Ngọt Bùi Cho Con

In

Cao Huy Hóa

Trong  việc  dạy  con,  chắc  nhiều  người  nhớ đến câu quen thuộc hồi trước, mà nay thỉnh thoảng vẫn nghe: “Thương cho roi cho vọt / Ghét cho ngọt cho bùi”.

Mới nghe qua, câu đó có vẻ nghịch lý: Làm cho con đau về thân thể, sao gọi là thương? Cho con lời êm dịu, sao gọi là ghét? Thế mà ngày nay, có những người nên danh phận, nhớ lại thuở nhỏ bị roi đòn, không oán hận người cha hay người thầy, mà còn “cám ơn” những hình phạt đó vì đã làm cho mình biết tránh những hành động sai trái, nguy hiểm, không biếng nhác, biết cư xử lễ độ, hơn thế nữa, được “nên người”. Ngược lại, những lời nâng niu tâng bốc con, thì hậu quả dễ thấy: con không biết thực lực như thế nào cho nên tự phụ, ích kỷ, sau này không thành công trên đường đời…Chính cách nói đó nhằm nhấn mạnh tác dụng tích cực của biện pháp cứng rắn và tác dụng tiêu cực của một lối nói ngon nói ngọt nào đó. Tất nhiên, không ai đồng ý khi nào dạy con hay dạy trò cũng phải sử dụng roi vọt, cũng như không phải khi nào cũng khước từ lời nói dịu êm. Roi vọt chỉ là phương tiện bất đắc dĩ giúp cho con hay trò chấm dứt một số sai phạm, mà nếu không ngăn ngừa, có khả năng trở thành thói quen: đi chơi lêu lổng, nói dối cha mẹ, không học bài, viết chữ cẩu thả, ăn cắp, đánh nhau…, và cha mẹ hay người thầy chỉ vì tương lai của con mình hay học trò mình mà phải thi hành roi vọt, và biết thi hành chừng mực, răn đe, chứ không phải vì nổi giận mà trút roi vọt lên thân thể con trẻ.

 

Thời thế đã nhanh chóng đổi thay. Ngày nay, nền giáo dục tôn trọng con người, không thể xem hình phạt trên thân thể người khác (dầu là con, hay trò) là biện pháp giáo dục, không những thế còn lên án hình phạt đó. Mới đây dư luận báo chí phê phán trường hợp  thầy bắt trò thụt dầu, bắt trò quỳ trên gai xơ mít, đánh trò có lằn trên thân thể, lấy thước đánh trên ngón tay trò, cha bắt con bò trên đường phố vì bỏ học, đi chơi game trên mạng1… Thật ra, mỗi thời mỗi khác, không thể đánh đồng một ông thầy của thời ngày trước bắt học trò nằm dài trên bàn, đánh vào mông học trò, với những trường hợp đánh trò ngày nay. Không phải dễ thi hành cách dạy cho roi cho vọt, vậy thì hay nhất là không cho roi vọt.

Roi vọt thì tránh, nhưng hành động đánh trẻ có còn không? Cha mẹ ngày nay có còn đánh con, có còn phát vào mông con không? Tôi tin rằng chuyện đó xảy ra không phải là ít, dĩ nhiên cha mẹ đánh con một cách thô bạo, để lại vết thương, vết hằn thân thể và tâm lý thì hiếm xảy ra, và tôi xin không bàn những trường hợp này. Độ tuổi nào con cái chịu trận nhiều nhất? Con càng lớn, đặc biệt con đã lên bậc trung học thì hầu như phần đông cha mẹ không đánh con nữa. Con còn bú mẹ, con còn nằm trên nôi thì quá bé bỏng, cưng như cưng trứng, ai nỡ nào mạnh tay…; chỉ còn lại, thật đáng thương, lứa tuổi mà con chập chững biết đi, biết đòi, biết phá, là lứa tuổi bắt đầu chịu hành động nóng nảy của cha mẹ, cho đến những năm cuối của bậc tiểu học.

Vì sao lứa tuổi bắt đầu thể hiện tính cách cá nhân mạnh mẽ như đọt măng ấy lại sớm chịu “hình phạt”? Đó là vì trẻ cứ phá, cứ chướng theo cách của nó, theo cái lý của nó, muốn cái gì, kể cả leo trèo, phá phách, thì phải cho bằng được, và không thể hiểu vì sao không thể đạt được; trong khi đó, người lớn thì không chấp nhận con trẻ đòi hỏi như vậy. Trong trường hợp này, trẻ phải chịu hình thức răn đe để không đòi nữa, và ghi nhớ lần sau cũng không đòi nữa. Một lý do nữa: trẻ chướng, khóc kéo dài mà cha mẹ chưa rõ lý do (trong đó thường vì sức khỏe có vấn đề), trong khi bản thân mình thì đang bận bịu công việc, hoặc đang bực bội, hoặc trong người bất an… Trong trường hợp này, trẻ chịu hình phạt vì cơn nổi nóng của cha mẹ. Tuy nhiên, nói chung, cha mẹ đều cảm thấy mình lầm lỡ khi đánh con, nhất là khi mất bình tĩnh. Nếu cha mẹ lỡ tay quá đáng, hoặc cứ đánh con dài dài trong tâm trạng thiếu tự chủ và thiếu tình thương, thì trẻ không những bị hành hạ về thể xác, mà nguy hiểm hơn, trẻ bị sang chấn về mặt tâm lý và thần kinh, gây nên thiếu tình thương đối với cha mẹ và lãnh đạm với mọi người.ngot-bui-cho-con-

Ngày nay, cha mẹ càng có nhiều bức xúc hơn ngày xưa, do đời sống công nghiệp khẩn trương khiến con người căng thẳng hơn, mệt nhọc hơn, kể cả di chuyển trên đường từ nhà đến cơ quan và ngược lại; thời gian nghỉ ngơi không bao nhiêu, lại phải đương đầu với cơm áo gạo tiền trong thời buổi lạm phát, nhà dột, nợ đòi… Cha mẹ bị suy nhược tinh thần và thể xác thì con trẻ là nạn nhân quá tội nghiệp.

Đây là thực trạng chung của mọi nơi, không riêng gì nước nào. Ngay ở Mỹ, cứ tưởng rằng xâm phạm thân thể là vi phạm luật pháp, – liệu hồn những đức ông chồng lỡ tay đánh vợ, hay cha nổi giận đập con, hãy đợi đấy! cảnh sát đến liền! – tuy nhiên chuyện cha mẹ bép vào mông bé không phải là hiếm. Một bài báo của tác giả Eryn Brown, trên tờ Los Angeles Times, ngày 14/3/2011, nhan đề: “Sad dads: depressed fathers spank more, read less” (tạm dịch: “Những người cha buồn: trầm cảm, bép mông con nhiều, kể chuyện cho con ít”), cho biết:

Những người cha trầm cảm phát vào mông bé một tuổi nhiều hơn ba lần những người cha không bị trầm cảm, theo những nhà nghiên cứu từ Đại học Michigan báo cáo trên ấn phẩm tháng Tư của tạp chí Pediatrics (tạp chí chính thức của Viện Nhi khoa Hoa Kỳ). Đánh bé nhiều trong khi đọc truyện cho bé ít đi: những người cha trầm cảm đọc truyện cho con ít hơn ba lần một tuần. Bép vào mông bé thường đưa đến hậu quả tiêu cực cho bé; trong khi đọc truyện thường mang lại những tác động tích cực.

Nhóm nghiên cứu này tham khảo dữ liệu phỏng vấn từ 1.746 người cha có con một tuổi tham dự vào một dự án để tìm hiểu sự liên hệ giữa các gia đình dễ tan rã và sự phát triển của trẻ con. Họ hỏi những người cha này có thường chơi với con không, hoặc hát hoặc đọc truyện cho con nghe không; họ có đánh con trong tháng vừa qua không; và họ có nói chuyện với bác sĩ của bé trong năm vừa qua hay không. Những người cha cũng được khám để xem có bị trầm cảm không.

Kết quả là: 7% số người cha trong số nói trên bị trầm cảm. Trong những người bị trầm cảm đó, 41% nói rằng, họ đọc truyện cho con ít nhất ba lần trong một tuần (so với 58% trong số người cha không trầm cảm). 41% số người cha đó cũng nói rằng họ đánh con trong tháng vừa qua (so với 13% trong số những người cha không bị trầm cảm). Thống kê cũng cho biết: 77% trong số những ông cha trầm cảm đã nói chuyện với bác sĩ của con họ trong năm vừa qua. Điều đó gợi ý rằng những bác sĩ nhi khoa có cơ hội can thiệp vào khi họ nhận ra dấu hiệu trầm cảm nơi người cha. Nhờ con nít đi khám bệnh mà bác sĩ khám phá ông cha bị trầm cảm và khuyên người cha này đi điều trị. Việc điều trị này tất nhiên sẽ giúp ích cho bản thân người cha, và khi người cha bớt trầm cảm thì hạn chế tình trạng cha bép mông con.

Dạy con nít là chuyện vô cùng khó, đặc biệt khi nó quá nhỏ để phân biệt việc gì làm được, việc gì không làm được, hơn nữa, con nít chướng cũng có vô vàn lý do mà nó không tỏ bày được, đặc biệt khi bị chứng này chứng nọ liên quan đến sự phát triển thể chất. Thôi thì khoan dạy đã, hãy dỗ thôi, và có những bậc cha mẹ rất cao tay ấn về chuyện dỗ, khi thì hát hò, khi thì bông đùa, khi thì bày trò, khi thì hướng mục tiêu chướng của con qua chuyện khác hấp dẫn hơn… Tất nhiên cha mẹ làm được như vậy khi bỏ tất cả những phiền toái của cuộc sống về phía sau, và hết lòng thương yêu đứa con bé bỏng.

Trong nghiên cứu được đề cập ở trên, các tác giả muốn  dùng  công  cụ  thống  kê  để  cho  thấy  cha  bị trầm cảm thì hay đánh con, đồng thời muốn xem thử các ông cha đó có dùng cách ngọt bùi nào để bù lại không. Cách ngọt bùi ở đây là chơi với con, hát hoặc đọc truyện cho con nghe. Thương con theo kiểu cho ngọt cho bùi này, chắc ai ai cũng tâm đắc. Ngày nay, các công cụ để trẻ chơi quá phong phú, từ cái chén cái dĩa, con chó con mèo, đến xe cộ, máy bay… đủ màu sắc; còn nhạc thì tivi, DVD phổ biến nhạc thiếu nhi không kể cho hết… nhưng còn đọc truyện? Hẳn là phương Tây chơi trò giáo dục thiếu nhi này phổ biến hơn ở Việt Nam ngày nay; đặc biệt là kể chuyện cho con nghe trước lúc con ngủ. Bây giờ các bà mẹ trẻ đã ý thức tầm quan trọng của đọc truyện, không chỉ để đưa con vào giấc ngủ mà còn lưu dấu ấn văn chương trong tàng thức của bé. Ôi, văn chương nào ẩn tàng nơi đứa bé cho bằng à ơi câu hò ru em? Ngọt bùi này sao bé ngày nay ít được hưởng thụ?

Các biểu hiện cư xử giữa các thành phần cha mẹ, con cái trong đời sống gia đình, đặc biệt tại các đô thị lớn, dần dần tương đồng giữa các nền văn hóa khác nhau trên thế giới; tuy nhiên, tính quy mô của tổ chức gia đình dầu sao vẫn khác nhau, ở ta và ở tây. Quy mô gia đình hạn hẹp ở phương Tây đề cao tự do và trách nhiệm cá nhân, chuyện con cái là chỉ thuộc trách nhiệm của cha mẹ, trong khi xã hội ta vẫn còn giữ quy mô gia đình rộng mở. Trong khi phương Tây lo lắng giải quyết chuyện trầm cảm của cha mẹ bằng y khoa, thông qua đó hạn chế chuyện đánh con, thì ở ta, nếu hai vợ chồng trẻ có khó khăn, bức xúc, ảnh hưởng xấu đến con cái, thì còn có ông bà nội ngoại, chú bác cô cậu dì của bé, thậm chí bà con, hàng xóm quan tâm san sẻ.

Ngọt bùi cho bé, biết bao nhiêu cho vừa? Chỉ mong sao cho cha mẹ trẻ, dầu đa đoan trong công việc, vẫn thuận vợ thuận chồng, chăm bẳm lo cho con, vượt qua những sóng gió của cuộc đời. May mắn thay, đạo Phật đem lại từ bi, trí tuệ và an lạc cho biết bao gia đình, cho dầu vất vả nuôi con mà vẫn thuận buồm xuôi gió. Trí nhớ tôi vẫn ghi đậm hình ảnh một buổi chiều tối đầu xuân, cách đây đã bốn năm, tại một ngôi chùa ở ngoại ô Tuy Hòa. Chúng tôi dừng chân tại chùa, thư giãn sau một ngày đường đi xe từ Huế vào, trong phòng khách thanh vắng của chùa, chợt lắng lòng nghe vọng đều đều tiếng tụng kinh cầu an. Thời kinh dứt, tôi ra chánh điện, được gặp ba cặp vợ chồng trẻ, họ cho biết, những đứa con bé bỏng bồng trên tay, đang chữa trị bệnh nan y, và họ xin đến chùa vào mỗi chiều tối để được cầu an cho con. Ôi, Đức Quán Thế Âm nhiệm mầu! Tôi tin phép lạ sẽ đến với con họ, đến với gia đình các đôi vợ chồng trẻ, ít nhất là giúp họ tĩnh tâm, vững vàng niềm tin để lo lắng cho con; và hạnh phúc thay, nếu con họ vượt qua bệnh tật, thì tiếng kinh kệ và lời nguyện cầu của cha mẹ tại ngôi chùa này là nguồn dinh dưỡng tinh thần tuyệt vời cho cuộc sống tương lai của mấy đứa con bé bỏng này.


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: