua  đi không  lưu luyến. Chúng  ta cũng  hãy quên  đi thời mà chúng  ta nhốt mình trong một “Đạo Phật tháp ngà”, một đạo Phật lợt lạt với thực tại đời sống, tán tụng tiếng chuông  chùa Hàn San xa vời của Trương Kế, vẽ vời cảnh sương khói Lô Sơn mơ màng  của Tô Thức… Ngày nay, chúng  ta sẽ không sống trọn vẹn được cái Tết nếu chúng ta cố quên đi những bất hạnh chung quanh chúng ta. Chỉ có sự lắng nghe toàn thể và sâu thẳm mới đem lại bình an và hạnh phúc thật sự cho chúng ta.

Khi chúng  ta lắng nghe  tiếng chuông  chùa ấm áp êm đềm, đồng thời chúng ta cũng lắng nghe tiếng địa ngục khổ đau, nguyện cho tiếng chuông vang đến tận những địa ngục u ám tối tăm nhất.

Khi chúng ta đứng trên ngọn Yên Tử sương khói ôm ấp tấm lòng ngàn năm của tiền nhân, của hồn thiêng sông núi, chúng  ta không quên  nhìn xuống dưới kia, nơi đất nước và người dân đang cố vươn mình lên giữa vô số những khó khăn.

Khi chúng ta sống trong cảnh đoàn tụ, ấm cúng, vui với những  lời chúc tụng  hạnh  phúc đầu năm, chúng ta không quên nghĩ đến những mảnh đời neo đơn cơ cực, những cháu bé không nhà, những cụ già không ai chăm sóc.

Khi chúng  ta tạm dừng  thân  và tâm trong  không khí chan hòa tình đạo nơi chùa Tổ, trong ánh mắt từ bi và nụ cười khai thị của Thầy, chúng ta đồng thời cũng lắng nghe tiếng khóc của lòng mình, tiếng thổn thức của đứa cùng tử chưa có cơ hội trở về.

Có lắng nghe tiếng khóc âm thầm của chính mình cũng như tiếng khóc âm thầm của người khác và của những loài chúng sanh khác, chiếc gậy từ bi của ngài Địa Tạng mới có thể phá tan cánh cửa địa ngục trong tâm của chúng ta, phá tan những ngục tù của đời sống, để cho đời sống trở thành thênh thang.

Người ta thường  phê phán  xã hội ngày nay, Đông phương cũng như Tây phương, là những xã hội vô cảm.

Có lẽ do sự đấu tranh và va chạm nhiều với những thử thách, đối đầu làm cho con người ngày nay trở nên chai lì. Chúng ta hãy làm tươi mát trở lại tâm hồn chúng ta, vượt qua sự vô cảm của chúng ta bằng sự lắng nghe.

Chúng ta hãy lắng nghe  Ngày Tết như John Daido

Loori lắng nghe thế giới:

“Chúng ta hãy thấy và nghe những  lời thuyết  pháp này. Chúng ta hãy thấy và nghe tiếng của núi và sông, của những loài đang bị nguy hiểm và có nguy cơ tuyệt chủng. Chúng ta hãy thấy và nghe tiếng của nguyên tử, của những kẻ không nhà, của trẻ con; tiếng của những lời dạy của vô số thế hệ trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Nếu chúng ta cố gắng thấy với mắt và nghe với tai, chúng sẽ không khi nào thấy được. Chỉ khi nào chúng ta thấy với tai và nghe với mắt chúng ta sẽ thật sự thấy “cái đó” một cách rõ ràng.” (Vô Tình Thuyết Pháp)

Chúng ta hãy bước ra khỏi thành  hay phá vỡ chiếc thành đang vây chúng ta, ra khỏi tháp ngà đang nhốt chúng  ta để lắng nghe  sự đói nghèo, bịnh tật, thiếu thốn, khổ đau. Trong sự lắng nghe tự tại của Đức Quán Thế Âm, điều Ngài nghe  nhiều nhất là tiếng khổ của chúng sanh. Nghe tự tại tiếng khổ của chúng sanh là thở cùng hơi thở khổ của chúng sanh, tiếp xúc với thực tại chúng sanh.

Và khi đã nghe  tiếng  khóc của người và cả tiếng khóc của chính mình, nói theo thầy Nguyễn Thế Đăng, chúng  ta hãy đem toàn thể thân tâm này làm phòng thí nghiệm để thử nghiệm lại những sản phẩm của đời sống mà chúng ta đang sống.

*      *      *

Bây giờ là bốn giờ sáng. Tôi như đang nghe được nỗi lòng của các cháu sinh viên trong những lá đơn xin cấp học bổng. Tôi như đang  nghe  được sự gắn bó của của những  con người với nhau không phân biệt chủng tộc khi biết lắng nghe nhau; nghe được những giọt nước mắt của cô Lee khi nói chuyện với thầy Nguyễn Thế Đăng. Tôi cũng như đang nghe nỗi cô đơn thăm thẳm của chính mình khi ngồi bên Đức Phật và viết những dòng này.

Chúng ta hãy lắng nghe một cháu sinh viên không có cả hai tay, chỉ dùng đôi chân để làm mọi công việc, muốn vươn lên để cuộc sống tốt đẹp hơn với suy nghĩ “mình đã không  làm được gì mà không  học nữa thì cuộc sống của mình sau này lại càng vất vả hơn, mình càng làm gánh nặng hơn cho bố mẹ”.

Hãy nghe một cháu sinh viên khiếm thị với “… ước mong của em là được theo học Khoa Giáo dục Đặc biệt để sau này có cơ hội được phục vụ trong ngành  giáo dục trẻ khuyết tật – đặc biệt là các em khiếm thị, được trực tiếp hướng dẫn các em và giúp các em có cơ hội vươn lên hòa nhập với xã hội”.

Chúng  ta  hãy  lắng  nghe  các  em  nói  về  những người mẹ, người cha cam sống với bịnh hoạn, với sự đau đớn thể xác để nuôi nấng tâm hồn và tương lai của con mình:

“Dường như ngày nào má em cũng đều sống với thuốc, má em sợ đi khám bệnh lắm vì mỗi lần như thế bác sĩ lại bảo phải nhập viện mà nhà lại không có đủ tiền”.

Và nỗi lòng của một sinh viên nghèo, rất nghèo, quên hoàn cảnh khó khăn của mình khi nhìn những  người nhà bịnh nhân trong bịnh viện: “Cháu viết bức thư này trong  lúc rảnh rỗi của một buổi trực đêm, không  có nhiều thời gian để chia sẻ với các cô chú. Nhìn thấy bệnh nhân và người nhà chống chọi với nghèo  đói và bệnh tật cháu thương lắm, mong sao có thể trở thành bác sĩ giỏi thật mau, thật nhanh”.

Và nhiều, rất nhiều  những  hoàn  cảnh, những  nỗi lòng như vậy*.

Vừa rồi Xuân có tổ chức buổi hội thảo ở chùa An Phú Đông về làm thế nào để sống hạnh phúc và ngày càng hạnh phúc hơn.

Qua bài tường thuật  cuộc giao lưu do cô Mỹ Hạnh gởi, có những việc làm, cử chỉ, lời nói làm tôi cảm động. Tất cả đều muốn hạnh phúc, đều muốn vươn lên, đều muốn kết nối, và trong tiềm thức, đều muốn trở về.

Trong đoạn kết bài tường thuật, cô Mỹ Hạnh viết:

Về đến nhà, hai đứa tôi lại nói về chuyến đi chơi hôm nay. Lee làm tôi cảm động theo về câu chuyện của cô nàng.

- Không biết tại sao mà khi nói chuyện với Thầy, Lee thấy lạ lắm; vì sao mà Lee là một người luôn luôn là vui cười mà sao hôm ngay nghe Thầy nói, Lee không thể nào ngăn được nước mắt cứ ràn rụa theo Lee .

- Lee ơi, có lẽ từ sâu trong tâm thức của Lee, đây là một ngày trở về với nhà của chính mình nên bồi hồi xúc động đó thôi.

- Thầy cũng nói và Lee cũng cảm thấy như vậy. Có lẽ kiếp trước Lee đã từng là một tu sĩ của Mật tông rồi.

Từ ngày chơi với cô bạn này cho đến giờ đã gần 20 năm, lần đầu tiên tôi thấy Lee khóc vì vui mừng, một niềm vui thật sâu kín. Sự hoan hỷ đến lạ kỳ.

Lee tiếp tục nghe bài kinh Om Mani Pad Me Hum, còn tôi thì lại ngồi vào máy tính gõ gõ để gửi cho các bạn đây. Cám ơn các em đã đến với nhau cùng chúng tôi, cho chúng tôi cơ hội để chia sẻ với các em, để đền bù lại những mất mát, những khát khao mà tôi đã trải qua thời tuổi trẻ.

“Om Mani Padme Hum”. Viên ngọc quí trong bông sen, hay Tán thán viên ngọc quí trong bông sen. “Om Mani Padme Hum” là thần chú lưu xuất từ Tâm Đại Bi của Đức Quán Thế Âm, và hạnh của Bồ-tát Quán Thế Âm là Hạnh Lắng Nghe, lắng nghe thế gian.

Viên ngọc quí này mỗi chúng ta, mỗi con người hay mỗi chúng  sanh, đều có sẵn. Hãy tỏa hương  kết nối như bông  sen, thuần  khiết, không  trước sau, không phân  biệt, hay nói theo  cách nói nhà Phật là nhận ra mối tương quan tương tức – tương nhập, interbeing  – interpenetration, để viên ngọc quí trong chúng ta hiển lộ. Và nói theo Đức Dalai Lama, khi lấy “mani” làm chỗ nương tựa, làm chỗ trở về, thì dù hạnh phúc hay buồn đau, Đức Quán Thế Âm sẽ không bao giờ bỏ rơi chúng ta, chúng sẽ bước đi dễ dàng trên con đường Đại thừa, con  đường  tình  thương, kết  nối và giải thoát.  Tình thương  và ý muốn  cứu giúp sẽ đầy trong tâm chúng ta. Nó cũng cho chúng  ta khả năng  thấy và nghe  rõ ràng hơn, chính xác hơn về những nhu cầu của người khác. Và đó là lý do toàn bộ Giáo pháp Đại thừa chứa đựng trong sáu chữ này.

Vâng.  Hãy lắng  nghe,  như  Đức Quán Thế  Âm đã và đang  lắng nghe  chúng  ta, để mở ra viên ngọc quí trong  mỗi chúng  ta, soi bước cho chúng  ta trên con đường trở về. „

* https://sites.google.com/site/hocbongsinhvien/baivietdutuyenhocbong


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: